ÐTC Gioan Phaolô II
viếng thăm chính thức
Tổng Thống Cộng Hòa ITALIA

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC viếng thăm chính thức Tổng Thống Cộng Hòa ITALIA.

Lúc 11 giờ trưa thứ Ba 20.10.98, ÐTC và đoàn tùy tùng của ngài đã đến Ðiện Quirinale, tức Dinh Tổng Thống, để viếng thăm chính thức Tổng Thống Cộng Hòa Ý, Ông OSCAR LUIGI SCALFARO. Các chuông trên tháp Ðiện Quirinale vang lên chào mừng vị Thượng Khách. Ðến nơi, ÐTC và Tổng Thống tiến vào nhà nguyện của Ðiện Quirinale cầu nguyện trong ít phút. Rồi tiến sang phòng khách bên cạnh, hai vị đàm thoại riêng trong nửa giờ. Sau đó mới đến lễ nghi chào mừng chính thức trước sự hiện diện của các Vị lãnh đạo Dân Sự và Quân Sự.

Tổng Thống Scalfaro đọc diễn văn chào mừng ÐTC, trong đó ông nói: ÐTC là người chiến đấu vất vả trên các ngả đường thế giới, là người chịu đau khổ, là chứng nhân của tình yêu thương và là người luôn luôn bênh vực con người và các quyền thiêng liêng của con người. Tiếng nói của ÐTC là tiếng nói của tất cả nhân loại bị trọng thương bởi bạo động, chiến tranh, sự thống trị của bạo quyền, bởi những bất công vô nhân đạo, bởi những sai lầm trầm trọng và gây hại, bởi những đảo lộn và làm bẩn đục sự trong sạch của trẻ thơ.

Tổng Thống nhắc lại vụ ám sát vào tháng 5 năm 1981. Dù gặp những khó khăn và cản trở lớn lao, "đức tin và sự hăng say của ÐTC đối với các người hèn yếu hơn cả không thể bị giập tắt bởi bàn tay sát nhân và ngày nay cũng không đầu hàng dưới sức đè nặng của những mệt nhọc hằng ngày". Tổng Thống coi ÐTC là chứng nhân của việc bênh vực các quyền bất khả xâm phạm của con người.

Ông nói: "Nơi ÐTC, chúng con thấy rằng: ÐTC là người bênh vực không biết mỏi mệt con người, bênh vực phẩm giá cao cả và các quyền thiêng liêng của họ".

Ðề cập đến tính cách "trần thế" của Nhà Nước, Tổng Thống Italia giải thích trách nhiệm của những ai hoạt động trong hành chánh và chính trị. Ðây không phải là một bổn phận dễ dàng để phân biệt, hướng dẫn, cai trị, và nhất là quyết định. Ông nói: "Về tất cả các điểm này, tiếng nói của Giáo Hội, người Mẹ và người Thầy luôn luôn cầu nguyện, là như chiếc đèn đem đến ánh sáng và sức mạnh cho con đường của chúng con, dù không có cất khỏi hay giảm bớt sức nặng của trách nhiệm. Dù có những vất vả, cô đơn và những sự không thông cảm của con người, trước hành động của kẻ cầm quyền, nhưng chúng con biết rằng đây là bổn phận của chúng con. Chỉ mình chúng con có thể và phải thưa lại về bổn phận này trước Thiên Chúa mà thôi". Chắc chắn với lời này, Tổng Thống Italia có ý ám chỉ đến việc các nhà chính trị trong lúc này chỉ trích ông về việc lựa chọn một nhân vật cựu cộng sản để lập chính phủ, thay thế ông Prodi, người Công Giáo.

Sau đó, Tổng Thống cảm ơn ÐTC và tất cả Giáo Hội về những công việc liên tiếp thực hiện trong các thế kỷ tại nước Ý này. Ông bảo đảm với ÐTC rằng Nước Ý luôn luôn hoạt động và dấn thân cách nghiêm chỉnh để bảo tồn quyền tự do và trở nên người đem tự do đến cho nguời khác, để bảo đảm công bình hơn và đem công bình đến cho nguời khác. Tổng Thống kết thúc: "Từ thông điệp Tân Sự của Ðức Leo XIII cho đến thông điệp Năm Thứ 100 của ÐTC, có biết bao âm hưởng nơi những nguyên tắc chính yếu của Hiến Pháp nước chúng con: một Hiến Pháp được thiết lập trên phẩm giá con người.... Phải thành thực nói: không có những giá trị cao cả, dĩ nhiên không có một nền văn minh xứng đáng con người".

Tổng Thống Oscar Luigi Scalfaro là người Công Giáo thành tín. Ông dự thánh lễ hằng ngày. Từ hồi thanh niên, ông đã hoạt động trong Ðoàn Thể Công Giáo Tiến Hành và trong Ðảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo. Dù làm Tổng Thống, ông vẫn mang biểu hiệu Công Giáo Tiến Hành trên áo. Trước khi làm Tổng Thống, ông là Dân Biểu Quốc Hội và trong nhiều năm làm chủ tịch Hạ Viện, rồi Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ. Cách đây gần 7 năm, trong lúc nước Ý gặp nhiều khó khăn về xã hội và chính trị, Quốc Hội đã bầu Ông làm Vị Lãnh Ðạo quốc gia. Nhiệm kỳ của ông sẽ chấm dứt sau 7 tháng tới đây. Ông ra làm chính trị hồi 25 tuổi thời Thủ Tướng De Gaspari. Ông là một trong các vị thuộc Quốc Hội Lập Hiến của Cộng Hòa Ý năm 1948. Ngoài việc làm chính trị, ông còn là Chủ Tịch quốc gia của "Phong Trào Ðạo Binh Xanh". Trên bàn giấy của Ông tại Phủ Tổng Thống luôn luôn có tượng Ðức Mẹ Fatima. Ông còn viết sách và giảng thuyết nhiều lần về Ðức Mẹ và về Ðạo Binh Xanh. Năm nay ông 80 tuổi, nhưng rất khỏe mạnh và sáng suốt. Bà vợ qua đời lúc ông 25 tuổi, để lại người con gái mới được mấy tháng. Ông không tái giá và hiện sống với người con gái . Cô cũng không lập gia đình. Tổng thống Scalfaro là một trong các nhà chính trị lỗi lạc và liêm khiết nhất của nước Ý.

Trong diễn văn đáp từ, nhắc đến những đề tài luôn được quan tâm, cách riêng việc bênh vực sự sống, ÐTC nói: "Tôi cầu chúc người ta làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ sự sống con người, để thắng tai họa phá thai và để loại bỏ mọi hình thức hợp thức hóa việc làm cho chết êm dịu". ÐTC giải thích thêm rằng: Gia đình lành mạnh, Ðất nước lành mạnh. Trong cơ hội thuận tiện này, ÐTC kêu gọi hãy làm mọi cách có thể để bảo vệ và nâng đỡ gia đình, cơ cấu nền tảng của xã hội. Thực sự việc phát triển luân lý và dân sự của đất nước hệ tại ở công việc giáo dục được thực hiện trong gia đình. ÐTC nhắc đến một diểm khác, đã được ngài nói đến nhiều lần, là cần phải làm những luật lệ tương xứng theo đúng nguyên tắc về tự do và đa diện, được ghi trong Hiến Pháp Ý: quyền của cha mẹ được lựa chọn kiểu mẫu giáo dục cho con cái mình, kiểu mẫu mà họ nghĩ là xứng hợp hơn cho việc trưởng thành về văn hóa của con cái. ÐTC nói: "Không những bảo đảm quyền học hành, nhưng còn phải bảo đảm sự có thể lựa chọn trường được ưa chuộng hơn, không một kỳ thị hay bị thiệt thòi, theo như phần lớn các quốc gia Châu Âu vẫn thực hiện". Từ nhiều năm Giáo Hội Công Giáo Ý tranh đấu đòi quyền bình đẳng và trợ cấp cho các trường tư, nhưng chưa thành công. Cha mẹ phải đóng thuế; nhưng khi gửi con cái vào trường tư, họ phải trả học phí. Ðây là điều bất công.

Nhắc đến 20 năm sống tại Roma, với tư cách là Vị Chủ Chăn toàn Giáo Hội, Giáo Chủ Giáo Hội Italia và Giám Mục Roma, dù đến từ một quốc gia xa xôi, ÐTC cảm thấy có liên hệ mỗi ngày mỗi nhiều vào lịch sử và đời sống quốc gia Ý. ÐTC kể lại những năm ngài học tại Roma, ngay sau đệ nhị thế chiến và cư trú tại Học Viện Bỉ, ngay bên cạnh đường Quirinale, ÐTC nói: "Tôi muốn nhắc lại một lần nữa những hoàn cảnh khác tại Ý và nhất là tại Monte Cassino, nơi đây các bạn học cùng lớp tôi đã chiến đấu và nhiều người đã hy sinh mạng sống, được chôn cất tại Ancona và tại những nơi khác. Cả họ nữa, trong cách nào đó, đã dọn đường cho tôi đến Roma nầy".

Kết thúc bài diễn văn, ÐTC cầu chúc cho việc hòa hợp tốt đẹp giữa Nước Ý và Giáo Hội Công Giáo được củng cố và được tăng cường, để chuẩn bị Ðại Toàn Xá của Năm 2000. ÐTC nói: "Ðối với dân tộc Ý, Ðại Toàn Xá sẽ tạo nện cơ hội quí báu để tái khám phá căn cước đích thực của mình và dấn thân, theo ánh sáng các giá trị Kitô của truyền thống riêng mình, trong việc xây dựng một thời kỳ mới về tiến bộ và về việc chung sống huynh đệ". Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Phủ Tổng Thống Italia kéo dài hai tiếng đồng hồ. Và ÐTC đã trở về lại Vatican lúc 1 giờ chiều.


Back to Radio Veritas Asia Home Page