Ðại Hội RIMINI về
Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðại Hội RIMINI về Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc.

Hằng năm, trong thời gian Mùa Hè tại Âu Châu, phong trào Công Giáo có tên gọi là "Hiệp Thông và Giải Phóng" tổ chức Ðại Hội Quốc Tế về Tình Bằng Hữu Giữa Các Dân Tộc tại RIMINI, hay được gọi tắt là Ðại Hội Tình Bạn Rimini. Ðại Hội Tình Bạn Rimini năm nay 1998, là đại hội quốc tế lần thứ 19, và đã được khai mạc hôm Chúa Nhật ngày 23/08/98 và sẽ kéo dài cho đến thứ Bảy 29 tháng 8/1998 nầy, với chủ đề là: "Ðời sống không phải là một giấc mơ". Chủ đề nói lên chủ ý của Ðại Hội Tình Bạn Rimini năm nay nhằm khảo sát những khía cạnh khác nhau của cuộc "khủng hoảng về ý nghĩa cuộc đời". Trong vòng một tuẫn lễ Ðại Hội, với sự tham dự của nhiều thành phần khác nhau trong giáo hội Công Giáo, giáo sĩ và giáo dân dấn thân trong các lãnh vực văn hóa, khoa học, xã hội, và những đại diện của các cộng đồng Kitô, ban Tổ Chức đã xếp chương trình cho hằng trăm sinh hoạt đủ loại như hội thảo, triển lãm và trình diễn đặc biệt. Trước khi đại hội khai mạc, Bà Emilia Guarnieri, chủ tịch của Hiệp Hội "Tình Bạn Rimini" đã giải thích ý nghĩa của chủ đề được chọn, theo hai khía cạnh sau đây.

Trước hết, lời quả quyết "Ðời sống không phải là một giấc mơ" muốn đáp lại một khuynh hướng, một cám dỗ của nền văn hóa ngày nay. Con người xem như còn ít khả năng đương đầu với cuộc sống, với những vấn đề, nên muốn chạy trốn trong những giấc mơ, xem cuộc đời như một giấc mơ. Ðại Hội muốn nhắc lại rằng: Ðời sống không phải là một giấc mơ.

Từ đó sang khía cạnh thứ hai của chủ đề: khía cạnh nói lên rõ ràng thái độ chấp nhận cuộc sống. Cuộc đời có ý nghĩa, là một thực tại đáng sống. Con người có khả năng lý trí, được mời gọi xử dụng khả năng tri thức của mình để hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm và xây dựng từ bên trong xã hội. Cuộc đời không phải là một giấc mơ. Nguời ta không được chạy trốn trước thực tại cuộc sống.

Ðó là hai khía cạnh giải thích cho chủ đề của Ðại Hội Tình Bạn Rimini. Về phần mình, ÐTC Gioan Phaolô II đã gởi một sứ điệp cho Ðại Hội. Sứ điệp của ÐTC cũng làm nổi bật hai khía cạnh được nhắm đến trong chủ đề của Ðại Hội. Ðồng ý với Ðại Hội về cuộc khủng hoảng hiện nay về ý nghĩa của cuộc đời, ÐTC giải thích thêm rằng cuộc khủng hoảng về ý nghĩa, là một khủng hoảng về mối tương quan giữa con người với thực tại, trong mọi chiều kích của nó. ÐTC nói: Con người ngày nay nhận thấy rằng tư tưởng mình được dựa trên những nền tảng hết sức mỏng dòn và không tương xứng, để ứng đáp một cách đầy đủ trước thực tại hết sức phong phú."

ÐTC nhận xét rằng cuộc khủng hoảng về mối tương quan giữa con người với thực tại trước hết được gặp thấy trong thái độ "ỉ lại vào khoa học" (scientisme); đây là thái độ cho rằng người ta có thể rút gọn sự hiểu biết chắc chắn các thực tại về chỉ sự chắc chắn của khoa học thực nghiệm có thể kiểm chứng được mà thôi. Ðây có thể nói là thái độ ngây thơ rút gọn mọi thực tại về những gì con người có thể quan sát và đo lường được mà thôi. Nguời có thái độ ỉ lại vào khoahọc, thì chỉ chấp nhận những thực tại nào có thể đo lường, kiểm chứng, thấy được một cách cụ thể mà thôi. Như thế, con người tự giới hạn mình vào một phần nhỏ của thực tại mà thôi. Các nhà khoa học ngày nay đã bắt đầu từ bỏ thái ngây thơ rút gọn nầy, vì họ nhận thấy ngoài thực tại đo lường được, còn có nhiều thực tại phong phú cao cả khác nữa. Dù sao, thái độ muốn rút gọn thực tại, biểu lộ cho ta thấy đương sự đang gặp phải một khủng hoảng trước thực tại vượt ra ngoài những khả năng của đương sự, và nằm bên ngoài kinh nghiệm hữu hạn của đương sự. Cuộc khủng hoảng nầy được bộc lộ trong nghệ thuật, văn chương, kịch nghệ, qua những yếu tố nói lên sự phi lý, sự thiếu vắng ý nghĩa của cuộc đời, sự bi thảm của cuộc sống con người. Nhìn qua những phản ứng của con người trong cơn khủng hoảng về mối tương quan giữa con người và thực tại, ÐTC rút ra kết luận sau đây, trong sứ điệp của ngài gởi cho Ðại Hội Tình bạn Rimini:

"Con nguời không thể nào bỏ qua được cơn khao khát đang thôi thúc con người đi về Ðấng Tuyệt Ðối. Con người không thể nào bằng lòng với thái độ quả quyết những gì vuợt ra ngoài khả năng kiểm nghiệm của mình, là điều không có thật nữa." Chạy trốn thực tại, với quả quyết cuộc đời là một giấc mơ, (thái độ chạy trốn nầy) không thể nào đứng vững lâu bền được, nhất là khi con người phải đương đầu với thực tại không tránh né được của những đau khổ và cái chết. Vậy thì con người phải tìm lấy năng lực ở đâu, để đón nhận thực tại? ÐTC trả lời cho câu hỏi nầy như sau: "Những người Kitô có trách vụ rao giảng một cách can đảm cho con người ngày nay rằng cần phải khẩn thiết trở về lại với lời hứa được khắc ghi trong bản thể con người, không phải do bởi một thần linh có ác ý và muốn làm khổ con người, nhưng bởi một vì Thiên Chúa đầy tình yêu thương, Ðấng đã đặt vào trong nội tâm con người một năng lực tìm về ý nghĩa; năng lực đi tìm ý nghĩa nầy được thể hiện trong một niềm khao khát không bao giờ được thõa mãn và trong một niềm lo âu khoắc khoải nội tâm vì không gặp được câu trả lời. Ðó là con đường dẫn con người đến với thực tại, trong đó có thể gặp được câu trả lời. Khi được tra cứu với lòng thành thật, thực tại sẽ không làm con người thất vọng, nhưng sẽ tỏ ra cho con người nhìn thấy ý nghĩa của nó. Thực tại sẽ biểu lộ chính mình cho con người, như là dấu chỉ của Ðấng đã tạo dựng nên nó." Như thế, ÐTC Gioan Phaolô II nhắc lại sứ mạng của người Kitô trong thế giới như là những kẻ làm chứng và giải thích ý nghĩa của các thực tại. Ngài nhấn mạnh một lần nữa rằng: "Con Thiên Chúa đã đến đồng hành với con người trong cuộc hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc sống, để chữa lành con người khỏi mọi sự vong thân, và để mạc khải chính mình cho con người như là Ðấng đã phục sinh, như là Cửa Mở rộng cho con người bước vào sự sống tràn đầy sung mãn."


Back to Radio Veritas Asia Home Page