THỜI SỰ: Vài nét về Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Ðiển.
Mới đây, Ðức Cha William Kenney, người Anh, nhưng sống tại Thụy Ðiển hơn 30 năm nay, và hiện là giám mục phụ tá Giáo Phận Stockolm, thủ đô Thụy Ðiển, đã tuyên bố với đặc phái viên nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire) số ra ngày 05.09.98 rằng: Ngày nay Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Ðiển đang phải đối phó với một cuộc rao giảng Tin Mừng và, như nhiều nước khác, phải tái khám phá nguồn gốc riêng của mình, sau một thời gian lâu dài chịu ảnh hưởng của nạn tục hóa gây nhiều tai hại cho thuần phong mỹ tục, cho xã hội và gia đình.
Ðức Cha William Kenney còn cho biết thêm như sau:
Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Ðiển sắp có thể được hưởng một luật mới; luật mới này sẽ có hiệu lực kể từ năm 2004. Luật mới sẽ thay đổi vị thế pháp lý của giáo phận Công Giáo Stockolm, giáo phận duy nhất của Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Ðiển và là một giáo phận rộng mênh mông bao gồm tất cả lãnh thổ Thụy Ðiển, nhưng số người Công Giáo rất ít và sống thưa thớt nhiều nơi. Ðức Cha phụ tá giải thích về lợi ích của luật mới như sau:
"Cho tới nay, giáo hội Công Giáo chúng tôi tại Thụy Ðiển chỉ được coi như là một hội tư nhân. Với luật mới sẽ có hiệu lực vào năm 2004, chúng tôi sẽ được nhìn nhận chính thức như là một pháp nhân. Người Công Giáo tại Thụy Ðiển hiện đang ở trong một tình trạng thật đặc biệt. Cho đến năm 1952, vì ảnh hưởng sâu rộng của Giáo Hội Tin Lành Luther trên phong tục và xã hội, nên việc thiết lập các tu viện Công Giáo bị cấm tuyệt đối". Ðức Cha William Kenney nói tiếp thêm rằng: "Với thời gian qua đi, tình hình đã thay đổi nhiều. Sau đệ nhị thế chiến, nhiều người Công Giáo Ý, Ba Lan, Croat và từ nước khác (trong số này có cả người Việt Nam đến sau năm 1975) di dân, tị nạn tại Thụy Ðiển, nhờ đó Giáo Hội Công Giáo trở nên đông đảo hơn. Năm 1940, tổng số người Công Giáo chỉ có 4 ngàn; ngày nay lên tới 165 ngàn, trong số này có 80% không phải là người Thụy Ðiển". Với niềm vui, Ðức Cha William Kenney cho biết: Tại Thụy Ðiển ngày nay có một hiện tượng mới: việc trở lại Giáo Hội Công Giáo của nhiều tín hữu Tin Lành. Tuy không nhắc đến cơn khủng hoảng của Giáo Hội Tin Lành Luther Thụy Ðiển, một Giáo Hội được nhìn nhận như là "Quốc Giáo", nhưng ai cũng hiểu rằng Giáo Hội Tin Lành Luther này cũng đang gặp cơn khủng hoảng trầm trọng. Các mục sư đang phải đối phó với nhiều khó khăn, mới có thể giữ được đoàn chiên mình.
Theo bà Kerstin Wallin, 54 tuổi, người Thụy Ðiển, thuộc Giáo Hội Tin Lành Luter, và là ký giả của báo "Goteborgs Posten", thì hiện nay Giáo Hội Tin Lành Luther đang bị cơn khủng hoảng trầm trọng và đây là một vấn đề kéo dài từ lâu. Giáo Hội đang tìm lối thoát khỏi cơn khủng hoảng này, để đáp lại những đòi hỏi mới của người thời nay; nhưng xem ra không thành công. Con người thời nay đang tìm đến với các Giáo Hội Công Giáo, Chính Thống, cả Hồi Giáo nữa, hơn là tìm đến với Giáo Hội Tin Lành Luther". Bà Kerstin Wallin minh chứng rằng: Ngày nay có nhiều thanh niên nam, nữ Thụy Ðiển năng lui tới Cộng Ðồng Ðại Kết Taizé, để tìm sự yên lặng. Taizé là nơi yên tĩnh thuận tiện cho việc cầu nguyện và suy tư, xa mọi tiếng động, xa cảnh náo nhiệt quay cuồng của thành thị. Ngoài Cộng Ðồng Taizé ra, nhiều thanh niên Thụy Ðiển, ưa thích các lễ nghi của Giáo Hội Chính Thống. Tại Goteborg, thành phố có 433 ngàn dân cư, và có tới 16 nhà thờ của Chính Thống. Bà cũng cho biết: báo chí Thụy Ðiển rất tôn trọng đối với những hiện tượng tôn giáo mới này.
Về mối quan hệ giữa Giáo Hội Tin Lành và Công Giáo, Ðức Cha William Kenney xác nhận rằng: "Các mối quan hệ với các vị lãnh đạo Giáo Hội Tin Lành cải cách rất tốt. Chúng tôi tiếp xúc thường xuyên với nhau; dù có những khác biệt, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục các cuộc gặp gỡ. Ngày nay Giáo Hội Tin Lành Luther tại Thụy Ðiển, có một sự tôn trọng lớn lao đối với Giáo Hội Công Giáo. Cả các tín hữu Tin Lành Luther, xưa rất bảo thủ ở miền Bắc Thụy Ðiển, nhưng nay thì sẵn sàng tham dự các cuộc đối thoại đại kết".
Một đặc điểm khác nữa của Giáo Hội Công Giáo tại Thụy Ðiển là: Giáo Hội trẻ trung. Năm 1997 có 1,145 người lớn được rửa tội, gia nhập cộng đồng Công Giáo và có 403 lễ an táng theo lễ nghi Công Giáo. Người dân Tin Lành cải cách Luther, ở miền Bắc Âu, xét chung, trước đây vẫn coi Giáo Hội Roma như một "nơi của tham nhũng và của quyền bính", nhưng ngày nay những thành kiến xưa kia đã dần dần biến mất, nhất là sau chuyến viếng thăm mục vụ tại Thụy Ðiển của ÐTC Gioan Phaolô II tháng Sáu năm 1989. Ðức Cha William Kenney quả quyết: "Tư tưởng của người Tin Lành Luther và của cả những người không tín ngưỡng, về ÐTC Gioan Phaolô II, cũng giống tư tưởng của các dân tộc Châu Âu khác. Ngài được tôn trọng nhiều, vì những tranh đấu xã hội, bênh vực những người nghèo khổ thuộc thế giới thứ ba và bênh vực các dân tộïc bị đàn áp bởi những bất công về kinh tế; Nhưng cũng có một số người không đồng ý với ngài về lập trường và giáo huấn luân lý về phái tính. Nên nhớ rằng Thụy Ðiển, không những là một quốc gia bị tục hóa, nhưng còn là một quốc gia rất tự do và giầu có, hướng về tiêu thụ và hưởng thú vui vật chất". Và Ðức Cha phụ tá kết luận như sau: Trong bối cảnh này, công việc rao giảng Tin Mừng, và con đường tiến tới của Giáo Hội bé nhỏ này dĩ nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.