Thánh lễ cầu nguyện cho
Ðức Phaolô đệ lục và Gioan Phaolô đệ nhất,
nhân dịp kỷ niệm 20 năm các ngài qua đời

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Thánh lễ cầu nguyện cho Ðức Phaolô đệ lục và Gioan Phaolô đệ nhất, nhân dịp kỷ niệm 20 năm các ngài qua đời.

Chiều thứ Hai 28.09.98, trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, với sự hiện diện của nhiều Giám Mục, Linh Mục, Nam Nữ Tu Sĩ, giáo dân và Ngoại Giao đoàn cạnh Tòa Thánh, Ðức Hồng Y Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh, nhân danh ÐTC, đã cử hành thánh lễ kỷ niệm 20 năm qua đời của Ðức Phaolô đệ lục (qua đời ngày 6.08.78 tại Castelgandolfo) và Ðức Gioan Phaolô đệ nhất (qua đời ngày 28.09.78 tại Vatican) , sau 33 ngày làm Giáo Hoàng. Ðây là một trong các triều Giáo Hoàng ngắn nhất của lịch sử Giáo Hội. Tất cả các vị Hồng Y hiện diện ở Roma đã đồng tế với Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh. Trong số giáo dân dự thánh lễ, có đoàn hành hương gồm 500 người đến từ Giáo Phận Belluno-Feltre (bắc nước Ý) , giáo phận của Ðức Gioan Phaolô đệ nhất.

Giảng trong thánh lễ, Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh nhắc đến ba điểm quan trọng, được coi là một bài suy tư sâu xa giúp chúng ta, các tín hữu Kitô, cách riêng các vị chủ chăn có trách nhiệm hướng dẫn Giáo Hội địa phương, luôn luôn sống trong hiệp nhất và hiệp thông với Giáo Hội hoàn cầu, do vị kế nghiệp thánh Phêrô lãnh đạo. "Ở đâu có Phêrô, ở đó có Giáo Hội Công Giáo". Có ba điểm chính được Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh trình bày trong bài giảng của ngài như sau:

Ðức Phaolô đệ Lục và Ðức Gioan Phaolô đệ nhất, hai vị Giáo Hoàng qua đi trong thời gian gần nhau: Ðức Phaolô đệ Lục sau một triều Giáo Hoàng dài 15 năm; trái lại Ðức Gioan Phaolô đệ nhất, sau 33 ngày được chọn làm Giáo Hoàng. Cả hai đều để lại sự mến nhớ trong tâm hồn Dân Chúa. Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh nói: "Việc kính nhớ hai Vị Giáo Hoàng này đưa chúng ta nhìn về dĩ vãng với ý thức sâu rộng về hồng ân lớn lao Chúa ban cho Giáo Hội qua các vị Giáo Hoàng. Ðức Phaolô đệ lục và Ðức Gioan Phaolô đệ nhất đã là những vị Chủ chăn được Chúa Thánh Thần tác tạo giống hình ảnh của Chúa Kitô, chủ chăn nhân lành. Giáo hội cảm tạ Chúa về gương sáng chói của các ngài để lại về tu đức và về mục vụ. Cả hai , tuy trong thời gian quản trị Giáo hội dài, ngắn khác nhau, đều là những vị Giáo Hoàng của Công Ðồng chung Vatican II, của một Giáo Hội luôn luôn cảm thấy mình được Chúa Thánh Thần thúc đẩy tiến đến sự hăng say mới mẻ trong việc rao giảng Tin Mừng và trong việc đối thoại với thế giới hiện đại".

Nhìn vào hai vị Giáo Hoàng gương mẫu qua đi, Ðức Hồng Y chủ tế mời gọi mọi người nhìn về hình ảnh sáng ngời của các Vị Giáo Hoàng của thế kỷ 20 này: tất cả là những vị nổi bật về thánh thiện và xứng hợp với những đòi hỏi của thời đại, không những trên phương diện Giáo Hội, mà cả trên phương diện lịch sử chung nhân loại nữa. Ðức Hồng Y nhắc lại vắn tắt hình ảnh từng vị như sau: Sau Triều Giáo Hoàng lâu dài của Ðức Leo XIII, thế kỷ 20 được khai mạc trong dấu hiệu thánh thiện: Ðức thánh Giáo Hoàng Pio X (1903-1914) , với khẩu hiệu "Thiết lập lại mọi sự trong Chúa Kitô" (Instaurare omnia in Christo) qua việc giảng dạy giáo lý, canh tân phụng vụ và phổ biến lòng sùng kính sâu rộng đối với Thánh Thể trong đời sống Kitô. Ðức Benedicto XV (1914-1922) đã hướng dẫn Giáo Hội với sự khôn ngoan và nhìn xa thấy rộng trong lúc đệ nhất thế chiến bùng nổ tại Châu Âu. Ðức Pio XI (1922-1939) đẩy mạnh công việc truyền giáo, tông đồ giáo dân, thiết lập các tổ chức văn hóa và mối bang giao quốc tế. Ngài là vị Giáo Hoàng có công lớn lao trong việc tái lập hòa bình giữa Chính Phủ Ý và Tòa Thánh qua Thỏa Ước lịch sử ký kết giữa hai bên ngày 11.02.1929. Nhờ đó, Vatican trở thành "Quốc gia-thành phố" độc lập và hoàn toàn có chủ quyền riêng. Ðức Pio XII (1939-1958), Vị Giáo Hoàng thông minh, nhân đức, thầy dạy chân lý và luân lý cho một thế giới bị đảo lộn sau đệ nhị thế chiến (1939-1945). Ngài có công đặt nền móng cho Công Ðồng Chung Vatican II. Ðức Gioan XXIII (1958-1963): một vị chủ chăn được yêu mến cả nơi những người ngoài Công Giáo, vì sự đơn sơ, lòng nhân hậu Phúc Âm và nhất là vì sự can đảm triệu tập Công Ðồng chung Vatican II, để vạch một con đường mới cho Giáo Hội. Với Thông Ðiệp thời danh "Hòa bình dưới thế" (Pacem in terris) Ðức Gioan 23 đã chỉ vẽ cho thế giới những con đường để đi đến một nền hòa bình đích thực.

Cuối cùng khai triển đề tài "các vị Giáo Hoàng là dấu chỉ của sự hiệp nhất và hiệp thông Giáo Hội", Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh nhấn mạnh rằng: Giáo Hội đã được Chúa Giêsu xây cất trên tảng đá Phêrô, trên nền móng vững chắc của đức tin Phêrô. Qua hai ngàn năm, Tảng đá Phêrô vẫn đứng vững, trước biết bao phong ba, bão táp. Công Ðồng Chung Vatican II định nghĩa Giáo Hội như sau: "Giáo Hội là bí tích, nghĩa là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại" (LG, 1). Sự hiệp nhất và hiệp thông Giáo Hội được xây dựng trên Phêrô và các Vị Kế Nghiệp Phêrô. Ðức Hồng Y Sodano trưng lại lời của Ðức Gioan Phaolô đệ nhị viết trong Thông Ðiệp về Hiệp Nhất (Ut unum sint) như sau: "Giữa tất cả các Giáo Hội và Cộng Ðồng Giáo Hội, Giáo Hội Công Giáo ý thức rõ ràng rằng mình đã bảo tồn được Thừa Tác Vụ Phêrô, Giám Mục Roma, người mà Thiên Chúa đã đặt như nguyên tắc và nền tảng vĩnh viễn và hữu hình của sự hiệp nhất và là người mà Chúa Thánh Thần luôn luôn hỗ trợ, để làm cho mọi người khác tham dự vào sự hiệp nhất và hiệp thông này". Ðức Hồng Y nói thêm: "Chúa Thánh Thần là chủ động của mầu nhiệm hiệp thông, vì Người là linh hồn của Giáo Hội. Như Công Ðồng Vatican II dạy: "Người hiệp nhất Giáo Hội trong hiệp thông và trong phục vụ. Người dẫn dắt và trang điểm Giáo Hội bằng nhiều ân huệ khác của Người"... (LG , 4) . Ðức Hồng Y quả quyết: "Trong mỗi một thời đại, các Vị Giáo Hoàng đóng một vai trò quyết định trong việc cổ võ và hướng dẫn nhân loại đến hòa bình, đối thoại, hiệp nhất, huynh đệ, liên đới, hy vọng và tôn trọng các giá trị cao quí của con người. Thừa tác vụ Phêrô trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, là thừa tác vụ phục vụ chân lý và hiệp thông". Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh trưng lại lời Ðức Phaolô đệ lục nói với các đoàn hành hương trong một buổi tiếp kiến chung như sau:

"Các con, tín hữu của Chúa Kitô, Ðấng đã thiết lập Giáo Hội, trong khi các con gặp Vị Giáo Hoàng, các con hãy nghĩ đến Giáo Hội; Giáo Hội được tập trung nơi ngài và các con cảm thấy trong lúc này đây hơn lúc nào hết hiệp thông với mọi anh chị em mình trong đức tin, cùng với tất cả cộng đồng hoàn vũ của các tín hữu, hơn nữa, trong một ý nghĩa nào đó, với tất cả nhân loại. Ðúng như vậy, đây là trung tâm, đây là trái tim, đây là sự hiệp nhất của tính cách Công Giáo".

Ðức Hồng Y Sodano nhắc thêm chứng từ của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhất như sau:

"Vị kế nghiệp Ðức Phaolô đệ lục, tức Ðức Gioan Phaolô đệ nhất, trong diễn văn đọc cho Viện Hồng Y ngay sau ngày được bầu làm Giáo Hoàng, đã nói: "....một sự hiệp thông vượt mọi khoảng cách, không biết đến những khác biệt chủng tộc, được phong phú hóa bằng các giá trị đích thực hiện diện trong các nền văn hóa, làm cho các dân tộc xa cách nhau về địa dư, về ngôn ngữ và về tâm trạng, trở thành một đại gia đình... Tôi biết rằng Tôi đã được đặt lên làm dụng cụ và dấu chỉ của sự hiệp nhất này; và quyết tâm của Tôi là hiến toàn nghị lực để bênh vực và gia tăng mãi sự hiệp nhất trong Giáo Hội".

Ðức Hồng Y Sodano kết thúc bài giảng của ngài như sau: "Trong khi dâng thánh lễ cho hai Vị Giáo Hoàng Montini và Luciani, chúng ta cũng hãy xin các ngài bầu cử cho Giáo Hội đang tiến trên đường thực hiện hoàn toàn lời Cầu Nguyện của Chúa Giêsu: "Xin cho mọi người được nên một" (Ut unum sint) (Ga 17, 21).


Back to Radio Veritas Asia Home Page