Thánh Lễ ngày thứ Sáu
Mừng 20 năm triều Giáo Hoàng
của Ðức Gioan Phaolô II

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thánh Lễ Mừng 20 năm triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II.

Thứ Sáu 16/10/98 là ngày kỷ niệm đúng 20 năm triều đại Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, một triều Giáo Hoàng lâu hơn cả của thế kỷ 20 này. Hàng chục ngàn tín hữu Công Giáo, trong số này có khoảng 25 ngàn người Ba Lan, tổng thống Ba Lan và phu nhân, các nhà lãnh đạo chính trị đã có mặt tại quảng trường thánh Phêrô để tham dự thánh lễ tạ ơn đặc biệt mừng ngày kỷ niệm 20 năm làm Giáo Hoàng của ÐTC. Trong mục Thời Sự Quốc Tế tuần này, chúng tôi xin gửi đến quí vị và các bạn một vài diễn biến liên quan tới thánh lễ tại quảng trường Thánh Phêrô ngày thứ Sáu 16/10/98, cảm nghĩ của ÐTC cũng như của một số nhà lãnh đạo trên thế giới về Ðức Gioan Phaolô II…….

"Chúng ta có Giáo Hoàng mới", đó là lời loan báo của Ðức Hồng Y Felici ngày 16/10 năm 1978, sau khi các Hồng Y vào mật viện đã chọn Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, người Ba Lan, lên làm vị kế nghiệp thứ 264 Thánh Phêrô, lấy tên hiệu là Gioan Phaolô II. Thứ Sáu 16/10/98, vào ban sáng có thánh lễ tạ ơn đặc biệt tại quảng trường Thánh Phêrô để kỷ niệm 20 năm người con yêu quí của Ba Lan lên làm vị chủ chăn giáo hội Công Giáo hoàn vũ. Quang cảnh tại quảng trường Thánh Phêrô đầy ngập màu cờ của Ba Lan và các biểu ngữ của Công Ðoàn Liên Ðới Ba Lan, tưởng chừng như Krakow, sinh quán của ÐTC đã vượt không gian để tới quảng trường Thánh Phêrô này. Quốc ca và các bài ca của Ba Lan vang dội khắp quảng trường giữa lúc chiếc xe chở ÐTC Gioan Phaolô II chạy chậm giữa đoàn người đến dự lễ và chia sẻ niềm vui mừng với ÐTC. Bầu khí thật cảm động, nhất là trong số những tín hữu Ba Lan. Nhiều người đã rơi lệ vì cảm động, và người ta thấy khuôn mặt của ÐTC cũng biểu lộ sự trầm ngâm và cảm động không kém. Trong ngày lễ trọng đại này, ÐTC đã xin những người đồng hương của ngài cầu nguyện để ngài có thể đạt được ước nguyện dẫn đưa giáo hội Công Giáo hoàn vũ bước vào thiên niên kỷ thứ ba. Sự hiện diện của phái đoàn chính phủ Ba Lan và những người đồng hương chắc chắn đã là một món quà đầy ý nghĩa đối với ÐTC, và như theo lời của các vị cộng tác với ÐTC rằng dù đã sống và làm việc tại Roma từ 20 năm qua nhưng ÐTC vẫn còn nhớ nhà. Chính ÐTC cũng nói lên cảm nghĩ này khi ngài tuyên bố với những người Ba Lan như sau: "Ðiều gì tốt cho quê hương Ba Lan, là tốt đối với tôi. Ðiều gì làm cho Ba Lan đau buồn, mất danh dự, hay đe dọa tới Ba Lan, đều trở thành một phần trong tôi, một phần trong trái tim, trong trí óc và cảm nghĩ của tôi".

Với giọng đầy cảm động, ÐTC đã nhớ lại buổi chiều ngày 16/10/1978, sau khi ngài được chọn làm người kế vị Thánh Phêrô đầu tiên không phải là người Ý kể từ 455 năm qua. Các tín hữu hiện diện đã hoan hô nhiệt liệt hơn một phút đồng hồ khi ÐTC gợi lại giây phút tại nhà nguyện Sistine, sau khi ngài được chọn làm giáo hoàng, vị Hồng Y nhiếp chính hỏi "Có chấp nhận không", và ngài đáp: "Trong sự tùng phục của đức tin trước Chúa Kitô, Chúa của Tôi, trong sự phó thác hoàn toàn cho Mẹ Chúa Kitô và Mẹ Giáo Hội, ý thức về những khó khăn lớn lao, tôi xin chấp nhận". Ðối với người dân Ba Lan và các sử gia, câu "Tôi xin chấp nhận", đã làm thay đổi cả lịch sử hiện đại của Ba Lan. Ðức Gioan Phaolô II được coi là nhân vật đã giữ một vai trò chủ yếu trong biến cố sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại quê hương của ngài, mở màn cho sự sụp đổ tiếp theo của các chế độ cộng sản thuộc khối Ðông Âu.

Bài diễn văn của ÐTC đã bị ngắt quãng nhiều lần, khi các tín hữu Ba Lan hát bài "Sto Lat" (Xin cho ngài được sống trăm tuổi). ÐTC cũng gợi lại biến cố mưu sát ngài ngày 13/5/1981 tại quảng trường Thánh Phêrô, khi ngày nói như sau: "Thật là khó khi nói về biến cố này mà không tránh khỏi xúc động. Tôi cảm ơn quê hương Ba Lan, các người đồng hương về những lời cầu nguyện đã ban cho tôi sức mạnh để đối mặt trước tử thần. Giờ đây, là lúc để chúng ta nhìn về tương lai. Từ nhiều năm qua, tôi chuẩn bị để đưa toàn thể giáo hội bước qua ngưỡng cửa của thiên niên kỷ thứ ba. Tôi xin quí vị cầu nguyện để tôi có thể chu toàn công tác mà Thiên Chúa đã trao phó cho tôi. Cách đây 20 năm khi tôi bắt đầu thừa tác vụ của vị chủ chăn. Tôi nói: "Hãy mở cửa cho Chúa Kitô", giờ đây trước thềm thiên niên kỷ thứ ba, những lời này lại mang một ý nghĩa hùng hồn hơn." Sau những lời trên đây, ÐTC Gioan Phaolô II cũng không quên đề cập tới những hoàn cảnh hiện tại ở Ba Lan, quê hương của ngài. Người dân Ba Lan đang đứng trước những cám dỗ của chủ nghĩa tiêu thụ, và nền luân lý đã giúp họ giữ vững đức tin dưới chế độ cộng sản đang có chiều hướng rạn nứt. Ngài khuyên những người đồng hương như sau: "Ba Lan ngày nay cần những người có đức tin sâu đậm và lương tâm liêm chính dựa trên phúc âm và giáo huấn xã hội của hội thánh. Ba Lan cần những con dân Kitô can đảm và có trách nhiệm". Sau thánh lễ và buổi tiếp kiến phái đoàn chính phủ Ba Lan, vào buổi tối thứ Sáu 16/10/98, ngài xuất hiện trên cửa sổ phòng làm việc của ngài để đón chào hàng chục ngàn tín hữu đến tham dự buổi hòa nhạc để mừng lễ kỷ niệm của ngài. ÐTC có vẻ thấm mệt và ngài nói các tín hữu rằng ngài cám ơn những gì đã xảy ra cho ngài trong suốt 20 năm ở chức vị chủ chăn giáo hội hoàn vũ. Buổi hòa nhạc được trực tiếp truyền hình về Krakow, nơi ÐTC trước khi được bầu làm giáo hoàng đã làm Tổng Giám Mục. Vào đúng 6:44 phút giờ Ba Lan chiều thứ Sáu 16/10/98 và cũng là giây phút vào ngày 16/10/1978, thế giới được chính thức loan tin Ðức Karol Wojtyla lên làm giáo hoàng, chuông tại nhà thờ chính tòa ở Krakow đã đổ hồi để đánh dấu giây phút lịch sử này.

Ðó là một vài chi tiết liên quan tới biến cố tại quảng trường Thánh Phêrô nhân kỷ niệm 20 triều giáo hoàng của ÐTC Gioan Phaolô II. Cũng trong ngày này, nhiều nhà lãnh đạo chính trị trên thế giới đã gửi thư và điện văn chúc mừng ÐTC, người được ca ngợi vì những nỗ lực không biết mỏi mệt để cổ võ cho hòa bình thế giới. Lời chúc mừng này đến từ không ai khác hơn là nhà lãnh đạo của quốc gia mà ÐTC chưa có dịp đặt chân tới kể từ khi lên làm giáo hoàng, tổng thống Boris Yeltsin. Trong điện văn chúc mừng ÐTC, ông Yeltsin đã ghi nhận biết bao sự thay đổi trên thế giới kể từ khi Ðức Karol Wojtyla lên làm giáo hoàng. Ông nói như sau: "ÐTC đã chiếm được uy thế của một người cổ võ không mỏi mệt cho hòa bình và công lý, và suốt cuộc sống được dành để củng cố các cột trụ của luân lý và đoàn kết trong quan hệ giữa các quốc gia, và cho toàn thế nhân loại nói chung."

Chủ tịch Fidel Castro của Cuba cũng đã bày tỏ lòng mến mộ của ông đối với ÐTC qua buổi tiếp kiến ông dành cho một phái đoàn của chính phủ Ý đến viếng thăm Cuba. Một viên chức cao cấp trong phái đoàn, ông Roberto Formigioni cho biết, chủ tịch Castro đã nói rằng, đối với riêng cá nhân, ông rất cảm kích bởi gương của một nhân vật đã công du tới nhiều nơi trên thế giới không biết mỏi mệt, để nói thẳng những ý nghĩ của mình vào tâm trí của mọi người. Trong khi đó, tổng thống Ý, ông Luigi Scalfaro cũng dành thời giờ mặc dù Ý cũng đang ở trong cuộc khủng hoảng chính trị, để đích thân đến dự thánh lễ tạ ơn tại quảng trường Thánh Phêrô. Thay mặt cho toàn thể dân Ý, tổng thống Scalfaro đã gửi đến ÐTC những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đồng thời cảm ơn ÐTC vì gương chứng nhân cho chân lý của ngài, cho sự bảo vệ của ÐTC dành cho người nghèo, những người yếu đuối và bị đau khổ.


Back to Radio Veritas Asia Home Page