Thánh lễ Phong Hiển Thánh
cho Chân phước Tử Ðạo Edith Stein
vị thánh thứ 280
được ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thánh lễ Phong Hiển Thánh cho Chân phước Tử Ðạo Edith Stein, vị thánh thứ 280 được ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong.

Tin Vatican (Apic 9/10/98): Lễ phong Hiển Thánh cho Chân Phước Edith Stein, sáng Chúa Nhật 11 tháng 10/1998, là lễ Phong Thánh lần thứ 35 kể từ khi Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma, tức trong vòng 20 năm qua. Nếu tính theo con số, thì tân Thánh Nữ Tử Ðạo EDITH STEIN, với tên dòng là Nữ Tu Têrêsa Bênêdetta của Thập Giá, là vị thánh thứ 280 được ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong, trong số nầy 246 vị là thánh tử đạo.

Ngoài con số 280 vị thánh nam nữ nầy, chúng ta còn phải kể đến 805 vị được phong Chân Phước, tức bậc Á Thánh.

Như thế, ÐTC Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đã chiếm kỷ lục trong việc phong Chân Phước và Hiển Thánh; tổng số các Thánh và Á Thánh mà các vị giáo hoàng tiền nhiệm trong thế kỷ 20 nầy đã tôn phong là 123 vị. Ðức Phaolô đệ lục đã tôn phong tổng cộng 52 vị; Ðức Gioan 23, tôn phong tổng cộng 10 vị; Ðức Piô XII, đã tôn phong tổng cọng 55 vị; Ðức Benoit XV, tôn phong tổng cộng 6 vị.

Từ Chúa nhật 11.10.98, Giáo Hội có thêm một Vị Thánh mới , có thể nói là "khác thường". Vị Thánh mới này không phải là một em nhỏ sinh ra trong một gia đình Công Giáo đạo đức sốt sắng, từ nhỏ đã hấp thụ được một nền giáo dục Công Giáo thuần túy và khi lớn lên đã muốn tận hiến cuộc đời để phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và các linh hồn. Edith Stein, vị Thánh mới của Giáo Hội , sinh trong gia đình Do Thái, được giáo dục hoàn toàn theo truyền thống Do Thái và khi lớn lên đã trở nên một người vô thần, một triết gia và nhờ ơn Chúa, đã trở lại Ðạo Công Giáo, vào tu Dòng Kín Carmel và sau cùng là một Vị Tử Ðạo. Năm 1934, lúc mặc áo Dòng Carmel Edith Stein nhận tên là Têresa Benedicta Thánh Giá.

Sinh năm 1891 tại Breslau, lúc đó thuộc Ðức Quốc, nhưng nay là WOCLAW, thuộc Ba Lan, Edith Stein là học trò của Triết Gia thời danh hồi đó Edmund Husserl; đậu tiến sĩ Triết và sau đó trở nên giáo sư phụ tá bên cạnh Thầy của mình: giáo sư Husserl. Ham mê tìm kiếm chân lý, trong một đêm mùa hè năm 1921, sau khi đọc hạnh Thánh Têrêsa Thành Avila ở nhà của một người bạn, Edith Stein đã khám phá ra chân lý và trở lại Ðạo Công Giáo. Sau một năm, Edith Stein đã lãnh ba bích tích khai tâm Kitô: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Từ đó Edith Stein hiến thân hoàn toàn cho Chúa Kitô, cho Giáo Hội, và năm 1934, mặc áo Dòng Kín Carmel. Năm 1935, Edith Stein khấn tạm và sau ba năm, khấn vĩnh viễn. Từ đó, Edith Stein chỉ lo chuyên một khoa học mà thôi: khoa học của Thánh Giá: khoa học này chỉ có thể hiểu sâu xa khi cảm nghiệm sức nặng của Thánh Giá. Sau đây là chứng tá của Cha Simeone, lúc làm cáo thỉnh viên của vụ Phong Chân Phước cho Edith Stein: (Vụ Phong Chân Phước không phải Hiển Thánh)

"Ngày 31 tháng 12 năm 1938, Têrêsa Benedicta Thánh Giá xin được di chuyển sang Dòng Kín Echt ở Hòa Lan, vì không muốn sự hiện diện của mình gây hại cho chị em trong Tu Viện Koeln (thuộc nước Ðức) Nữ Tu nói với Mẹ Bề trên Dòng: "Con gieo mình xuống biển như Giona, trước khi cả tầu bị đắm". Ngày mồng 2.8.1942, như tất cả các người Công Giáo gốc Do Thái sống tại Hòa Lan, Nữ Tu Têrêsa Benedicta Thánh Giá bị bắt cách tàn nhẫn, bị kéo ra khỏi Tu Viện và điệu đến Trại Tập Trung , vì họ muốn báo thù việc các giám mục Công Giáo Hòa Lan đã can đảm lên tiếng phản đối chính thức chống lại các cuộc bách hại người Do Thái do Chính Phủ Nat Xít thực hiện. Chúa Nhật mồng 9.8.1942, Nữ Tu Têrêsa Benedicta bị sát hại trong phòng hơi ngạt tại Auschwitz. Têrêsa Benedicta Thánh Giá đã lên tới lầu thứ bẩy của tòa nhà mà Thánh Têrêsa thành Avila đã tả , để kết hợp với Bạn của mình, Chúa Giêsu Kitô. Và ngày hôm nay 11.10.1998, cũng nhằm chính ngày Edith Stein sinh ra cách đây 107 năm , Edith Stein được vinh quang cả trên trời cả dưới đất:

Edith Stein được tôn phong lên Bậc Hiển Thánh trước sự hiện diện của hơn 30 ngàn người, đến từ nhiều quốc gia thế giới, đặc biệt từ Cộng Hòa Liên Bang Ðức , Ba Lan và Hoà Lan, ba quốc gia có liên lạc mật thiết với Vị Thánh mới.

Cùng đồng tế thánh lễ Phong Hiển Thánh với ÐTC có 4 Hồng Y: Ðức Hồng Y Wetter, Tổng Giám Mục Muenchen und Freising - Ðức Hồng Y Gulbinowicz, Tổng Giám Mục Wroclaw (xưa kia là Breslau) - Ðức Hồng Y Meisner, Tổng Giám Mục Koeln - Ðức Hồng Y Macharski, Tổng Giám M Krakow; 7 Tổng Giám Mục và Giám Mục; và một số linh mục thuộc Dòng Carmel , trong số này có cha Bề Trên Tổng Quyền.

Mở đầu thánh lễ, ÐTC nói: ".....Trong Thánh Lễ hôm nay chúng ta cử hành hành Sự Chết và việc Sống Lại của Chúa Giêsu Kitô, chúng ta cũng chiêm ngưỡng chứng tá do sự sống và sự chết của Edtih Stein: Nữ Tu Têrêsa Benedicta Thánh Giá, để lại và với lòng biết ơn , dù bị che phủ bởi sự buồn phiền vì nhớ đến những khủng khiếp của việc tiêu diệt và của cái chết tàn bạo đã gây nên cho anh chị em chúng ta , chúng ta nêu cao chứng tá của người Nữ Tử Israel và của Dòng Carmel này, như gương sáng cho Giáo Hội thánh thiện và Công Giáo . Cái cung bắn của những người hùng cường đã bị bẻ gẫy, Sự Sống mạnh hơn sự chết".

Ngay đầu bài giảng, ÐTC đã muốn nhắc lại niềm vui của ngài khi tôn phong Edith Stein lên bậc Chân Phước năm 1987, trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Cộng Hòa Liên Bang Ðức. Hôm nay đây, một lần nữa, ngài tuyên bố chứng tá can đảm mà Edith Stein đã nêu cao trong đời sống và nhất là với cái chết và, do đó , ngài muốn kính nhớ, với sự tôn trọng sâu xa, tất cả những ai đã chết trong trại tập trung Auschwitz. ÐTC nói:

"Từ nay trở đi, trong khi cử hành việc kính nhớ Vị Thánh Nữ mới , chúng ta không thể không nhớ đến năm này qua năm khác cả vụ sát hại những người Do Thái ( Shoah) , cái chương trình tàn bạo của việc tiêu diệt cả một dân tộc, tiêu diệt mạng sống của từng triệu, triệu anh chị em Do Thái. Xin Thiên Chúa hãy làm cho khuôn mặt của Người chiếu dọi trên anh chị em này và ban cho họ ơn bình an". ÐTC nói tiếp: "Một lần nữa, Vì tình yêu Thiên Chúa và nhân loại, tôi lên tiếng tha thiết: đừng bao giờ tái phạm tội ác như vậy nữa, đối với bất cứ nhóm chủng tộc nào, dân tộc nào, mầu da nào trong bất cứ góc trời nào của Trái đất này! Lời kêu lên của tôi được gửi đến mọi nguời nam, nữ thiện chí , đến tất cả những ai cảm thấy mình hợp nhất trong Chúa Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Tất cả chúng ta phải liên đới với nhau trong tiếng kêu này: phẩm giá con người bị đe dọa".

Sau khi kêu gọi giới trẻ , để họ đừng quan niệm đời sống như cửa mở ra cho mọi lựa chọn , bất phân tốt xấu, ÐTC nhắc lại rằng Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá đã đi đến việc hiểu rằng: Tình yêu Chúa Kitô và sự tự do của con người liên kết với nhau, bởi vì tình yêu và chân lý có một mối quan hệ mật thiết tự bên trong con người.Việc tìm kiếm chân lý và việc biểu lộ chân lý trong tình yêu không tương phản nhau. Trái lại, chân lý hiểu rằng cả hai liên hệ với nhau. ÐTC nói tiếp: "Trong thời đại chúng ta, chân lý thường bị lẫn lộn với ý kiến của đa số. Hơn nữa thành tín được phổ biến là: phải dùng chân lý chống lại tình yêu và tình yêu chống lại chân lý. Nhưng chân lý và tình yêu cần đến nhau, không thể tương phản nhau".

Trong bài giảng , ÐTC chào thăm các đoàn hành hương đến Roma, cách riêng các người thuộc gia đình Stein, đã muốn đến Roma trong dịp vui mừng này. Ngài chào thăm các đại diện cộng đồng Carmel, nay trở nên gia đình thứ hai đối với Têrêsa Benedicta Thánh Giá. Sau đó, ÐTC chào thăm phái đoàn chính thức của Cộng Hòa Liên Bang Ðức, do Thủ Tướng sắp mãn nhiệm Helmut Kohl hướng dẫn. Cùng với phài đoàn chính phủ, ÐTC chào thăm ông thị trưởng Thành Phố Koeln (nơi Edith Stein học và tu dòng) . Sau các phái đoàn Ðức Quốc, ÐTC chào thăm phái đoàn chính thức của Cộng Hòa Ba Lan, do thủ tướng Jerzy Buzek, cầm đầu. Rồi ngài chào thăm các phái đoàn hành hương đến từ Breslau, (Wroclaw, sinh quán của Edith Stein), Koeln, Muenster, Spira, Krakow và Bielsko-Zywiec, do các giám mục và linh mục hướng dẫn.

ÐTC kết thúc Thánh Lễ trọng thể bằng đọc Kinh Truyền Tin. Ngài mời gọi mọi người nhìn lên Ðức Maria như Thánh Nữ Edith Stein đã làm. Ngài xin Thánh Nữ bầu cử nơi Mẹ Maria để mỗi người biết đáp lại cách can đảm ơn gọi của mình.


Back to Radio Veritas Asia Home Page