Kỷ niệm 20 năm
Ðức Hồng Y Karol Wojtyla
Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, Ba Lan
được bầu làm Giáo Hoàng
lấy tên hiệu là Gioan Phaolô Ðệ Nhị

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Kỷ niệm 20 năm Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, Ba Lan, được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên hiệu là Gioan Phaolô Ðệ Nhị.

Thứ Sáu, ngày 16.10.98, giáo hội Công Giáo mừng kỷ niệm 20 năm Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám Mục giáo phận Cracovia, Ba Lan, được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên hiệu là Gioan Phaolô Ðệ Nhị. Ngài là Vị Kế Nghiệp thứ 264 của Thánh Phêrô. Ðồng thời đây cũng là dịp mừng kỷ niệm 40 năm ngài được tấn phong Giám Mục (20.09.1958 - 1998).

Nhân dịp mừng kỷ niệm 20 năm Ðức Karol Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng và 40 năm thụ phong Giám Mục, chúng tôi xin phép trình bày vài nét về Triềâu Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, một Triều Giáo Hoàng lâu hơn cả của thế kỷ 20 này.

Từ đầu thế kỷ 20, Giáo Hội Công Giáo đã có các vị Giáo Hoàng sau đây:

Ðức Karol Wojtyla , người Ba Lan, được bầu làm Giáo Hoàng là một ngạc nhiên hết sức lớn lao, không những trong thế giới Công Giáo mà trên cả thế giới. Sau hơn 450 năm các vị Giáo Hoàng người Ý, nay lại có một vị Giáo Hoàng người nước khác. Dĩ nhiên, trong Giáo hội Công Giáo, không một người nào bị coi là ngoại quốc.

Việc chọn Ðức Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng là một ngạc nhiên, nhưng xét theo phương diện thiêng liêng và theo tinh thần đức tin: thì đây là một việc quan phòng của Thiên Chúa. Ðây là một hành động của Chúa Thánh Thần. Ngài luôn luôn hướng dẫn Giáo Hội trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại. Thật sự, theo những tiết lộ, trong Mật Viện trước đó để bầu Ðức Gioan Phaolô đệ nhất, Ðức Hồng Y Karol Wojtyla cũng đã được một số phiếu. Theo một Ðức Hồng Y cho biết, thấy tên mình được để ý, Ðức Karol Wojtyla run sợ. Như vậy, Ðức Hồng Y Karol Wojtyla đã được một số đồng nghiệp lưu ý, cách riêng các vị Hồng Y nói tiếng Ðức. Ðức Hồng Y Franz Koenig, cựu Tổng Giám Mục giáo phận Vienne, tiết lộ với nguyệt san có tên là "Ba Mươi Ngày" ("30 Giorni") như sau: Chúng tôi có thưa với Ðức Hồng Y Wyszynski, Giáo Chủ Ba Lan rằng: Lần này, Ba Lan phải cung cấp cho Giáo Hội một vị Giáo Hoàng". Ðức Hồng Y Giáo Chủ Ba Lan lúc đó đã trả lời: Người cộng sản BaLan đang muốn tôi ra khỏi nước. Tôi nhất định không rời Ba Lan. Tôi ở lại để chiến đấu cho đức tin, cho Giáo Hội, hơn nữa tôi cũng có tuổi rồi". Ðức Hồng Y Koenig đáp: Vậy Ba Lan không có vị Hồng Y khác sao? Còn Ðức Karol Wojtyla thì sao?". Ðức Hồng Y Wyszynski trả lời: "Tôi sợ các Vị Hồng Y không chấp nhận, vì ngài còn trẻ, mới 58 tuổi thôi".

Sau khi Ðức Gioan Phaolô đệ nhất qua đời, các Vị Hồng Y trở về Roma để bầu Giáo Hoàng mới. Cuộc bỏ phiếu của Mật Viện Hồng Y bắt đầu với ngày Chúa Nhật, với bốn lần bỏ phiếu. Sáng thứ Hai, là lần bỏ phiếu thứ 5. Ðến lần bỏ phiếu thứ sáu, vào trưa thứ Hai, Ðức Karol Wojtyla bắt đầu được chú ý đến. Ðến lần bỏ phiếu thứ bẩy, vào ban chiều thứ Hai, thì Ðức Karol Wojtyla được 47 phiếu và lần bỏ phiếu thứ tám, Ngài được 99 phiếu trong số 111 vị Hồng Y tham dự Mật viện. Như thế, Ðức Karol Wojtyla đã được chọn vào lúc 5 giờ 20 phút chiều ngày thứ Hai 16 tháng 10 năm 1978. Khói trắng từ nhà nguyện Xistine bay lên, báo hiệu "Ðã có Giáo Hoàng mới", vào lúc 6 giờ 17 phút chiều. Và lúc 6 giờ 43 phút chiều, thứ Hai 16/10/1978, Ðức Hồng Y Pericle Felici xuất hiện trước Bao Lơn mặt tiền Ðền thờ Thánh Phêrô, loan báo cho dân chúng tụ họp tại Quảng Trường rằng: Chúng Ta đã có Giáo Hoàng mới (Habemus Papam). Ðức Gioan Phaolô đệ nhị xuất hiện trên Bao Lơn, vào lúc 7 giờ 35 phút chiều, để chào dân chúng và ban Phép Lành trọng thể "Cho Thành Roma và Cho Toàn Thế Giới" ("Urbi et Orbi"). Khác hẳn với các vị Tiền Nhiệm của ngài, trước khi ban Phép Lành, Ðức Gioan Phaolô II nói với dân chúng bằng tiếng Ý; dù ngài không phải là người Ý, nhưng đã du học tại Roma. Ngài đã nói một cách đơn sơ thành thực; và những lời đầu tiên của ngài đã có sức gây xúc động và hăng say nơi dân chúng, trái hẳn với những lo sợ của chính ngài và của các Vị Hồng Y đã bầu ngài: "Không biết người dân Roma, vốn quen thuộc với các vị Giáo Hoàng người Ý từ hơn 450 năm nay, có chấp nhận một vị Giáo Hoàng người nước khác không?". Tất cả những lo ngại này đã tiêu tan, ngay từ lúc Vị Giáo Hoàng "người Ba Lan" ra mắt dân chúng. "Các Vị Hồng Y đã chọn một người ở xa, xa về phương diện địa dư, nhưng luôn luôn gần gũi trong đức tin. Nếu Tôi có nói sai tiếng Ý, xin anh chị em sửa lại cho tôi". Nhiều tràng pháo tay rất dài đón nhận những lời đơn sơ, thành thực và rất tâm lý này. Chính những lời đơn sơ, thành thực đó đã chinh phục được tâm hồn và cảm tình của người dân. Ngày 9.11.78, trong lễ nghi nhận Ðền Thờ Thánh Gioan Laterano, nhà thờ chính tòa của vị Giám Mục Roma, trong bài giảng, ÐTC đã nói với dân Roma cách tha thiết rằng: "Xin anh chị em hãy chấp nhận tôi. Xin anh chị em hãy chấp nhận tôi". Và ngài đã được chấp nhận và được yêu mến không những như các vị Giáo Hoàng người Roma hay người Ý, mà có lẽ còn hơn nữa. Trong 20 năm của Triều Giáo Hoàng, với tư cách là Giám Mục Roma, ÐTC đã viếng thăm 274 trong số hơn 300 giáo xứ của Giáo Phận Roma; và cũng đã viếng thăm hầu hết các miền khác nhau của nước Ý. Ðó là chưa kể hơn 80 chuyến viếng thăm quốc tế, ngoài Italia. Từ trước tới giờ chưa có vị Giáo Hoàng nào đã đạt được con số này. Ngài đã được không những người dân Ý mến phục, nhưng hầu như cả thế giới.


Back to Radio Veritas Asia Home Page