Diễn Văn của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, nhân dịp khai mạc Hội Nghị Quốc Tế về Mục Vụ Nhân Quyền tại Vatican, từ ngày 1-4 tháng 7/1998.
Chiều ngày mùng 1 tháng 7/1998, trong buổi khai mạc Ðại Hội Nghị Quốc Tế tại Vatican về Mục Vụ Nhân Quyền, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, tân chủ tịch của Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý Hòa Bình, đọc bài diễn văn khai mạc. Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, cựu chủ tịch cũng có mặt, vì Ðại Hội Nghị là do ngài đứng ra mời các tham dự viên.
Sau những lời chào chúc các tham dự viên Hội Nghị và chào chúc Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận, tân chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý Hòa Bình, đã giải thích lý do của Ðại Hội Nghị như sau:
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm bản Hiến Chương Phổ Quát về nhân quyền, và trong viễn tượng của Ðại Năm Thánh, Ðức Thánh Cha đã bày tỏ nguyện vọng muốn thấy có tổ chức một Hội Nghị về Mục Vụ Nhân Quyền. Ðức Hồng Y Roger Etchegaray và những cộng tác viên đã có sáng kiến thực hiện mong ước trên của ÐTC, và vì thế, chính Ðức Hồng Y đã mời quý vị tham dự. Mặc dù có ít thời gian để chuẩn bị, và mặc cho những bận rộn mục vụ hay nghề nghiệp, quý vị đã có thiện cảm đáp lại lời mời và sẵn sàng cộng tác. Xin chân thành cám ơn quý vị đã đến đây, và xin thông cảm tha thứ vì chúng tôi đã không thể tiếp đón quý vị như ý chúng tôi muốn. Cho đến giây phút nầy, con số tham dự viên là 205 vị.
Năm nay, trên toàn thế giới, chủ đề về nhân quyền được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Chúng tôi đã chọn hướng cuộc gặp gỡ của chúng ta về chủ đề Mục Vụ Những Nhân Quuyền. Những kẻ hướng đạo và chủ chăn của Dân Chúa được mời gọi "hãy tiến tới không ngừng trong việc chu toàn hoàn hảo hơn trách nhiệm mục vụ, và được mời gọi hãy sẵn sàng, nếu cần, dấn thân trong những con đường mục vụ mới, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần của Tình Yêu Thương, Ðấng muốn thổi đâu tùy ý" (P.O. số 13). Chính tôi đây cũng là chủ chăn từ Viễn Ðông đến đây. Tôi mới vừa tham dự vào Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, và Dân Chúa tại Á Châu mong muốn có được những chủ chăn hơn là những nhà quản trị, dù là những nhà quản trị hữu hiệu. Tôi nghĩ là điều nầy cũng có giá trị tại những đại lục khác. Chính hướng về điểm căn bản nầy, mà chúng ta sẽ tập trung cái nhìn, làm việc chung và cầu nguyện chung.
Vào lúc sắp bước vào ngàn năm thứ ba, chúng tôi muốn bàn về những vấn đề của thế giới, với tư cách của một giáo hội biết sống yêu thương. Chúng tôi muốn phục vụ, lắng nghe, sống sự chọn lựa phục vụ người nghèo, hội nhập văn hóa Phúc Âm trong những nền văn hóa khác nhau của các dân tộc chúng ta, đối thoại với tất cả mọi người, với hết lòng khiêm tốn và tràn đầy niềm hy vọng.
Thế giới trong đó chúng ta đang sống, đã trở thành như một ngôi làng:" những VUI MỪNG và HY VỌNG, những đau buồn và lo âu của con người thời đại, nhất là của những người nghèo và của tất cả những ai đau khổ, cũng là những Vui Mừng và Hy Vọng, những đau buồn và những lo âu của nhữing đồ đệ của Chúa Kitô" (VM và HV, số 1). Giáo hội không thể nào sống lảnh đạm trước chiến tranh, các trại tập trung, những cuộc tàn sát mạng người, sự kỳ thị chủng tộc, sự bất công, sự kỳ thị đối với những dân tộc thiểu số. Giáo Hội chống lại sự kỳ thị người nữ, chống lại việc lao động của các trẻ em, những giới hạn của tự do tôn giáo. Giáo hội làm việc hết sức mình để cổ võ nền văn minh của sự sống và tình thương. Ðây là điều hết sức quan trọng.
Chúng ta không thể làm tất cả mọi sự trong vài ngày. Nhưng ít ra chúng tôi mở ra một cánh cửa, để cho khí mát của Mùa Xuân của Lễ Hiện Xuống, được thổi vào. Chúng ta sắp bắt đầu chung với nhau, trong bầu khí của tình bác ái thôi thúc chúng ta: Caritas Christi urget nos, thánh Phaolô cũng nói như vậy. "Tình bác ái là một quê hương", mội văn sĩ người Pháp (Henri de Montherland, La marée du soir,) cũng đã nói như vậy. "Một quê hương không có biên giới", linh mục Carré, OP, thuộc hàn lâm viện Pháp, đã thêm vào như vậy. Quý vị đến từ khắp nơi trên thế giới, từ mọi chủng tộc, mọi ngôn ngữ; ÐÂY là cuộc họp của các giám mục, linh mục và giáo dân. Chiều hôm nay, tôi đã nhìn thấy nơi đây Lễ Hiện Xuống.
Các bạn thân mến, tôi đã may mắn biết được Ðức Hồng Y JOSEPH FRINGS. Sau khi đã đi hưu, ngài sống trong cùng nhà với Ðức Hồng Y Hoffner, người kế vị ngài. Một ngài kia, Ðức Hồng Y Frings được mời đến chủ tọa cuộc họp quan trọng của Misereor, tại Aix la Chapelle. Ngài đã mở đầu buổi họp với những lời như sau: Hôm nay, tôi đại diện cho người kế vị tôi. Mọi người cười vui vẻ và vỗ tay hoan hô. Giờ đây, tôi xin Ðức Hồng Y Roger Etchegaray đại diện cho người kế vị ngài, để khai mạc Ðại Hội Nghị. Xin cám ơn.