Vấn đề dạy giáo lý
cho trẻ em Công Giáo tại Pháp

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Bàn về Vấn đề dạy giáo lý cho trẻ em Công Giáo tại Pháp.

Trong Khóa họp khoáng đại Mùa Thu của Hội Ðồng Giám Mục Pháp tại Lộ Ðức, được bế mạc hôm thứ Ba vừa qua, ngày 10.11.98, sau một tuần lễ cầu nguyện và thảo luận về nhiều vấn đề mục vụ trong đó vấn đề dạy giáo lý cho trẻ em, là vấn đề sôi nổi và gây lo lắng nhiều hơn cả cho các vị chủ chăn Giáo Hội Pháp trong lúc này. Có vị đặt câu hỏi: "Vào Năm 2000 các thanh thiếu niên Pháp sẽ còn là tín hữu Công Giáo nữa hay không?". Ðây là câu hỏi nghiêm trọng liên hệ sự sống còn của Giáo Hội Công Giáo tại Pháp. Nước Pháp vẫn được tiếng là "Trưởng Nữ của Giáo Hội". Thật sự Nước Pháp đã xứng đáng với tước hiệu này. Nước Pháp đã cung cấp cho Giáo Hội biết bao Vị Thánh thời danh. Giáo Hội Pháp đã gửi đi các xứ truyền giáo biết bao con cái nam nữ của mình, trong số này có rất nhiều vị đã hy sinh mạng sống để minh chứng đức tin. Nước Pháp đã có biết bao Dòng Tu chuyên lo công việc giáo dục, xã hội, bác ái, không những trong Nước, mà còn trên khắp thế giới. Có người sẽ nói: Ðây là nước Pháp của những thế thế kỷ trước. Nước Pháp ngày nay về phương diện tôn giáo đã khác xưa nhiều. Thật ra, không ai phủ nhận điều quả quyết này. Tình trạng sa sút về đức tin, về đạo đức không phải là hiện tượng riêng tại Pháp, nhưng tại tất cả các quốc gia Aâu Mỹ hiện nay. Các quốc gia sùng đạo này, trước đây đã đem Tin Mừng cho cả Thế Giới, nay trở nên các nước truyền giáo. Câu hỏi đã được đặt ra trong Khóa Họp các Giám Mục Pháp tại Lộâ Ðức, là: "Trong năm 2000 các thanh thiếu niên Pháp sẽ còn là những tín hữu Công Giáo nữa hay không?". Bản thống kê được đem ra thảo luận trong Khóa Họp lần này cho thấy: hiện nay có một phần ba trẻ em Pháp sinh ra không được rửa tội; trong số các trẻ em Công Giáo chỉ có gần một nửa đi học giáo lý tại các giáo xứ.

Ðể cứu vớt tình trạng "mất đạo dần dần này", các Giám Mục chủ trương đẩy mạnh việc giảng dạy giáo lý cho các trẻ em, không những cho các trẻ em mà cả cho các người đứng tuổi nữa. Nhưng việc dạy giáo lý cho trẻ em tại các trường Nhà Nước gặp nhiều cản trở. Nước Pháp theo chính sách li khai giữa Nhà Nước và Giáo Hội. Vì thế việc giảng dạy giáo lý chỉ được phép làm trong khu vực giáo xứ hay tại các trường Công Giáo mà thôi. Ai cũng biết rằng: việc giảng dạy giáo lý là phương thế duy nhất để đưa các em vào đạo Công Giáo và để giúp các em dần dần có một đức tin vững chắc. Ngày xưa việc đi học giáo lý được coi như là việc kéo dài tự nhiên của việc thực hành đạo trong gia đình. Ngày nay khác hẳn. Ngày nay việc giảng dạy giáo lý là một khám phá luôn luôn mới mẻ đối với trẻ em, vì trong gia đình các em không bao giờ hay ít khi được nghe nói đến đạo. Ðức Cha Dufois, Tổng Giám Mục giáo phận Lille, Chủ Tịch Ủy Ban phụ trách giảng dạy giáo lý của Hội Ðồng Giám Mục Pháp, tuyên bố: "Chúng ta đang trải qua từ việc giảng dạy giáo lý truyền thống, việc giảng dạy nhằm bổ túc và hoàn tất những điều cần thiết về đức tin lãnh nhận được trong gia đình Công Giáo, đến việc giảng dạy giáo lý để bước vào đạo, nghĩa là việc giảng dạy bắt đầu từ con số không". Hiện nay trong cả nước Pháp có 130 ngàn giáo lý viên hoàn toàn tự nguyện đảm nhận công việc truyền giáo khó khăn này tại các giáo xứ. Theo thống kê, chỉ có 4% trẻ em từ 8 đến 11 tuổi theo thường xuyên các lớp giáo lý. 4% trẻ em khác (khoảng 43 ngàn) không được rửa tội, cũng theo các lớp giáo lý tại các giáo xứ vì do bạn bè lôi kéo hoặc vì tò mò. Cô Michelle, một giáo lý viên tại Bordeuax, kể lại rằng: "Rất nhiều em nghe lần đầu tiên nghe nói đến Chúa Giêsu chết và sống lại. Tính cách hồn nhiên của các em gây xúc động, nhưng đây cũng là một trách nhiệm thêm nữa cho chúng tôi".

Các giám mục Pháp đang có chương trình soạn một cuốn giáo lý cho lứa tuổi từ 18 đến 30, với mục đích trình bày đức tin cho thế hệ mới, có thể nói đại đa số không biết gì về đạo. Cuốn giáo lý này nhằm giúp họ khám phá những điều cần thiết nền tảng của đức tin.

Năm 1882, Ông Jules Ferry đã khám phá ra hệ thống giáo dục quốc gia Pháp , một hệ thống hướng về tính cách trần thế của Nhà Nước, và vẫn còn hiệu lực cho tới ngày nay. Ông đã đặt ra bộ luật, được gọi theo tên của ông ,là luật JULES Ferry, nhằm bảo đảm cho các cha mẹ muốn giáo dục con cái về tôn giáo, thì được phép thực hiện điều nầy trong ngày nghỉ. Trước đây, mỗi tuần có một ngày nghỉ, thứ Năm hoặc thứ Tư. Và các trẻ em đã lợi dụng ngày nghỉ để đến lớp giáo lý tại giáo xứ. Ngày nay, không còn ngày nghỉ giữa tuần lễ nữa. Và cha mẹ lợi dụng ngày nghỉ vào cuối tuần, để đưa cả gia đình đi nghỉ. Do đó các em không thể đến hay đến không thường xuyên để theo học các lớp giáo lý.

Một khó khăn khác nữa xuất hiện mới đây, khi Bà Royal, thuộc Ðảng Xã Hội, Bộ Trưởng Giáo Dục, đã đưa ra chỉ thị mới sẽ được áp dụng năm tới đây. Thì giờ học hành của các em tại trường được chia làm ba khoảng: học đường - ngoài học đường (thì giờ rảnh rỗi dành cho gia đình hay bạn hữu) - và bán học đường (hoạt động văn hóa, hoạt động thể thao v.v..). Khoảng thời gian được dành cho việc dạy giáo lý, không có. Ðức Cha Jean Orchampt, giám mục Angers, tuyên bố: "Chúng tôi không phản đối ý kiến dành việc dạy giáo lý vào khoảng thời gian bán học đường. Nhưng chúng tôi không muốn thi đua hay tranh giành với các câu lạc bộ thể thao và các sáng kiến khác.... Luật Jules Ferry bảo đảm có khoảng thì giờ riêng cho việc dạy đạo. Chúng tôi yêu cầu tôn trọng như vậy mà thôi".

Trong một bức thư gửi cho các giám mục tháng Bẩy 1998 vừa qua, Bà Royal đã quả quyết với các giám mục rằng: "Trong hệ thống giáo dục Pháp luôn luôn có thì giờ được dự trù cho việc giảng dạy giáo lý". Nhưng trong thực tế vẫn chưa ai thấy gì cả. Ðức Cha Dufois trả lời: "Chúng tôi không muốn kêu gọi các người Công Giáo xuống đường chiến đấu để bênh vực việc giảng dạy giáo lý, nhưng chúng tôi than phiền sự chểnh mảng và sự lãnh đạm của chính phủ về vấn đề này. Cần phải nói rõ ràng rằng: việc giảng dạy giáo lý không phải là việc "giáo sĩ". Ðây là vấn đề liên hệ đến quyền của các cha mẹ về tự do giáo dục. Ðây là vấn đề liên hệ đến cả xã hội. Nếu bãi bỏ việc giảng dạy tôn giáo, thì chúng ta đừng than phiền về những trống rỗng luân lý, về việc lan tràn các giáo phái nơi giới trẻ và biết bao tệï đoạn, sự dữ, tội ác trong xã hội ngày nay ".


Back to Radio Veritas Asia Home Page