Bài Phỏng Vấn Ðức Tổng Giám Mục Saigon, do hãng tin Fides của Bộ Truyền Giáo thực hiện, và được đăng trong cả hai ấn bản tiếng Anh và tiếng Ý của bản tin Fides hằng tuần, phát hành ngày 3 tháng 7/1998.
Bài phỏng vấn nầy đã được trích đăng một cách ngắn hơn (4 câu hỏi) trong Nhật Báo Tương Lai, Avvenire, số phát hành ngày 30 tháng 6 vừa qua. Trong mục thời sự thứ Tư tuần vừa qua, chúng tôi đã phát bài phỏng vấn nầy, dựa theo ấn bản ngắn được trích đăng trong nhật báo Tương Lai (Avvenire) số phát hành ngày 30 tháng 6/1998. Hôm nay, kính mời quý vị và các bạn theo dõi ấn bản dài hơn (11 câu hỏi) được đăng trong bản tin hằng tuần của hãng tin Fides, trong cả hai ngôn ngữ Anh và Ý, số phát hành ngày 3 tháng 7/1998. Sau đây là bản dịch tiếng Việt do Ðặng thế Dũng thực hiện. Hy vọng là những từ tiếng Việt được dùng để chuyển dịch bài phỏng vấn sang Việt Ngữ, diễn đạt được những gì Ðức Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn muốn nói.
Câu hỏi 1: Ðức Cha gặp thấy tình trạng giáo phận TP.HCM như thế nào?
Trả lời: Sự vắng mặt của Vị Giám Mục (chính tòa) trong vòng 5 năm đã gây ra những khó khăn trên nhiều lãnh vực: phụng vụ, mục vụ, sinh hoạt truyền giáo. Tôi chưa có cái nhìn đầy đủ về tất cả những thiệt hại. Tôi đã viết một Thơ Mục Vụ về vấn đề nầy. Trong thơ, tôi đã nhấn mạnh rằng tôi nhận thấy mọi người, kể cả những người Kitô, chỉ nghĩ đến mình. Tôi muốn những người Công Giáo nghĩ nhiều hơn đến kẻ khác, đến tất cả mọi người, đến những ai không phải là người Kitô. Ðây là sứ mạng của nguời Kitô, (sứ mạng) yêu thương và phục vụ. Chúng ta phải giúp đỡ cho những người khác. Hai tuần lễ sau khi đã về sống tại (Tổng Giáo Phận) TP. HCM, tôi đã mời họp các linh mục, những tu sĩ nam nữ, giáo dân. Tôi đã xin mọi người hãy sống liên đới với những gia đình túng thiếu, với những người trẻ thiếu phương tiện để đi học ở trường hoặc để học nghề. Và nhất là hãy giúp đỡ những ai chưa có được một mái nhà để ở. Tôi gặp thấy cùng một sứ điệp như vậy, được Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu đề ra. Ðiều nầy cũng cố niềm tín thác của tôi vào Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần hiện diện trong Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, ngài cũng đang thổi trong giáo phận TP.HCM.
Câu hỏi 2: Giáo Phận TP.HCM đã có nhiều sinh hoạt: trường học, vườn trẻ, khóa dạy nghề, những chẩn y viện; (đây là) những sinh hoạt còn lén lút. Liệu Chính Quyền sẽ cho phép Ðức Cha công khai hóa (các) sinh hoạt nầy không?
Trả Lời: Ðây là vấn đề mà chúng tôi muốn bàn với những vị thẩm quyền dân sự.
Câu hỏi 3: Ông thủ tướng Phan Văn Khải đã nói cách đây một tháng rằng các tôn giáo có thể giúp Việt Nam dẹp bỏ được những tệ nạn xã hội như nạn nghiện thuốc phiện, nạn buôn bán thuốc phiện, và nạn mãi dâm. Có đúng vậy không, thưa Ðức Cha?
Trả lời: Phải, Ông chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân của TP. HCM, Ông Võ Viết Thanh, cũng đã nói với tôi giống như vậy hôm tháng 5 vừa qua, và xin tôi cộng tác (trong vấn đề nầy). Ðể đạt được sự cộng tác, chúng tôi đã xin hợp pháp hóa những sinh hoạt của chúng tôi. (Các vị đó) đã trả lời rằng điều yêu cầu nầy có thể được chấp nhận, với điều kiện là: các nữ tu và giáo dân được huấn luyện chuyên nghề để làm những công việc đó; và rằng dịch vụ đó phải độc lập khỏi Giáo Hội. Ðiều nầy có nghĩa là chúng tôi sẽ phải tách rời, chẳng hạn, cơ sở phát thuốc (chẩn y viện) ra khỏi khu vực nhà thờ hay cơ sở của Tu Viện.
Câu hỏi 4: Ðức Cha nghĩ thế nào về những điều kiện nầy?
Trả Lời: Ðiều chúng tôi cần là có sự thay đổi nào đó trong luật pháp. Có lẽ nên cho phép tự do tôn giáo hoàn toàn. Nhưng tiếc thay, chúng tôi không thể làm điều nầy. Ðây là công việc của những người khác.
Câu hỏi 5: Cách đây vài ngày, Tướng Lê Khả Phiêu, Tổng Bí Thư Ðảng đã nói rằng "cần phải nhìn các tôn giáo một cách không có thành kiến, nhưng các tôn giáo phải được kiểm soát". Có thể nào sống duới sự kiểm soát như thế không? Sự kiểm soát nầy có cản trở cho sứ mạng của Giáo Hội không?
Trả Lời: Ðôi khi có thể chấp nhận được, nhưng có những trường hợp nó thật sự gây cản trở. Chẳng hạn như: chúng tôi có hơn 200 ứng sinh muốn vào chủng viện. Nếu tất cả cùng được chấp nhận, thì chúng tôi có thể gặp vấn đề khó khăn (lo cho hơn 200 ứng sinh nầy)… như vậy, mức độ giới hạn nào đó là cần thiết. Chính Quyền giới hạn con số những ứng sinh được chấp nhận cho mỗi năm.. Nhưng có lẽ chúng tôi nên được để cho có quyền quyết định về con số.
Câu hỏi 6: Từ nhiều tháng nay, chính quyền đã khuyến khích những Ủy Ban Công Giáo Yêu Nước cả tại SàiGòn. Cách đây vài tuần (ngày 5 tháng 6), Linh Mục Trương Bá Cần, trưởng ban biên tập tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, đã đăng một bài báo phê bình Vatican vì đã lưu ý các linh mục đừng tham gia vào Mặt Trận Công Giáo Yêu Nước. Mặt Trận nầy có là vấn đề cho sinh hoạt mục vụ, hay nó không gây tai hại nào cả?
Trả Lời: Nếu những ai hoạt động trong Mặt Trận Yêu Nước thật sự muốn đoàn kết với tất cả mọi người Kitô, thì Mặt Trận có thể là một nơi phát sinh điều tốt, nhưng nếu những người hoạt động trong Mặt Trận mang đến sự chia rẽ, thì đây không phải là điều tốt.
Câu hỏi 7: Ðức Cha đã chọn Linh Mục Huỳnh Công Minh làm cha Chính (Tổng Ðại Diện), và cha Minh được mọi người biết như là thành viên của Mặt Trận Yêu Nước. Ðức Cha nghĩ thế nào?
Trả Lời: Cha Minh đã là thành viên tích cực trong quá khứ. Từ nhiều năm nay, cha không còn tham dự những buổi họp của Mật Trận, không còn là thành viên của Mặt Trận nữa. Sự chọn lựa (của tôi) chỉ là xác nhận lại những chọn lựa của những vị tiền nhiệm tôi, là Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình và Ðức Cha Huỳnh Văn Nghi.
Câu hỏi 8: Khi về nhận Tổng Giáo Phận tháng 5 vừa qua, Ðức Cha đã đưa ra ý tưởng về một Công Nghị Giáo Phận. Xin Ðức Cha cho biết việc chuẩn bị Công Nghị nầy đã đi đến đâu rồi?
Trả Lời: Chúng tôi phải đặt những nền tảng trước. Chúng tôi đã bắt đầu, nhưng còn phải chờ thêm Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Tôi muốn cho những linh mục trong giáo phận của tôi và các giáo dân hoạt động trong tinh thần của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu. Công cuộc chuẩn bị cho Công Nghị giáo phận sẽ cần có nhiều thời gian… Chúng tôi có thể họp Công Nghị vào năm 2000! Tôi cảm thấy rằng chúng tôi trước hết cần đặt giáo phận và sự hiệp nhất trong giáo phận trong trật tự. Có sự chia rẽ giữa hàng giáo sĩ triều và các linh mục dòng, giữa các linh mục bắc và nam, giữa hàng giáo sĩ và giáo dân. (Chia rẽ) không những trong những hoạt động, mà còn trong tình hiệp thông. Thời gian năm năm không có giám mục (chính tòa), đã dẫn đưa đến điều mà Chúa Giêsu đã nói đến trong bửa Tiệc Ly: "Ta sẽ đánh chủ chăn, và đoàn chiên sẽ tan tác" (Mt 26,31). Vấn đề nghiêm trọng nhất là khi các chủ chăn, các linh mục, trở thành nguyên nhân gây chia rẽ. Nhiều linh mục từ chối làm việc với hàng giáo dân.
Câu hỏi 9: Việc Ðức Cha được bổ nhiệm về TP.HCM nói lên một sự cải thiện trong những liên lạc giữa Việt Nam và Tòa Thánh. Ðức Cha có nghĩ là chúng ta sắp tiến gần đến những liên lạc ngoại giao (giữa Việt Nam và Tòa Thánh) hay không?
Trả lời: Tôi có thể nói rằng tháng Hai vừa qua, hai phái đoàn, của Chính Phủ Việt Nam và của Tòa Thánh, đã có nhiều thời giờ thảo luận với nhau, và thảo luận cả những vấn đề không có trong chương trình được chuẩn bị trước. Ngoài ra, còn có ước muốn trao đổi với chúng tôi, với Hội Ðồng Giám Mục. Các giám mục chúng tôi là như trung gian. Cả hai phái đoàn đều mong muốn cải thiện những liên lạc.
Câu hỏi 10: Trong hai tháng qua (thi hành chức vụ Tổng Giám Mục TP. HCM), kinh nghiệm cảm động nhất của Ðức Cha là kinh nghiệm nào?
Trả Lời: Chắc chắn đó là kinh nghiệm gặp gỡ với các linh mục trong giáo phận, và với các tu sĩ nam nữ. Tuần vừa qua, các vị đến mừng lễ tôi (ngày 24 tháng 6, lễ sinh nhật Thánh Gioan Tẩy Giả). Tôi đã chia sẻ là vận mệnh của tôi cũng giống như vận mệnh của vị thánh bổn mạng của tôi: Chúa Giêsu phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại. Vận mệnh của tôi là để cho dân chúng trong giáo phận của tôi "nghiền nát" (ăn thịt). Nó giống như kinh nghiệm của một người cha. Tôi cảm nghiệm được rằng gia đình giáo phận của tôi chấp nhận và yêu thương tôi.
Câu hỏi 11: Chúng tôi có thể làm gì cho Giáo Hội tại Việt Nam?
Trả Lời: Trước hết, chúng ta cần cầu nguyện cho nhau: cầu nguyện cho nhau sẽ tạo ra sự hiệp nhất giữa chúng ta và dẹp bỏ đi thành kiến, giúp ta hiểu hơn về hoàn cảnh. Sau đó, xin hãy giúp chúng tôi: (bên ngoài nầy) ở đây người ta sống đức tin với tất cả sự phong phú của nó, chia sẻ, làm việc, viết lách và in sách báo. Chúng tôi không có được tất cả những điều nầy: chúng tôi chỉ sống bằng niềm hy vọng. Xin hãy giúp chúng tôi có nhiều tin tức hơn, nhiều sách báo hơn, nhất là về giáo huấn xã hội của Giáo Hội.
Ðó là 11 câu hỏi của bài phỏng vấn (dài) được chính bản tin của hãng thông tấn Fides phổ biến trong cả hai ngôn ngữ Anh và Ý, trong số phát hành ngày 3/07/98.