Ngày 16.10.1978
ngày Ðức Karol Wojtyla
được bầu làm Giáo Hoàng
ngày báo hiệu những thay đổi quan trọng
trong lịch sử

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Ngày 16.10.1978, ngày Ðức Karol Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng, ngày báo hiệu những thay đổi quan trọng trong lịch sử. (Kỷ Niệm 20 Năm Ðức Gioan Phaolô II làm giáo hoàng).

Thánh Gioan Tẩy Giả nói với dân chúng Palestine: "Ở giữa anh chị em có một người mà anh chị em không biết đến". Thánh Gioan có ý nói đến Chúa Giêsu, Ðấng ở giữa dân của Người, nhưng họ không nhận biết Người. Lời này cũng có thể áp dụng vào trường hợp Ðức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng Giám Mục giáo phận Krakow (Ba Lan), trước khi được chọn làm Giáo Hoàng. Một vị Hồng Y tham dự Mật Viện bầu Giáo Hoàng đã thú nhận rằng: "Tôi có nghe nói đến một vị tên là "Bottiglia", nhưng tôi không quen biết ngài. Tiếng Ý đọc là Bô-ti-gli-a, gần giống với phiên âm WOI-TY-OA, tên gọi bằng tiếng BaLan, Wojtyla của Ðức Gioan Phaolô II, mà vị Hồng Y đó nghe lầm là Bô-ti-gli-a. Sau khi Ðức Hồng Y Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng, vị Hồng này đến chào Ðức Wojtyla và tự thú như sau: "Giờ đây con mới biết Bottiglia là ai".

Khi Ðức Hồng Y Felici loan báo: "Chúng ta có Giáo Hoàng mới" rồi xướng tên ngài là Wojtyla (đọc là Voi-ti-ua), thì nhiều người hiện diện tại Quảng Trường Thánh Phêrô lúc đó đã thắc mắc hỏi nhau: Vị đó là ai vậy? Là Người Phi Châu chăng? Thật vậy, lúc đó Ðức Hồng Y Karol Wojtyla ít được dân chúng biết đến. Tại Ba Lan, ngài chỉ đứng sau lưng Ðức Hồng Y Stephan Wyszinski, Giáo Chủ, trong việc tranh đấu cho Giáo Hội, cho nhân quyền và tự do thời chế độ cộng sản. Khi còn là Tổng Giám Mục Cracovia, Ngài đãviếng thăm nhiều quốc gia, cách riêng những nơi có người Ba Lan tị nạn. Ðức Phaolô VI đã mời ngài giảng Tuần Tĩnh Tâm cho Giáo Triều Roma, và ngài đã diễn thuyết nhiều lần tại Roma, Milano... Dù vậy, ít ai nghĩ đến Vị Hồng Y trẻ tuổi và hăng say hoạt động này làm Giáo Hoàng, sau một truyền thống dài 450 năm gồm các vị Giáo Hoàng luôn luôn là người Ý.

Chương trình của Thiên Chúa thật mầu nhiệm và không ai dò xét nổi. Việc bầu Giáo Hoàng là một mầu nhiệm và không thể chắc chắn tới phút cuối cùng. Trong việc bầu Giáo Hoàng, có hai yếu tố: Thiên Chúa và nhân loại. Các vị Hồng Y họp mật viện suy xét theo lương tâm và có thể bàn thảo, nhưng Thiên Chúa Quan Phòng an bài và Chúa Thánh Thần hướng dẫn, soi sáng.

Dân chúng không biết đến hay ít biết đến Ðức Hồng Y Karol Wojtyla; nhưng giới báo chí đã biết và theo dõi. Họ theo dõi ngài trong các cuộc diễn thuyết tại Ý, trong Ðại Hội Thánh Thể quốc tế tại Philadelphia (Hoa Kỳ) năm 1976; họ biết ngài được tin Ðức Gioan Phaolô đệ nhất qua đời, nhờ nghe Ðài Phát Thanh. Chiều 13 và sáng 14.10.78, hai ngày trước Mật Viện, họ theo dõi ngài khi tới thăm người bạn thân, đồng hương, Ðức Cha Deskur, điều trị tại Bệnh Viện Bách Khoa Gemelli. Họ chú ý theo dõi ngài cầu nguyện trong nhà nguyện Xistine chiều ngày 14.10.78 trước khi các Hồng Y vào họp Mật Viện. Nhiều báo chí đã soạn sẵn tiểu sử của một số vị Hồng Y mà họ nghĩ là có thể được chọn làm Giáo Hoàng.

Xuất hiện trên Bao Lơn Mặt Tiền Ðền Thờ Thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã nói với dân chúng như sau: "Chúng ta cần làm lại lịch sử". Lời này đã thực hiện trong 20 năm làm Giáo Hoàng của ngài. Trước hết tại Ba Lan, rồi lan rộng đến các nước thuộc khối Cộng Sản Trung-Ðông-Âu. Ngài nói nhiều lần: Châu Âu phải thở bằng hai lá phổi : Tây và Ðông. Châu Âu không thể chia rẽ thành hai khối kình địch nhau hay sống trong chiến tranh lạnh. Lời này không những ám chỉ những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô: Công Giáo và Chính Thống, nhưng còn áp dụng cho các phương diện khác nữa: địa dư-chính trị, kinh tế, văn hóa và tôn giáo. Châu Âu vẫn là một và từ đầu đã được lãnh nhận nền văn hóa Kitô. Thánh Biển Ðức và những Tu Sĩ con cái tinh thần của ngài đã khai sáng Tây Âu. Hai Thánh anh em Cirillo và Methodio, người Hy Lạp, đã có công truyền giáo, cách đây hơn một ngàn năm nay, các dân tộc gốc Slavô tại miền Trung-Ðông-Âu. Thánh Biển Ðức là Quan Thầy Châu Âu. Hai thánh Cirillo và Methodio cũng đã được Ðức Gioan Phaolô II, gốc Slavô, tôn phong làm Quan Thầy Châu Âu như Thánh Biển Ðức. Châu Âu phải xây dựng sự thống nhất của mình không phải chỉ trên nền tảng chính trị, quân sự, kinh tế, nhưng trước hết trên các giá trị cao quý luân lý và tôn giáo của Kitô giáo. ÐTC nói: "Châu Âu phải trở về nguồn gốc của mình".

Sau chuyến viếng thăm Ba Lan lần thứ nhất năm 1979, thì Công Ðoàn Liên Ðới phát xuất vào năm 1980, để tranh đấu bằng những phương tiện hòa bình cho độc lập, tự do, dân chủ tại Ba-Lan. Cuộc tranh đấu bị bóp nghẹt năm 1981 bằng lệnh giới nghiêm của Chính Phủ cộng sản Jaruzelski và sự đe dọa xâm lăng của Khối Liên Xô. Nhưng sau đó, nhờ cuộc gặp gỡ tại Vatican giữa ÐTC và Tướng Jaruzelski, chủ tịch Nhà Nước Ba Lan, dân chúng Ba Lan đã tránh được cuộc xâm lăng của Khối Liên Xô và dần dần tiến đến nền dân chủ, tự do, không phải đổ máu.

Trong cuộc phỏng vấn của Ðài Truyền Hình Ý tối thứ Ba, ngày 13.10.98, Tướng Jaruzelski tuyên bố như sau: "Việc chọn Ðức Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng một đàng làm chúng tôi rất hãnh diện, nhưng đàng khác cũng làm chúng tôi lo sợ nhiều". Việc bầu Ðức Karol Wojtyla làm Giáo Hoàng gây lo lắng cho Khối Cộng Sản Trung-Ðông Âu, vì họ coi ngài là "Một vị Giáo Hoàng có thể làm tan rã khối cộng sản". Vì thế, Vị Thẩm Phán của Ý, nguời có trách nhiệm điều tra vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II xẩy ra tại Quảng Trường Thánh Phêrô ngày 13.05.1981, đã quả quyết trên đài Truyền Hình Ý tối thứ ba, ngày13.10.98 như sau: "Ðây là một vụ mưu sát được tổ chức chu đáo, không phải là một hành động riêng rẽ của anh Ali Agca". Sau Ba Lan, các nước Trung-Ðông Âu khác và bức tường Berlin cũng sụp đổ vào cuối năm 1989.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Truyền Hình Ý cũng vào tối thứ Ba, ngày 13.10.98, Tiến Sĩ Coffi Annan, Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, tuyên bố rằng: "Ðức Gioan Phaolô II là một hình ảnh cao cả về tinh thần; ngài không phải là người làm chính trị, nhưng hình ảnh tinh thần và giáo huấn của ngài ảnh hưởng sâu xa đến chính trị". Ông nhắc đến hai trường hợp mà thôi để làm thí dụ. Ðó là Chuyến viếng thăm Cuba cuối tháng Giêng năm nay (1998) và chuyến viếng thăm lần thứ hai tại Nigeria, vào tháng 3 cũng năm nay (1998).

Tình hình chính trị tại hai quốc gia này đang thay đổi. Trong chuyến viếng thăm Cộng Hòa Haiti tháng 3 năm 1983, Ðức Gioan Phaolô II nói: "Tại đây cần phải có những thay đổi". Sau thời gian, chế độ độc tài Duvalier sụp đổ và được thay thế bằng chế độ dân chủ. Tại Chilê, Tướng Pinochet, cũng phải nhường quyền lại cho một chính phủ dân sự. Bosnia-Erzegovina và Liban, tình hình cũng được ổn định sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Sarajevo và Beyrouth. Cũng trong buổi truyền hình của Ðài Ý tối 13.10.98, Cựu Tổng Thống Nga, ông Gorbaciov tuyên bố: Nhờ Ðức Gioan Phaolô II các cuộc thay đổi tại Trung-Ðông-Âu không có những vụ đổ máu. Cựu Tổng Trưởng ngoại giao Do Thái, ông Simon Peres, cũng tuyên bố trong buổi truyền hình tối 13.10.98 rằng: Ðức Gioan Phaolô II cho tôi hay là ngài ước mong được viếng thăm Giêrusalem. Chúng tôi tin rằng: ngài sẽ có thể đem lại hòa bình trong miền này".

Kết thúc buổi truyền hình tối thứ Ba, ngày 13.10.98, Ký giả Bruno Vespa, nguời hướng dẫn buổi truyền hình và phỏng vấn các nhân vật quan trọng, nhân dịp mừng kỷ niệm 20 năm Triều Giáo Hoàng của Ðức Gioan Phaolô II, đã tuyên bố trên Ðài phát thanh Vatican ngày hôm sau, thứ Tư 14.10.98 như sau: "Là một tín hữu, tôi xin nói: Ðức Gioan Phaolô II được chọn làm Giáo Hoàng không phải tình cờ, mà do Chúa Quan Phòng. Là một ký giả, và do đó, là chứng nhân của biết bao biến cố, tôi xin nói - cùng với biết bao người khác - rằng Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thay đổi lịch sử thế giới, đã thay đổi lịch sử hiện đại, và kết thúc tốt đẹp thế kỷ 20 nầy." Ðức Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng của Tình Yêu Thương, nhưng cũng là một vị Giáo Hoàng của Tự Do. Ngài làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều".


Back to Radio Veritas Asia Home Page