Một năm ba Vị Giáo Hoàng kế tiếp nhau.
Vatican - 16.10.98 - Có lẽ trong lịch sử Giáo Hội, chưa lúc nào trong một năm có ba vị Giáo Hoàng kế tiếp nhau trên Tòa Phêrô. Năm này là năm 1978.
Ðức Phaolô VI qua đời ngày 6.8.1978, sau 15 năm phục vụ Giáo Hội. Ngày 26.8.1978, các Ðức Hồng Y bầu Ðức Albino Luciani, Hồng Y Giáo Chủ Venezia, lên thế vị. Nhưng ngài qua đời 28.9.1978, sau 33 ngày. Các Ðức Hồng Y lại được triệu tập về Roma, để bầu Giáo Hoàng mới. Ðức Hồng Y Giuse Trịnh như Khuê, Tổng Giám Mục Hà Nội, vẫn còn ở Roma, chưa kịp về Việt Nam. Ngài đã cùng với các Vị Hồng Y khác họp Mật viện để bầu vị thay thế Ðức Gioan Phaolô đệ nhất. Trong hai ngày 15 và 16.10.1978, Mật Viện đã bầu Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, người Ba Lan , Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, làm Giáo Hoàng. Ngài là vị Giáo Hoàng không phải người Ý sau hơn 450 năm. Nhiều người cho rằng lần này cuộc bầu cử sẽ khó khăn và lâu dài. Những dự đoán loài người đã sai lầm. Sau hai ngày, Giáo Hội đã có vị chủ chăn mới.
Ðức Karol Wojtyla là vị Giáo Hoàng thứ 264 tính từ Thánh Phêrô. Ngài lấy tên hiệu là Gioan Phaolô đệ nhị, để nhớ vị tiền nhiệm trực tiếp của ngài và đồng thời để nhớ hai vị Giáo Hoàng của Công Ðồng: Ðức Gioan XXIII và Ðức Phaolô VI. Ðức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng tiên khởi gốc Slavô. Triều Giáo Hoàng của ngài được coi là dài hơn cả trong thế kỷ 20 này.
Sau đây là những nhận xét của Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, vị cộng tác gần nhất của ÐTC và cùng chung trách nhiệm mục vụ và quản trị Giáo Hội hoàn cầu với ngài, trên Ðài Phát Thanh Vatican (16.10.98), trong dịp mừng Kỷ niệm 20 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II.
Ðức Hồng Y Sodano đã quả quyết như sau: 20 năm trên Tòa Thánh Phêrô của Ðức Gioan Phaolô II dĩ nhiên đánh dấu một đoạn nổi bật của lịch sử thời đại ta. Và sau đây là những đặc điểm chính của Triều Giáo Hoàng này:
Ðặc điểm thứ nhất: là tình người cha chung của ngài - đây là một khía cạnh cũng được chứa đựng trong tước hiệu mà chúng ta dùng khi nói về hay nói với ÐTC: "Ðức Thánh Cha", bởi vì người Công Giáo thế giới coi ngài là người Cha thiêng liêng của toàn Dân Công Giáo.
Ðặc điểm thứ hai: riêng biệt của triều Giáo Hoàng này là việc rao giảng Chân Lý; ÐTC là Thầy Dạy Chân Lý. Chỉ cần đọc các Thông Ðiệp của ngài, các Tông Huấn của ngài, và chỉ cần nhìn vào những chuyến viếng thăm mục vụ của ngài , những buổi tiếp kiến. Một trong các Thông Ðiệp mang tựa đề là "Splendor Veritatis" (ánh sáng ngời của Chân Lý); nhưng chúng ta có thể nói: tất cả Triều Giáo Hoàng của ngài được dành cho việc làm cho ánh sáng Chân Lý chiếu dọi trong thế gian.
Ðặc điểm thứ ba cần nhấn mạnh là đặc điểm của hoạt động mục vu: ÐTC như người hướng dẫn dân Công Giáo; hướng dẫn anh em ngài trong hàng Giám Mục; hướng dẫn và dọi ánh sáng cho các nhà cầm quyền thế giới khi các vị đến gặp ngài; hướng dẫn cả và cách riêng Giáo Phận Roma, giáo phận của ngài.
Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh nói tiếp: Ðặc điểm sau cùng tôi muốn nhấn mạnh là: đặc điểm "người Samaritano nhân hậu" trên các ngả đường thế giới. ÐTC rất nhậy cảm trước đám đông biển người: ngài thấy các quyền căn bản của họ bị chà đạp; ngài nhậy cảm trước những người đau khổ vì nghèo nàn, vì đói khổ, vì bệnh tật. Vì thế ÐTC trở nên tiếng nói của những ai không có tiếng nói. Về phương diện này tôi đã thấy ngài dành tất cả sự hăng say để bênh vực phẩm giá con người, để cổ võ nhân quyền. Ðể kết thúc , tôi xin nói rằng: Triều Giáo Hoàng này thực là một ơn lớn lao Chúa ban cho Giáo Hội".
Chiều 16.10.98, cũng vào chính lúc Ðức Hồng Y Felici loan báo Tin Vui có Giáo Hoàng mới, cách đây 20 năm, các quả chuông các nhà thờ Ba Lan, trong đó có một quả chuông lớn nhất của Ba Lan, nặng 11 tấn, vang lên và tiếp vận với Quảng Trường Thánh Phêrô, qua đài Truyền Hình Telepace , để các quả chuông của Ðền Thờ Thánh Phêrô cũng hòa theo, mừng kỷ niệm 20 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II. Hiện diện trong lễ mừng ÐTC tại Quảng Trường Thánh Phêrô, có ông thị trưởng Roma, Francesco Rutelli, các Ðức Hồng Y Jozef Glemp (Tổng Giám Mục Varsavia) , Ðức Hồng Y Macharski (Tổng Giám Mục Cracovia) - Ðức Hồng Y Noê, Phụ trách Ðền Thờ Thánh Phêrô, và Ðức Tổng Giám Mục Sepe, Tổng Thư Ký Ủy Ban trung ương Năm Thánh , dân chúng Roma, nhiều đoàn hành hương và khách du lịch. Ngoài ra, ban nhạc của Giáo Phận Roma cử bài "Con Là Ðá" (Tu es Petrus) do linh mục nhạc sư Frisina điều khiển. Cùng giúp vui trong buổi lễ này còn có nhiều nghệï sĩ và ca sĩ thời danh. Ca sĩ David D’Eor, người Do Thái, đến từ Tel Aviv để hát bài "Alleluia" mừng ÐTC. Ca sĩ Minghi hát bài do chính ca sĩ sáng tác trong dịp này để mừng ÐTC. Tựa đề của bài hát: "Một người đến từ phương xa". Ngoài ra, còn có hai đoàn túc cầu của Thị Xã Roma đến để chúc mùng Vị Giáo Hoàng thể thao.
Ban tối, Ðài Telepace truyền đi những hình ảnh đẹp nhất của Triều Giáo Hoàng và những cuộc phỏng vấn nhiều nhân vật chính trị, như Nelson Mandela, Tổng Thống Nam Phi, Benjamin Netanyahu, Thủ Tướng Do Thái.
Chúa nhật 18.10.98, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, ÐTC sẽ chủ sự Thánh lễ tạ ơn do Giáo Phận Roma tổ chức, với sự tham dự của các giáo xứ. Tất cả các Vị Hồng Y có mặt tại Roma và các vị đứng đầu các Cơ Quan Tòa Thánh sẽ đồng tế với ÐTC.