ÐTC tiếp các vị Giáo Chủ
các Giáo Hội Ðông Phương

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp các vị Giáo Chủ các Giáo Hội Ðông Phương.

Vatican - 29.09.98 - Sáng thứ Ba 29.09.98, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp các vị giáo chủ các Giáo Hội Ðông Phương đến Roma tham dự Khóa Họp khoáng đại của Bộ các Giáo Hội Ðông Phương, do Ðức Hồng Y Achille Silvestrini hướng dẫn.

Bộ các Giáo Hội Ðông Phương do Ðức Pio IX thành lập năm 1862, trực thuộc Bộ Truyền Giáo. Năm 1917, dưới thời Ðức Benedicto XV, Bộï các Giáo Hội Ðông Phương tách khỏi Bộ Truyền Giáo và trở thành Bộ độc lập. Sở trường của Bộ là lo về các giáo phận, các giám mục, hàng giáo sĩ, nam nữ tu sĩ và giáo dân thuộc lễ nghi Ðông Phương. Ngoài ra, Bộ còn có quyền hoàn toàn về Giáo Hội Công Giáo tại Ai Cập, miền Sinai, Eritrea, miền bắc Ethiopie, miền Nam Albania, Bulgarie, Cipro, Hy Lạp , Iran, Irak, Liban, Palestine, Syrie, Jordanie, Thổ Nhĩ Kỳ và A Phú Hãn.

Tham dự Khóa Họp khoáng đại lần này có khoảng 30 Hồng Y, trong đó có những vị Hồng Y giáo chủ và sáu vị Giáo Chủ không phải là Hồng Y, hai Tổng Giám Mục và hai giám mục, với khoảng 40 cố vấn và chuyên viên.

Trong diễn văn dài đọc cho các Giáo Chủ, trước hết ÐTC nhắc đến lòng ưu ái của các Vị Giám Mục Roma dành cho các Giáo Hội Ðông Phương. Ngày 24.10.1894, Ðức Leo XIII đã gặp các vị Giáo Chủ Công Giáo Ðông Phương. Trong cuộc gặp gỡ này ngài đã nói với các Vị bằng những lời tha thiết như sau: "Ðể tỏ tình yêu mến của Tôi đối với anh em, Tôi đã mời anh em đến Roma, với ước muốn được thảo luận với anh em và nâng cao uy tín của quyền Giáo Chủ". ÐTC Gioan Phaolô II nói: "Hôm nay tôi cũng lặp lại với anh em những lời thành thực trên đây trong buổi gặp gỡ này". ÐTC còn nhắc đến những dấu hiệu cụ thể khác bày tỏ tình yêu thương đối với các Vị Giáo Chủ và các Giáo Hội của các ngài, như việc tham dự Công Ðồng Chung Vatican II và ngày 18.10.1990, theo tinh thần của Công Ðồng, ngài đã cho công bố Bộ Giáo Luật của các Giáo Hội Ðông Phương (Codex Canonum Ecclesiarum Orientalium). Ba năm sau, ÐTC Gioan Phaolô II lại cho công bố Tông Thư : "Ánh Sáng Ðông Phương" (Orientale Lumen) , để đề cao những kho tàng quí báu và những truyền thống từ thời các Thánh Tông đồ nơi các Giáo Hội Ðông Phương. Những gia tài này không chỉ dành riêng cho các Giáo Hội Ðông Phương mà còn cho Giáo Hội hoàn cầu nữa. Cuộc gặp gỡ hôm nay cũng nói lên sự tôn trọng và tình yêu mến của vị Giám Mục Roma đối với các vị Giáo Chủ và các Giáo Hội do các ngài cai quản với tư cách là "những vị lãnh đạo và người cha".

Nhắc đến sự hiệp nhất và hiệp thông giữa các Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương, ÐTC nói: "Giáo Hội, rập theo hình ảnh Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm của sự sống và của hiệp thông, là Bạn của Ngôi Lời nhập thể, là nhà ở của Thiên Chúa. Ðể hướng dẫn và quản trị Giáo Hội, Chúa Giêsu đã chọn 12 Tông Ðồ và Người đã muốn các giám mục, những kẻ Kế Vị các Tông Ðồ, là những vị chủ chăn Dân Chúa trong cuộc lữ hành trần thế tiến về Nước Trời, dưới sự hướng dẫn của Vị Kế Nghiệp Vị Thủ Lãnh các Tông Ðồ" (xem LG 18).

ÐTC nói tiếp: "Anh em thân mến trong Chúa Kitô, anh em tin rằng giữa những Giáo Hội và những cộng đồng Giáo Hội, Giáo Hội Công Giáo ý thức rõ ràng rằng mình đã bảo tồn được Thừa Tác Vụ của vị kế nghiệp Tông Ðồ Phêrô, Giám Mục Roma, người mà Thiên Chúa đã đặt như nguyên tắc và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hiệp nhất" (LG 23) ; và Chúa Thánh Thần luôn luôn hộ trợ ngài, để ngài làm cho tất cả các người khác dự phần vào ơn lành thiết yếu này" (Ut unum sint, 88). Sự hiện diện của anh em hôm nay đây trong cuộc gặp gỡ này là chứng tá sống động của sự hiệp thông được xây dựng trên Lời Chúa và trên việc vâng phục Lời của Người." ÐTC nói đến những khó khăn của sự hiệp nhất và hiệp thông, những khó khăn gây nên do những chia rẽ đau đớn, đã được nhắc lại trong Thông Ðiệp về Hiệp Nhất (Ut unum sint) (số 88). Trong văn kiện này, ÐTC đã mời gọi hãy thiết lập với ngài một cuôïc đối thoại huynh đệ và kiên nhẫn về những thể thức cho việc thi thành thừa tác vụ hiệp nhất. Lời mời gọi này trước hết được gửi tới các Giáo Chủ các Giáo Hội Công Giáo Ðông Phương, để cùng nhau tìm ra những hình thức xứng hợp cho việc thi hành Thừa Tác Vụ của Phêrô, để có thể thực hiện việc phục vụ của đức ái. ÐTC nói: "Tôi xin anh em giúp tôi, nhân danh trách nhiệm trong việc tái lập sự hiệp thông hoàn toàn với các Giáo Hội Chính Thống, vì anh em, những vị Giáo Chủ của các Giáo Hội vốn có những liên lạc và những chia sẻ về gia tài thần học, phụng vụ, tu đức và giáo luật với Giáo Hội Chính Thống. Trong tinh thần này và vì chính lý do đó, tôi ước muốn rằng các Giáo Hội của anh em sẵn sàng hợp tác vào việïc đối thoại đại kết của đức ái và vào việc đối thoại giáo lý trên cấp bậc địa phương cũng như trên cấp bậc hoàn cầu". ÐTC nhấn mạnh thêm rằng: sự cộng tác của các giáo chủ với Vị Giám Mục Roma sẽ có thể tỏ ra cho các giáo hội Chính Thống biết rằng: truyền thống của việc hợp tác giữa Roma và các Tòa Giáo Chủ vẫn được bảo tồn, tuy có bị giới hạn và bị thương - và vẫn có thể phát triển để đem lại lợi ích cho Giáo Hội Chúa, lan rộng trên cả trái đất này.

ÐTC nhắc đến những quyền lợi và những đặc ân của các Giáo Chủ Công Giáo Ðông Phương, theo giáo huấn của Công Ðồng Vatican II, cần được thích nghi với những hoàn cảnh thời nay. Chính Công Ðồng Firenze (miền trung nước Ý do Ðức Eugenio IV triệu tập, năm 1438-1445, về hiệp nhất) sau khi nhắc đến quyền tối cao của vị Giám Mục Roma, đã viết như sau: "Chúng ta cần canh tân thứ tự của các vị Giáo Chủ đáng kính khác, như các khoản luật đã ấn định, theo trật tự như sau: Sau Vị Giám Mục Roma, rồi đến vị Giáo Chủ Constantinopoli, rồi Vị Giáo Chủ Alexandria chiếm chỗ thứ ba, vị giáo chủ Antiochia, chỗ thứ bốn và vị giáo chủ Giêrusalem, chỗ thứ năm".

ÐTC nói thêm: "Tôi tin chắc rằng: Khóa họp khoáng đại này của Bộ các Giáo Hội Ðông Phương, trong các đề tài bàn thảo, có ghi đề tài này, và có thể cung cấp cho tôi những ý kiến về việc này".

ÐTC kết thúc: "Anh em đáng kính trong Chúa Kitô, sức mạnh rao giảng Tin Mừng của các Giáo Hội của anh em tạo nên, trước thềm của Năm Ðại Toàn Xá, một thách đố cao cả nhất chưa từng có trước đây, đối với việc rao giảng trung thành và cởi mở Tin Mừng Chúa Kitô, cũng như đối với việc canh tân đời sống và sứ vụ của Giáo Hội hoàn cầu và của các Giáo Hội của anh em. "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ngự đến" (KH 22,20). Ðây là lời cầu xin của Giáo Hội.


Back to Radio Veritas Asia Home Page