Sứ điệp của Ðức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Các Giáo Hội Ðông Phương gởi Hội Nghị Quốc Tế Các Giáo Hội Kitô miền Á Rập về Hòa Bình.
Như chúng tôi đã loan tin, hôm chúa nhật vừa qua mùng 7/06/98, Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình đã tới Bagdad, thủ dô Irak, để nhân danh Tòa Tòa Thánh tham dự Hội Nghị Quốc Tế lần thứ ba của các Giáo Hội miền Ả Rập về Hòa Bình, được khai mạc thứ Hai mùng 8/06/98, và bế mạc vào thứ Sáu 12/06/98.
Ðề tài của Hội Nghị lần này là "Giáo Hội phục vụ cho Hòa Bình và Nhân Loại". Trong bài thời sự nầy, chúng ta hãy theo dõi vài điểm chính trong sứ điệp của Ðức Hồng Y Silvestrini, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Ðông Phương, gửi cho các vị tham dự Hội Nghị.
Ðức Hồng Y nhận định về những điều kiện cần có để xây dựng Hòa Bình như sau: "Nền hòa bình nếu muốn là đích thực và bền bỉ, thì phải dựïa trên sự dấn thân thực hiện công bằng xã hội. Hơn nữa, cũng không thể có hòa bình, nếu không thực hiện cách cụ thể và hữu hiệu tình liên đới nhân loại". Trong sứ điệp Ðức Hồng Y Silvestrini cũng bày tỏ sự vui mừng về sự hiện diện của Ðức Hồng Y Roger Etchegaray, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, do lời mời của Hội Nghị và của Chính phủ Irak. Sự tham dự của Ðức Hồng Y Etchegaray là một dấu hiệu cụ thể cho sự lo lắng và sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với sáng kiến quan trọng của các Giáo Hội miền Ả Rập về hòa bình.
Sứ điệp của Ðức Hồng Y Slivastrini viết tiếp: Trong một đất nước nơi đã vang lên lời kêu gọi Abraham, người Cha của ba tôn giáo độc thần, Giáo Hội được mời gọi theo gương đức tin của Tổ Phụ Abraham sống phú thác hoàn toàn cho thánh ý Thiên Chúa, vừa đi đến gặp anh chị em và đối thoại với họ. Mọi dấn thân nhằm đến việc phục vụ con người và cách riêng phục vụ cho những ai cảm thấy mạng sống của mình bị đe dọa và bị tổn thương, (sự dấn thân đó) là một góp công vào việc xây dựng một xã hội trên công bình và trên tình yêu thương. Kinh nghiệm dạy chúng ta rằng: sự tín nhiệm vào Thiên Chúa có thể giúp chúng ta tìm ra những con đường luôn luôn mới mẻ để vượt qua các vấn đề và làm bớt những đau khổ. Cuộc gặp gỡ của anh chị em, những người đã tiếp xúc với đau khổ, biểu lộ sự tín nhiệm vào Thiên Chúa, nguồn mạch của mọi hy vọng. Anh chị em hãy lãnh nhận những đòi hỏi của cuộc đời, với sự hiểu biết và lòng quảng đại, với sự hăng say và tình nhân đạo; các tâm tình này, trong mọi thời đại, đã luôn luôn theo dõi công việc và hoạt động của các người thiện chí và có lương tâm ngay thẳng.
Ðức Hồng Y Tổng Trưởng nói lên niềm xác tín như sau: "Lời cầu nguyện của chúng ta được dâng lên Thiên Chúa cho tất cả những ai bị thử thách, để tình hình của những người đau khổ đừng trở nên trầm trọng hơn; không những vậy mà còn có thể gặp được những giải quyết tích cực cho các khó khăn, bằng con đường đối thoại, con đường của các lựa chọn khôn ngoan và can đảm, của việc tìm kiếm thành thực công ích cho mọi người.
Cuối cùng Ðức Hồng Y kết thúc sứ điệp với lời cầu chúc như sau: "Tôi cầu chúc cuộc gặp gỡ này, cuộc gặp gỡ mà tôi muốn hiệp thông cách thiêng liêng, có thể trở nên kiểu mẫu cụ thể cho việc làm cho thế giới biết đến những tình hình thực tế về các khó khăn mà dân tộc Irak đang gặp phải và làm cho thấy rõ ràng rằng việc cô lập Irak không thể kéo dài được nữa, nhưng trái lại cần phải tái lập những điều kiện căn bản của đời sống bằng việc tôn trọng phẩm giá con người, của mỗi một con người.
Năm ngày làm việc của Hội Nghị được chia như sau: ba ngày đầu dành cho các bài thuyết trình của các vị tham dự, và cho buổi cầu nguyện đại kết ; hai ngày sau dành cho các chuyến viếng thăm các nơi có tính cách lịch sử tôn giáo, như Babilonia và Ur của các người Caldê, quê hương của Tổ Phụ Abraham.
Ðức Hồng Y Etcharagay tham dự hội nghị Kitô chống cấm vận tại Iraq.
(AFP, Reuters 7/06/98) - Iraq (Baghdad) - Chúa Nhật 7/06/98, Ðức Hồng Y Roger Etchagaray, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình, đã tới thủ đô Baghdad của Iraq để tham dự một hội nghị Kitô tranh đấu cho biệc bãi bỏ lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc lên Iraq. Hội nghị này khai mạc vào thứ Hai 8/06/98, và Ðức Hồng Y Etchagaray tham dự trong tư cách là đặc sứ của ÐTC. Hiện nay, ngài cũng đang giữ chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban chuẩn bị Ðại Năm Thánh 2000 của Tòa Thánh.
Theo tin ghi nhận, trong thời gian lưu lại Baghdad, Ðức Hồng Y Etchagaray sẽ tìm hiểu các điều kiện nhắm chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của ÐTC Gioan Phaolô II đến thành phố UR, thuộc miền Nam Iraq. Theo Cựu Ước, UR là nơi sinh của tổ phụ Abraham. Trong một cuộc họp báo tại Roma cách đây một tháng, Ðức Hồng Y Etchagaray tiết lộ rằng để mừng kỷ niệm Ðại Năm Thánh 2000, ÐTC Gioan Phaolô II muốn thực hiện một chuyến công du tới các di tích được ghi chép trong kinh thánh. Một chuyến đi như thế sẽ đưa ÐTC tới các nước như Jordan, Israel, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Libăng. Riêng về chuyến đi thăm thành phố UR của Iraq, ÐTC ngỏ ý là ngài muốn viếng thăm thành phố này như là một cử chỉ tỏ lòng tôn kính tổ phụ Abraham, là nhân vật trong kinh thánh được cả ba tôn giáo là Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo, thừa nhận. Tuy nhiên toàn bộ chương trình vẫn còn đang trong giai đoạn dự tính và chuẩn bị mà thôi.
Liên quan tới hội nghị Kitô tại thủ đô Baghdad, các nhật báo xuất bản tại đây cho biết, có khoảng 100 nhân vật tôn giáo đến tham dự hội nghị kéo dài trong ba ngày này. ÐTC và Tòa Thánh đã nhiều lần công khai chỉ trích lệnh cấm vận kinh tế của Liên Hiệp Quốc đối với Iraq, bởi vì sự cấm vận này tuy nhắm vào nhà độc tài Saddam Hussein, nhưng chỉ gây ra những ảnh hưởng tai hại cho các thường dân vô tội mà thôi. Tháng trước trong một cuộc hội kiến với ÐTC và Tòa Thánh, ông Tareq Aziz, phó thủ tướng Iraq đã yêu cầu ÐTC can thiệp để lệnh cấm vận này được bãi bỏ. Về phần mình, Ðức Hồng Y Etchagary đã bày tỏ cảm nghĩ của ngài với các giới chức của hãng thông tấn Iraq như sau: "Tôi thông cảm với nỗi khổ đau của người dân phát sinh từ lệnh cấm vận. Hòa bình cần phải ngự trị tại tất cả mọi nơi trên thế giới và con người phải biết tránh những tai họa của chiến tranh.