"GHI CHÚ GIẢI THÍCH"
đi kèm với Thông Báo của
Bộ Giáo Lý Ðức Tin
lưu ý các tín hữu về những tư tưởng
của linh mục Dòng Tên
Anthony de Mello, người Ấn Ðộ

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Một Ðoạn Trích từ "GHI CHÚ GIẢI THÍCH" đi kèm với THÔNG BÁO của bộ Giáo Lý Ðức Tin lưu ý các tín hữu về một số tư tưởng của Cha Anthony de Mello.

Chúng ta đã có dịp theo dõi nguyên văn bản dịch tiếng Việt của Thông Báo của Bộ Giáo Lý Ðức Tin về một số tư tưởng của Cha Antony de Mello, qua đời năm 1987, nhưng rất được biết đến qua các tác phẩm chính Cha đã xuất bản, và cả qua những tác phẩm được xuất bản mà không có sự đồng ý của Cha. Khi đọc Thông Báo của bộ Giáo Lý Ðức Tin, chúng ta ghi nhận dễ dàng hai yếu tố của Thông Báo: yếu tố thứ nhất (1) nhắc đến những điểm tích cực trong những tư tưởng tu đức của Cha, và yếu tố thứ hai (2) nhắc đến những điểm mập mờ không rõ ràng và cả nghịch lại với đức tin Kitô. Văn Kiện "Thông Báo" của Bộ Giáo Lý Ðức Tin, được đi kèm với một văn kiện bổ túc, được gọi là "GHI CHÚ GIẢI THÍCH", cũng do bộ Giáo Lý Ðức Tin soạn. Hai văn kiện nầy bổ túc cho nhau. Văn kiện "THÔNG BÁO" thì ngắn gọn, chỉ nói cách chung, trong khi đó thì Văn Kiện "GHI CHÚ GIẢI THÍCH" lại dài hơn và có trích dẫn những tư tưởng, những từ và những cách nói của Cha Anthony de Mello xem ra có vẽ mập mờ không rõ ràng, và cả nghịch lại nội dung Ðức Tin đã được xác định. Khi trích lại lời văn hay từ ngữ được cha Anthony de Mello dùng, thi "GHI CHÚ GIẢI THÍCH", luôn luôn có trích tên tập sách và số trang, để người đọc có thể kiểm chứng. Chúng ta hãy cùng đọc qua một trang của văn kiện "GHI CHÚ GIẢI THÍCH" để có một quan niệm rõ ràng hơn về vấn đề nầy:

GHI CHÚ GIẢI THÍCH Những tác phẩm của linh mục Dòng Tên người Ấn Ðộ, Cha Anthony de Mello (1931-1987), đã được phổ biến rộng rãi tại nhiều quốc gia trên thế giối, và cho nhiều người thuộc những hoàn cảnh hết sức khác nhau (1). Trong những tác phẩm nầy, thường đươc mặc lấy hình thức của những chuyện vui ngắn, được trình bày trong một loại văn dễ hiểu dễ đọc, cha de Mello quy góp những yếu tố của lẽ khôn ngoan đông phương, và là những yếu tố có thể hữu ích để giúp đạt đến sự tự chủ, để giải thoát khỏi những ràng buộc và những tâm tình làm cho chúng ta không sống được tự do, để tránh đi sự ích kỷ, để đương đầu với những khó khăn của cuộc sống một cách bình thản, và không để mình bị ảnh hưởng bởi thế giới chung quanh, nhưng vừa đồng thời ý thức về sự phong phú của cuộc sống nầy. Ðiều quan trọng là nêu rõ ra những điểm tích cực , có thể được gặp thấy trong nhiều tác phẩm của Cha Antony de Mello. Một cách đặc biệt, trong những tác phẩm được xuất bản trong những năm đầu, khi cha là vị giảng phòng, thì cha de Mello đã cho thấy ảnh hưởng của những tư tưởng tu đức của Phật Giáo và của Lão Giáo, nhưng cha còn ở trong những giới hạn của nền tu đức Kitô. Cha nói về việc chờ đợi trong im lặng và cầu nguyện để được Chúa Thánh Thần ngự đến; Ngài là hồng ân tinh tuyền của Thiên Chúa Cha (trích tập sách "Gặp gỡ Thiên Chúa", (Contact with God), những bài thuyết trình dịp cấm phòng, trg 3-7). Cha đã trình bày rất hay về lời Cầu Nguyện của Chúa Kitô, và về Lời Cầu Nguyện mà Chúa Giêsu dạy chúng ta, vừa gọi Thiên Chúa Cha (x. cùng nơi, 42-44). Cha cũng nói về Ðức Tin, việc thống hối đền tội, và việc chiêm ngắm những mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Kitô, dựa theo phương pháp của Thánh Ignaxiô Loyola. Trong tác phẩm SADHANA, có nghĩa là :Con Ðướng đến cùng Thiên Chúa, được xuất bản lần đầu năm 1978, Chúa Giêsu có chỗ trung tâm; Và cha de Mello nói về vai trò trung tâm của Chúa Giêsu nhất là trong phần cuối sách (khi nói về "lòng đạo đức" trg 99-134). Cha nói về lời cầu xin cho mình và lời khẩn cầu như Chúa Giêsu đã dạy trong Phúc Âm, về lời chúc tụng và kêu lên danh thánh Chúa Giêsu. Tập sách "Sadhana" được dâng kính Ðức Nữ Ðồng Trinh, mẫu gương của việc chiêm niệm (Sadhana, trang 4-5).

Nhưng ngay trong tác phẩm nầy, tức tác phẩm SADHANA, cha đã khai triển quan niệm của cha về sự chiêm niệm như là một sự thức tỉnh (awareness), một quan niệm xem ra như không thiếu tính cách mập mờ. Ngay từ các trang đầu của tập sách SADHANA, quan niệm về sự mạc khải Kitô được xem giống với quan niệm về mạc khải của Lão Tử; và xem ra như Cha de Mello thích quan niệm của Lão Tử hơn, khi cha viết như sau: "Im lặng là mạc khải cao cả nhất", Lão Tử đã nói như vậy. Chúng ta đã quen nghĩ đến Kinh Thánh như là sự mạc khải của Thiên Chúa. Và thật sự là như vậy. Tôi bây giờ muốn cho anh chị em biết khám phá sự mạc khải mà im lặng mang đến." (9, tác phẩm Sadhana, số 11). Khi luyện tập ý thức về những cảm xúc nơi thân thể chúng ta, chúng ta đã sẵn sàng nói chuyện với Chúa, một sự giao tiếp được giải thích như thế nầy: "Nhiều nhà thần bí nói cho chúng ta biết rằng, cùng chung với tinh thần và con tim, hai khả năng mà chúng ta thường dùng để giao tiếp với Thiên Chúa, thì tất cả chúng ta, chúng ta được trao ban cho một tinh thần huyền bí và một con tim huyền bí, một khả năng làm cho chúng ta có thể biết Chúa một cách trực tiếp, để lĩnh hội và cảm giác trực triếp Thiên Chúa trong chính bản thể Ngài, mặc dù một cách mờ tối.." (Sadhana, trg5). Nhưng trực giác nầy, một trực giác về điều không hình thể, là trực giác về một cái gì trống không: "Nhưng thử hỏi tôi nhìn về điều gì, khi tôi im lặng nhìn về Thiên Chúa? Tôi nhìn về một thực thể không hình không ảnh. Một trống không!" (SADHANA, trg 26). Ðể liên lạc với Ðấng vô cùng, thì cần phải "nhìn vào cái trống không". Và như thế người ta đi đến "một kết luận lạ lùng rằng sự chú ý tập trung vào hơi thở của bạn hay vào cảm giác của thân thể bạn, (sự chú ý đó) là một sự chiêm niệm tốt, theo nghĩa đúng thật của từ ngữ nầy" (Sadhana, trg 29-30).

Ðó là một trang của văn kiện Ghi Chú Giải Thích, trong đó chúng ta thấy bộ Giáo Lý Ðức Tin mới trích dẫn đến hai tập sách của Cha là: Contact with God và SADHANA. Chúng ta cũng nhìn thấy hai yếu tố trong các tác phẩm của cha: tích cực và tiêu cực. Và Bộ Giáo Lý Ðức Tin lưu ý chúng ta về những điểm tiêu cực đã xa rời hay nghịch lại Ðức Tin Kitô. Hy vọng chúng ta sẽ còn dịp đọc tiếp trọn cả GHI CHÚ GIẢI THÍCH nầy.


Back to Radio Veritas Asia Home Page