ÐTGM Melbourne,
chống chính sách kỳ thị người thổ dân
của chính phủ Úc

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðức Tổng Giám Mục MELBOURNE, Ðức Cha George Pell, lên tiếng chống lại chính sách kỳ thị người thổ dân của chính phủ Úc.

Tin Úc Châu (Apic 19/07/98): Ðảng chính trị có tên gọi là "Một Quốc Gia" (One Nation, Union Nationale), có khuynh hướng chính trị bảo thủ thiên hữu, vừa bị Ðức Tổng Giám Mục George Pell, Tổng Giám Mục Melbourne, lên tiếng phê bình, là có đường hướng chính trị dẫn đưa Úc Châu đến cuộc tranh chấp và sự nghèo cùng.

Ðức Cha vừa lên tiếng phê bình như vậy, sau khi Thượng Viện Úc, chấp thuận đạo luật giới hạn quyền sở hữu đất đai của những thổ dân, hôm ngày 8 tháng 7/1998 nầy.

Ðức Cha George Pell còn nói thêm như sau: Những đường hướng chính trị thiên hữu, chống người thổ dân, chống những người di dân gốc Á Châu, cần phải được dẹp bỏ. Những nguyên tắc kỳ thị chủng tộc không những là một sai lầm trên bình diện luân lý, mà còn kéo theo những hậu quả tai hại khác nữa.

Hôm thứ Tư mùng 8 tháng 7/1998, sau hơn 100 giờ thảo luận, Thượng Viện Úc Châu đã bỏ phiếu chấp nhận đạo luật giới hạn quyền làm chủ đất của những nguời bản xứ, và như thế kết thúc cuộc tranh luận đã kéo dài từ 5 năm nay và gây chia rẽ quốc gia Úc. Ông thủ tướng Úc Châu, JOHN HOWARD, hy vọng là giải pháp đã đạt được qua đạo luật nói trên, sẽ tạo ra sự ổn định và sự bảo đảm cho những khai thác về ngành chăn nuôi súc vật, và cho những kỷ nghệ hầm mỏ, và do đó sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Ðây là một quan điểm mà những người dân bản xứ, không chấp nhận. Những người bản xứ nầy đã bày tỏ sự thất vọng và dự trù nhờ đến cơ quan quốc tế, dựa trên QUY ƯỚC Quốc Tế về nhân quyền và Chính Trị.

Trên tổng số 18 triệu người dân Úc Châu, thì nguời dân bản xứ chỉ có khoảng 360 ngàn nguời. Họ chỉ là một thiểu số trong lãnh vực chính trị. So sánh với những thổ dân MAORI bên Tân Tây Lan, được làm chủ đa số những tài nguyên nằm ở phía bắc của đảo, hay so sánh với những người bản xứ Esquimaux, bên Canada, được quyền làm chủ những phần đất của vùng Bắc Cực của đất nước Canada, (nếu so sánh) thì ta sẽ thấy là những người thổ dân tại Úc Châu gặp nhiều khó khăn hơn trong lãnh vực làm chủ đất đai.

Ðảng thiên hữu "Một Quốc Gia", do bà Pauline Hanson, lãnh đạo, đã gia tăng những tấn công vào những nguời Á Châu di dân, cũng như vào những người bản xứ. Ðảng của bà Pauline Hanson còn dự định chống lại việc trợ giúp tài chánh cho Nam Dương và dự định hủy bỏ tất cả mọi nhượng bộ đặc biệt dành cho người dân bản xứ, kể cả việc trả những chi phí về việc săn sóc sức khỏe, mà đảng bảo thủ của bà xem như là thái quá. Tuy nhiên, về vấn đề sức khỏe của những người dân bản xứ, một bản tường trình chính thức đã cho biết những kết qua sau đây: sức khỏe của những người dân bản xứ tại Úc Châu đang ở trong tình trạng bi thảm, nằm dưới mức độ an toàn tối thiểu, không sống lâu, con số bị bệnh gia tăng, con số người chết cũng cao, số nguời phải vào nhà thương cũng nhiều. Hai trăm năm sau khi nguời da trắng đến lập nghiệp tại phần đất Úc Châu nầy, thì những người dân bản xứ là một trong những nhóm thiểu số bị thiệt thòi nhiều nhất. Mức độ sống lâu của người dân bản xứ, ngắn hơn mức độ của nguời da trắng, là gần 20 năm.

Về phần mình, trong thánh lễ được cử hành dành riêng cho người dân bản xứ, Ðức Tổng Giám Mục George Pell đã lên tiếng chống lại đường lối chính trị hiện nay của đảng "Một Quốc Gia", đang có nguy cơ đưa Úc Châu đến cuộc tranh chấp và sự nghèo cùng.


Back to Radio Veritas Asia Home Page