Tình hình xã hội,
chính trị và tôn giáo tại
Cộng Hòa Tchèque hiện nay

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

THỜI SỰ: Tình hình xã hội, chính trị và tôn giáo tại Cộng Hòa Tchèque hiện nay.

Trong bài đăng trên nhật báo Công Giáo Ý TƯƠNG LAI, (Avvenire) số ra ngày 15.07.98, Ðức Hồng Y Miloslav Vlk, Tổng Giám Mục giáo phận Praga, chủ tịch Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Âu, đã nói về tình hình xã hội, chính trị và tôn giáo tại Cộng Hòa Tchèque, gần 10 năm sau chế độ cộng sản vô thần.

Ai cũng biết rằng: chế độ cộng sản Tiệp Khắc trước đây, lúc đó còn là một quốc gia bao gồm Cộng Hòa Tchèque và Slovak hiện nay, là một chế độ bách hại tôn giáo dữ dội hơn cả tại Ðông Âu, với sự đồng thuận của Phong Trào "Hòa Bình dưới thế" (Pacem in terris). Tên gọi "Hòa Bình dưới thế" được lấy từ tựa đề của Thông Ðiệp rất thời danh của Ðức Gioan 23. Phong trào thu hút khoảng 2 ngàn linh mục Tiệp Khắc và được Nhà Nước ủng hộ.

Trong thời kỳ khó khăn này, Tòa Thánh hầu như không thể bổ nhiệm giám mục. Vì thế, trong thời gian dưới chế độ cộng sản Tiệp Khắc, có tới hơn 10 giáo phận trống ngôi. Chính Ðức Hồng Y Vlk, trong những năm bị bách hại, đã phải làm nghề lau kính. Ngài trở lại thi hành chức vụ linh mục sau khi chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối năm 1989. Còn Ðức Hồng Y Korec, giám mục giáo phận Nitra bên Cộng Hòa Slovak, cũng đã bị giam tù nhiều năm.

Sau đây là tình hình xã hội, chính trị và tôn giáo hiện nay được Ðức Hồng Y Vlk mô tả lại trong bài đăng trên nhật báo Tương Lai, (Avvenire) như đã nói trên.

Về phương diện xã hội, Ðức Hồng Y nói: trong hơn 40 năm trời, chế độ cộng sản để lại một vết thương sâu đặm trong tâm hồn người dân: bầu khí nghi ngờ, thù ghét, chia rẽ... giữa những người sống bên cạnh nhau. Người dân đã mất đi hẳn tình thương yêu, như một thái độ, một cử chỉ tự nhiên giữa con người với nhau. Người dân sống trong thái độ tự vệ, khép kín, thay vì cảm thấy sự cần thiết cởi mơ, liên đới với tha nhân.

Về mặt chính trị, Ðức Tổng Giám Mục Praga nhận xét rằng: Dù chế độ cộng sản sụp đổ, nhưng không có một sự canh tân nào đáng kể trong guồng máy Nhà Nước. Nhìn từ bên ngoài, thì dường như không còn thế chế độ củ nữa, nhưng bên trong, thì vẫn còn là những người cai trị, xưa kia thuộc Ðảng cộng sản. Họ là những người còn say mê ý thức hệ Mác xit nữa hay không, thì không ai biết, nhưng hành động và tác phong vẫn như là những người của chế độ cũ. Chế độ xã hội cộng sản củ đã chủ trương chính sách tập thể, và hủy diệt cá nhân. Còn chế độ Tư Bản Tây Phương thì đề cao chủ nghĩa cá nhân, tự do, dân chủ, đến độ hủy diệt sự hiệp thông giữa con người với con người. Thế giới trở nên ích kỷ. Như vậy Chủ nghĩa Tập thể cũng như chủ Nghĩa Cá nhân, cả hai đều không giải quyết được các vấn đề thế giới ngày nay. Ðức Hồng Y nói: "Vì thế, nhiều người dân, khi sống dưới chế độ cộng sản củ, thì họ đã mong được sự giúp đỡ của thế giới Tây Phương; nay họ trở nên thất vọng. Theo tôi, chế độ cộng sản cũng như chế độ tư bản đều phá hủy sự hiệp thông, tuy bằng những phương tiện khác nhau".

Về tôn giáo, trước hết Giáo Hội Công Giáo tại Tchèque không được thông cảm trong vai trò thiêng liêng của mình, và thường bị coi như là một tổ chức chính trị. Chính phủ không nghĩ đến việc cộng tác với Giáo Hội để mưu ích cho cộng đồng quốc gia, và để bảo tồn những giá trị căn bản cần thiết cho cuộc chung sống và tiến bộ thực sự của người dân. Trái lại các giá trị cao quí tinh thần bị khinh thị. Một xã hội, một quốc gia mà không được xây dựng trên các giá trị nhân đạo, luân lý, tôn giáo, thì trước sau sẽ đi đến chỗ sụp đổ.

Các người làm chính trị hiện nay không muốn trả lại tài sản của Giáo Hội bị tịch thu dưới chế độ cộng sản. Thay vì trả lại, họ đặt ra câu hỏi: Tại sao Giáo Hội cần những tài sản này? Họ không hỏi: Giáo Hội có hay không có quyền lấy lại những tài sản này hay không? Ðức Hồng Y giải thích thêm như sau: "Tôi xin nói thành thực rằng nếu chính phủ trả lại những cơ sở này cho Giáo Hội, thì đây không phải là một ân huệ, vì hầu hết bị hư hại và cần được sửa chữa. Tiền đâu để sửa chữa. Chúng tôi chỉ xin trả lại một phần mà thôi, nhưng Nhà Nước cũng không đồng ý. Trong năm 1990-1991, chính phủ trả lại các các tu viện, các trường học bị tịch thu, nhưng không trả lại các đất đai của các cơ sở này. Các cơ sở này sẽ sống bằng phương tiện nào? Nhà thờ chính tòa Praga, bị quốc hữu hóa năm 1954. Nhà thờ này do Vua Carlo thứ IV xây cất, để làm nơi tấn phong các vua và chôn cất các vị tại đây. Nhà thờ này vẫn là nơi gặp gỡ giữa chính quyền dân sự và Giáo Hội.

ÐHY tuyên bố rằng: Tôi sẵn sàng công nhận vai trò "quốc gia" của nhà thờ chính tòa nầy, nhưng chính phủ phải dứt khoát hủy bỏ việc quốc hữu hóa Nhà Thờ Chính Tòa nầy.

Về các trường học, trước khi cộng sản lên nắm chính quyền, Giáo Hội quản trị từ Ðại Học đến Tiểu Học và được Nhà Nước trợ cấp tới 90%. Số tiền trợ cấp dành cho việc quản trị, không phải để mở các trường mới. Bằng cấp của các trường Giáo Hội được Nhà Nước công nhận. Mỗi giáo phận đều có trường Công Giáo riêng. Vấn đề quan trọng này cũng như nhiều vấn đề khác phải được giải quyết, nếu chính phủ thực sự là một chính phủ dân chủ. Giáo Hội không xin ân huệ, mà chỉ đòi các quyền chính đáng của mình và của mỗi một người dân, sống trong một quốc gia tự do, dân chủ.

Ðó là vài nhận định của Ðức Hồng Y VLK về hiện tình xã hội, chính trị, tôn giáo tại cộng hòa TCHÈQUE. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.


Back to Radio Veritas Asia Home Page