Cuộc họp báo
trình bày Thông Ðiệp mới của ÐTC:
Fides et Ratio

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc họp báo trình bày Thông Ðiệp mới của ÐTC: Fides et Ratio.

Vatican - 15.10.98 - "Ðức tin và lý trí là như hai cánh, nhờ đó tâm trí con người có thể tự bay lên hướng về việc chiêm ngưỡng chân lý".

Thông điệp thứ 13 của ÐTC Gioan Phaolô II, nói về tương quan giữa Ðức Tin và Lý Trí, Fides et Ratio, được mở đầu bằng những lời trên đây. Thông điệp được ký hôm ngày 14.09.98, lễ Kính Thánh Giá và được công bố hôm thứ Năm 15.10.98, trước ngày kỷ niệm ÐTC được bầu làm Giáo Hoàng cách đây đúng 20 năm, ngày 16 tháng 10 năm 1978 - 16/10/1998.

Trong cuôïïc họp báo rất đông đảo, Ðức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, nói như sau: "Ðề tài của Thông Ðiệp Fides et Ratio, về những mối tương quan giữa Ðức Tin và Lý Trí, khi đọc qua, có thể được coi như có tính cách trí thức, như đề tài dành cho các vị chuyên về Thần Học, Triết Học, các học giả. Dĩ nhiên, những người nhận trực tiếp Thông Ðiệp, ngoài các giám mục của Giáo Hội Công Giáo, là các nhà chuyên về thần học, triết học, các người thuộc giới văn hóa. Nhưng nhìn vào các điều viết ra trong chiều sâu, thì Thông Ðiệp bàn về đề tài thách thức mọi người, bởi vì trong mỗi một con người đều có ước muốn biết chân lý và tìm ra câu giải đáp cho các vấn nạn nền tảng của cuộc sống. Ðó là những vấn nạn: tôi là ai? từ đâu đến và tôi đi về đâu? ý nghĩa của sự hiện diện sự dữ, sự đau khổ, sự chết là gì? Cái gì sẽ xẩy ra sau đời sống trần gian này?

Sau đây, chúng ta hãy theo Ðức Tổng Giám Mục Tarcisio Bertone, Thư Ký Bộ Giáo Lý Ðức Tin, trả lời một số câu hỏi của phóng viên Ðài Vatican (15.10.98). Ðức Tổng Giám Mục cho biết như sau về Thông Ðiệp mới của ÐTC:

"Thông điệp Ðức Tin và Lý Trí của ÐTC, khai triển trọn cả việc suy tư về những khả năng của lý trí con người, trước việc tìm kiếm chân lý, biết chân lý và mở rộng tâm hồn đón nhận Ðấng Siêu Việt. ÐTC cũng trình bày học thuyết của tất cả các Vị Thầy của Thời Trung Cổ và của thời đầu Giáo Hội. Mộât trong các vị thầy lỗi lạc, được kể lại và được đề nghị là: Thánh Tomasô Aquinô Tiến Sĩ . Rồi ngài trình bày những can thiệp của Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội trong vấn đề Triết Học. Sau đó, ÐTC nói về vấn đề liên quan giữa Thần Học và Triết Học, giữa lý trí và đức tin, cũng như giữa đức tin và lý trí. Sau cùng, ÐTC đưa ra những trình bày sâu xa về bổn phận hiện nay của Thần Học và Triết Học. Ðược hỏi về lý do nền tảng của Văn Kiện, Ðức Tổng Giám Mục đã trả lời như sau: Thông Ðiệp này, cách nào đó, là tổng hợp Giáo Huấn và suy tư của chính Ðức Gioan Phaolô II. Ðây là một ơn ban cho nhân loại và Giáo Hội nhân dịp mừng kỷ niệm 20 năm Ngài thi hành chức vụ Chủ Chăn tối cao của toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Nội Dung chính yếu, tôi nghĩ, là suy tư của ÐTC về tình trạng của lý trí con người và của sự hiểu biết của họ, về những khuynh hướng, những luồng tư tưởng một đàng nhằm đề cao lý trí con người và hầu như muốn đóng kín lý trí lại nơi mình, nhưng đàng khác, các luồng tư tưởng này biểu lôï một thứ Thuyết Thiên Cảm Mới, (neo-illuminisme), tuy đề cao lý trí con người, nhưng không đưa đến những thành quả vững chắc, đầy đủ cho lý trí, cho con người và cho số phận nhân loại. Nhất là khi chủ thuyết nầy phủ nhận tính cách tuyệt đối của chân lý, của những chân lý chung được mọi người công nhận và cần thiết cho con người và đưa đến những thành quả rất tiêu cực; ÐTC đã phân tích những thành quả tiêu cực này trong xã hội tục hóa ngày nay... Thông điệp nói lên sự tín nhiệm nơi lý trí con người rằng: lý trí có thể đạt tới chân lý và, hơn nữa, có thể đạt tới chân lý về con người; và cuối cùng, chân lý này đồng hóa với một Con Người, là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng mạc khải Thiên Chúa Cha: "Ta là Ðường Ði, là Chân Lý và là Sự Sống".

Ðức Tổng Thư Ký Bộ Giáo Lý Ðức Tin nói tiếp như sau: Sứ điệp chính của Thông Ðiệp là sứ điệp của sự tôn trọng đối với lý trí con người, đối với vai trò của lý trí con người. Ðây là một hành động của tín nhiệm, nhưng cũng là một khuyến khích để tiếp tục suy tư và cởi mở tâm hồn đón nhận mạc khải của Thiên Chúa và đón nhận Ðấng Siêu Việt. Như Chesterton (1874-1936 - văn hào người Anh, sinh tại London, đã nói: "Khi con người không tin Thiên Chúa nữa, thì sẽđi đến chỗ tin mọi sự; như vậy, đây là sự sa đọa của con người, không phải là sự đề cao của con người". Khi con người tin Thiên Chúa và sống phú thác cho Ngài, con người được biến đổi và, như Công Ðồng Vatican II dạy, con người "trở nên người hơn trong sự sung mãn của bản tính nhân loại", đúng với chương trình của Thiên Chúa, Ðấng Tạo Thành trời đất, muôn vật.

Ðược hỏi: Trong Thông điệp này ÐTC phê phán thế nào về tình hình tư tưởng hiện đại? thì Ðức Tổng Giám Mục Bertone trả lời là: vừa đọc thoáng qua, xem ra ÐTC bi quan. Nhưng thực sự, ÐTC đang phân tích thực tế về tư tưởng thời đại, nhất là trong phần nhất của Thông Ðiệp và phải công nhận rằng tư tưởng hiện đại, trong nhiều thể hiện của nó, đã đưa đến hầu như một sự chối bỏ hẳn khả năng của lý trí đạt tới chân lý trong sự tuyệt đối của nó và không cởi mở cho đức tin. Nhưng ÐTC công nhận sức mạnh của lý trí con người và ngài giúp mang đến một sự khuyến khích cho lý trí con người trong con đường đi tìm chân lý này. Vì thế đây là một sự tăng cường ý chí của tất cả những ai, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa và với ơn của trí tuệ, sẵn sàng tìm kiếm chân lý. Như Aristotele đã nói: "Mọi người ước muốn học biết". Ước muốn học biết này, khuynh hướng này đối với chân lý là một khuynh hướng bẩm sinh nơi mỗi một con người và cần phải có một đáp lại, đừng bỏ mất đi. ÐTC đưa ra lời đáp lại, lời đáp lại này đưa đến Mạc khải của Chúa Kitô.


Back to Radio Veritas Asia Home Page