ÐTC tiếp
Tân Ðại sứ Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan
trình thư ủy nhiệm

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp Tân Ðại sứ Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan trình thư ủy nhiệm.

Vatican - 23.10.98 - Sáng thứ Sáu, 23/10/98, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp Tân Ðại Sứ Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, ông Eamon O Tuathail, đến trình thư ủy nhiệm. Tân đại sứ sinh năm 1936, độc thân, vào ngành Ngoại Giao năm 1961 và đã giữ nhiều chức vụ quan trọng trong và ngoài nước: Ðại Sứ tại Liban, Arabie Saudite; rồi thứ trưởng ngoại giao và sau đó được bổ nhiệm làm Ðại Sứ tại Ai Cập và Nam Phi.

Trong diễn văn chào mừng Tân Ðại Sứ, ÐTC nhắc đến thỏa ước quan trọng được ký kết dịp Lễ Phục Sinh vừa qua giữa các phe gây chiến với nhau của Bắc Ái Nhĩ Lan, và như thế chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài từ nhiều năm. Ngài nói: "Ðây là một chiến thắng của nền Ngoại Giao quốc tế". Nhưng còn nhiều vấn đề trầm trọng, trong đó có vấn đề cuộc nội chiến đẫm máu từ nhiều năm còn để lại bao vết thương trong tâm hồn người dân. Hòa bình sau cùng đã trở lại, nhưng hòa bình bền bỉ là một thực tại rất dễ tan vỡ. Vì thế cần sự cố gắng của mỗi một người. ÐTC cầu chúc, cùng với lời cầu nguyện của ngài, một tương lai tốt đẹp cho dân tộc Ái Nhĩ Lan, không phân biệt. Tương lai này cần được cắm rễ sâu trong công lý, hòa bình và hòa hợp. Sau đó, ÐTC nhắc lại với nhiều cảm động chuyến viếng thăm mục vụ của ngài năm 1979 tại Cộng Hòa Ái Nhĩ Lan, một quốc gia có những truyền thống Công Giáo vững chắc và lâu đời. Ngài nhắc lại sự quan trọng của gia tài ngàn năm về đức tin của Ái Nhĩ Lan. Gia tài này, Ái Nhĩ Lan, trong cái nhìn của những thách đố của Ngàn Năm mới tới đây, phải dấn thân thông truyền cho cho tất cả Châu Âu; cái nhìn đức tin này qui định các nguyên tắc của việc phát triển tương lai của toàn lục địa. Trong cái nhìn Kitô, các quyền căn bản của con người không do thế quyền ban cho; các quyền này có nguồn gốc nơi chính bản tính con người và, theo phân tích sau cùng, do Thiên Chúa. Không công nhận chân lý này, một chân lý vượt qua mọi bối cảnh xã hội và văn hóa, sẽ đi đến chỗ độc quyền thống trị của Nhà Nước trên mọi phương diện của đời sống và, do đó, đi đến các chế độ độc tài đủ loại".

Vì thế, theo ÐTC, cần phải cổ võ một phát triển tập thể, nhưng không được quên việc phát triển cá nhân. Thực ra, việc phát triển của quốc gia này, quốc gia kia... không bao giờ được giới hạn vào việc thu tích tài sản mà thôi, nhưng phải cắm rễ sâu vào một ý nghĩa sâu xa của tính cách bất khả xâm phạm của con người. Do đó không thể không phát sinh ra nguyên tắc này là việc bênh vực gia đình và thăng tiến hạnh phúc gia đình - nguyên tắc mà Hiến Pháp Ái Nhĩ Lan đã đề cao. Vì thế ÐTC cầu chúc rằng Ái Nhĩ Lan tiếp tục, trong diễn đàn các Quốc Gia, trở nên tiếng nói thuyết phục trong việc bảo vệ sự sống, bằng việc góp công vào việc củng cố một nền văn hóa thực sự quốc tế và đồng thời cũng là nền văn hóa riêng của mình: một nền văn hóa của việc tôn trọng con người, gia đình và chiều kích siêu việt của cuộc sống. ÐTC cầu chúc "tương lai của tất cả dân tộc Ái Nhĩ Lan, không phân biệt, được ăn rễ sâu trong công lý, hòa bình và hòa hợp".


Back to Radio Veritas Asia Home Page