Tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các Phong Trào Giáo Hội dịp lễ Hiện Xuống 31/05/98 tại Roma.
Roma 31.05.98 - Sáng Chúa Nhật 31.05.98, lúc 10 giờ, ÐTC chủ sự Lễ Hiện Xuống tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ÐTC có Ðức Hồng Y Roger Etchegaray Chủ tịch Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh 2000, Ðức Hồng Y James Francis Stafford, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Giáo Dân, Ðức Tồng Giám Mục Crescenzio Sepe, Tổng Thư Ký Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh và Ðức Giám Mục Stanislao Rylko, thư ký Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách giáo dân.
Trong thánh lễ, ÐTC ban Phép Thêm Sức cho 14 bạn trẻ: 5 nam, 9 nữ thuộc 12 quốc gia khác nhau.
Hầu hết đại diện các Phong Trào Giáo Hội còn ở lại tham dự Thánh Lễ, tuy có một số phải ra về ban đêm hoặc sáng sớm Chúa Nhật. Nhật báo Người Ðưa Tin (Il Messaggero) gọi Thánh Lễ sáng Chúa Nhật là: (Minireplica) Biến Cố Lặp Lại buổi gặp gỡ hôm chiều thứ Bảy 30/05/98, nhưng với tầm mức nhỏ hơn.
Thực sự không nhỏ bé gì. Các người tham dự thánh lễ chiếm tất cả Quảng Trường, ít ra từ 100 đến 120 ngàn. Các đoàn hành hương còn nhớ lời ÐTC mời gọi lúc kết thúc buổi gặp gỡ hôm chiều thứ Bảy 30/05/98 là: "Cha cảm ơn về buổi gặp gỡ hôm nay. Cha mời tất cả anh chị em dự thánh lễ ngày mai: Lễ Hiện Xuống".
Giảng trong thánh lễ, ÐTC đã nhắc đến bài ca "Veni Sancte Spiritus" Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến. Ðây là bài ca có từ hơn 4 thế kỷ nay, vẫn được hát lên trong ngày Lễ Hiện Xuống. Chúng ta hãy cùng nhau nghe lại (đọc lại) nguyên vẹn bài giảng nầy như sau:
1. "Tôi tin kính Ðức Chúa Thánh Thần, là Chúa và là Ðấng ban sự sống." Với những lời trên của Kinh Tin Kính Nicea-Constantinopoli, Giáo Hội tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần Ðấng An Ủi; đây là đức tin phát sinh từ kinh nghiệm của các tông đồ vào Ngày Lễ Ngũ Tuần. Ðoạn kinh thánh trích từ sách Tông Ðồ Công Vụ mà phụng vụ đề ra cho chúng ta suy niệm, nhắc lại những điều kỳ diệu đã được thực hiện trong ngày lễ Hiện Xuống, khi các tông đồ kinh ngạc nhìn thấy những lời Hứa của Chúa Giêsu đang được thực hiện. Theo đoạn trích phúc âm thánh Gioan vừa được công bố, Chúa Giêsu vào lúc sắp chịu thương khó đã bảo đảm rằng: Thầy sẽ xin cùng Cha và Ngài sẽ ban cho chúng con một Ðấng An Ủi, để hiện diện với chúng con luôn mãi (Gn 14,16). Ðây là "Ðấng An Ủi, là Chúa Thánh Thần mà Thiên Chúa Cha sẽ sai xuống nhân danh Thầy, Ngài sẽ dạy chúng con mọi sự và sẽ nhắc cho chúng con nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói cho chúng con" (Gn 14,26).
Và Chúa Thánh Thần, khi ngự xuống trên các tông đồ với sức mạnh phi thường, đã làm cho các tông đồ có khả năng rao giảng cho toàn thế giới giáo huấn của Chúa Giêsu. Lòng can đảm của các ngài đã trở nên to lớn, quyết định của các ngài thật vững vàng, đến độ các ngài sẳn sàng chấp nhận mọi sự, cả cho đến việc hiến dâng mạng sống mình. Hồng Ân Chúa Thánh Thần đã giải phóng những năng lực sâu xa nơi các tông đồ, làm cho các ngài dấn thân phục vụ cho sứ mạng đã được Ðấng cứu thế trao phó cho. Chúa Thánh Thần, Ðấng An Ủi, sẽ hướng dẫn các tông đồ trong công việc rao giảng phúc âm cho mọi người. Chúa Thánh Thần sẽ dạy cho các ngài biết trọn vẹn sự thật, từ kho tàng phong phú Lời Dạy của Chúa Kitô, để rồi đến phiên mình, các tông đồ sẽ thông truyền sự thật đó cho mọi người tại Giêrusalem và khắp nơi trên mặt đất.
2. Làm sao chúng ta không dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì những điều kỳ diệu mà Chúa Thánh Thần đã không ngừng chu toàn trong suốt hai ngàn năm đời sống kitô? Thật vậy, biến cố ân sủng của Ngày Hiện Xuống vẫn luôn tiếp tục làm phát sinh những hoa trái kỳ diệu của nó, vứa khơi dậy khắp nơi sự hăng say tông đồ, ước muốn sống đời chiêm niệm, dấn thân yêu thương và phục vụ Thiên Chúa và anh chị em với hết lòng tận tụy có thể. Ngày hôm nay, trong giáo hội, Chúa Thánh Thần tiếp tục nâng đỡ những hành động lớn nhỏ của sự tha thứ, nâng đỡ những hoạt động tiên tri, ban cho con người những ơn đoàn sủng và những hồng ân luôn mới mẽ, để làm chứng cho tác động liên lỉ của Ngài trong tâm hồn con người.
Bằng chứng hùng hồn cho điều vừa nói là buổi cử hành phụng vụ long trọng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, với sự hiện diện của thật nhiều thành viên của các phong trào và các cộng đoàn hiệp hội mới; các phong trào và các cộng đoàn mới nầy đang họp Hội Nghị Quốc Tế tại Roma trong những ngày qua. Và chiều thứ Bảy (30/05/98), áp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cũng tại chính quảng trường thánh Phêrô nầy, chúng ta đã sống qua một cuộc gặp gỡ không thể quên được, một cuộc gặp gỡ của Ngày Lễ, với những bài thánh ca, những lời cầu nguyện và những chứng từ. Chúng ta đã cảm nghiệm bầu khí của Ngày Hiện Xuống, làm cho ta nhìn thấy được sự phong phú không bao giờ cạn của Chúa Thánh Thần trong giáo hội. Những phong trào và những cộng đoàn mới, những thể hiện quan phòng của Mùa Xuân mới được Chúa Thánh Thần khơi dậy cùng với Công Ðồng Vatican II, tất cả kết thành lời loan báo cho sức mạnh của Tình Thương Thiên Chúa, Ðấng vượt qua được những chia rẽ và đủ mọi thứ ranh giới, và canh tân bộ mặt trái đất, để xây dựng lên trên đó nền văn minh của tình thương.
3. Thánh Phaolô đã viết cho cộng đoàn Roma (nơi thơ Roma chương 8 câu 14) như vừa được công bố nơi bài đọc thứ 2 của Phụng Vụ Lễ Hiện Xuống như sau: "Tất cả những ai được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đều là những con cái của Thiên Chúa" (Rom 8,14). Những lời nầy cung cấp thêm cho chúng ta những yếu tố để hiểu về tác động kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trong đời sống tín hữu chúng ta. Những lời nầy mở ra cho chúng ta con đường để đến với tâm hồn con người: Chúa Thánh Thần, mà giáo hội khẩn cầu để xin Ngài ban "ánh sáng cho các giác quan", Ngài đến viếng thăm con người trong cỏi nội tâm sâu xa và chạm trực tiếp đến cỏi thâm sâu của hữu thể con người.
Thánh tông đồ Phaolô viết tiếp như sau: "Nếu Chúa Thánh Thần ngự trong anh em, thì anh em không còn sống dưới sự thống trị của xác thịt nữa, nhưng dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần... Những ai được Thánh Thần hướng dẫn, thì họ là con cái của Thiên Chúa" (Roma 8,9.14). Chiêm ngắm hành động đầy huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần Ðấng an ủi, Thánh Phaolô viết thêm: "Anh em đã không lãnh nhận một tinh thần của kẻ nô lệ, nhưng đã lãnh nhận một tinh thần của người con mà nhờ qua đó chúng ta kêu lên: Abba, Lạy Cha. Chính Chúa Thánh Thần làm chứng cho tinh thần chúng ta biết rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa" (Roma 8,15-16). Chúng ta đang sống ở trung tâm của Mầu Nhiệm. Chính trong sự gặp gỡ giữa Chúa Thánh Thần và tinh thần của con người mà chúng ta gặp được tâm điểm của kinh nghiệm mà các tông đồ đã trải qua trong Biến Cố Hiện Xuống. Kinh nghiệm đặc biệt nầy hiện diện trong giáo hội, một giáo hội đã được phát sinh từ biến cố Hiện Xuống; và kinh nghiệm đẵc biệt đó luôn đồng hành với giáo hội qua suốt các thế kỷ. Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, con người khám phá cho đến tận cùng rằng bản tính thần thiêng của mình không bị che khuất bởi thể xác tính, nhưng ngược lại, chính Chúa Thánh Thần là Ðấng làm cho thân xác chúng ta có được một ý nghĩa đích thật. Thật vậy, nhờ sống theo sự hướng dẫn soi sáng của Chúa Thánh Thần, con người thể hiện một cách trọn đầy hồng ân mình được Thiên Chúa nhận làm con cái Ngài. Trong khung cảnh nầy, được giải đáp rõ ràng câu hỏi căn bản về mối tương quan giữa sự sống và sự chết, mà Thánh Phaolô gặp phải, khi ngài nói: "Nếu anh em sống theo xác thịt, anh em sẽ phải chết; nếu ngược lại, nhờ Chúa Thánh Thần trợ giúp, anh em làm cho những việc của xác thịt phải chết đi, thì anh em sẽ được sống" (Roma 8,13) Và quả thật đúng như vậy: việc sống tuân phục Chúa Thánh Thần cống hiến cho con người những dịp may liên tục để sống.
4. Anh chị em rất thân mến, Tôi lấy làm vui mừng to lớn được chào chúc anh chị em tất cả đã muốn hiệp ý với Tôi để cảm tạ Chúa vì hồng ân Chúa Thánh Thần. Ngày lễ Hiện Xuống nầy, ngày lễ hoàn toàn có chiều kích truyền giáo, mở rộng tầm nhìn của chúng ta đến toàn thể thế giới, với ý nghĩ đặc biệt hướng về nhiều nhà truyền giáo, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân, đang tiêu hao cuộc sống, thường trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, để phổ biến sự thật Phúc âm.
Tôi xin chào chúc tất cả những ai đang hiện diện nơi đây: quý vị hồng y, quý chư huynh trong hàng giám mục và linh mục, và nhiều anh chị em thuộc về những hội tu dòng tu của đời tận hiến và tông đồ, chào chúc những người trẻ, những anh chị em bệnh nhân, và nhất là những anh chị em từ thật xa xôi đến đây để tham dự vào buổi lễ long trọng nầy.
Tôi đặc biệt nghĩ đến các phong trào và các cộng đoàn mới, mà ngày hôm qua đã gặp nhau, và hôm nay tôi còn thấy các thành viên còn có mặt thật đông ở đây. Tôi cũng nghĩ đến đặc biệt những bạn trẻ sắp lãnh nhận bí tích Thêm Sức và Thánh Thể trong Thánh Lễ nầy.
Chúng con thân mến, những lời của thánh tông đồ Phaolô mở ra cho mỗi người chúng con những viễn tượng gây phấn khởi biết là chừng nào! Qua những cử chỉ và những lời của bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ được trao ban cho chúng con. Ngài sẽ hoàn tất trọn vẹn việc làm cho chúng con trở nên giống Chúa Kitô, một việc đã được bắt đầu với bí tích Rửa Tội, để làm cho chúng con trở nên trưởng thành trong đức tin và trở thành những chứng nhân can đảm và đích thật của Chúa Phục Sinh. Với bí tích Thêm Sức, Chúa Thánh Thần Ðấng an ủi mở ra trước mắt chúng con con đường khám phá càng ngày càng nhiều ơn ơn sủng được làm con cái của Thiên Chúa, làm cho chúng con trở thành những kẻ đi tìm sự thật với lòng tràn đầy vui mừng. Thánh Thể, của ăn ban sự sống đời đời, mà lần đầu tiên chúng con sẽ nếm lấy, làm cho chúng con sẵn sàng yêu mến và phục vụ anh chị em, có khả năng trao ban những dịp sống và hy vọng, được tự do khỏi sự thống trị của xác thịt và sợ hải. Khi để cho Chúa Giêsu hướng dẫn, chúng con có thể cảm nghiệm được một cách cụ thể trong đời sống chúng con tác động kỳ diệu của Thánh Thần của Chúa, mà Thánh Tông Ðồ Phaolô đã nói đến nơi chương 8 của thơ ROMA. Bản văn nầy, có nội dung hết sức thời sự trong năm 1998 nầy là năm dành cho Chúa Thánh Thần. Chúng con hãy chăm chú đọc lấy, để tôn vinh hành động mà Thánh Thần của Chúa Kitô chu toàn trong mỗi nguời chúng con.
5. Veni Sancte Spiritus! Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến! Bài ca tiếp liên tích chứa một nền thần học phong phú về Chúa Thánh Thần và đáng chúng ta suy niệm, theo từng đoạn một. Trong bài giảng nầy, chúng ta hãy dừng lại nơi những chữ dầu tiên: Veni. Xin hãy ngự đến. Lời nầy nói lên sự mong đợi của các tông đồ, sau khi Chúa đã lên trời.
Trong sách tông đồ công vụ, Thánh sử Luca trình bày cho chúng ta thấy các tông đồ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly để cầu nguyện, cùng với Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu (x. TÐCV 1,14). Thử hỏi có lời nào tốt đẹp hơn lời nầy để diễn tả lời cầu nguyện của các tông đồ: Xin Chúa hãy ngự xuống. Veni, Sancte Spiritus! Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự xuống! Ðây là lời khẩn cầu cùng Ðấng mà ngay từ khởi đầu vũ trụ đã bay là là trên mặt nước (x. STK 1,2) và là Ðấng mà Chúa Giêsu đã hứa ban cho các tông đồ như Ðấng An Ủi.
Tâm hồn của Mẹ Maria và của các tông đồ trong giây phút đó đều hướng đến việc Chúa Thánh Thần ngự xuống, với một tâm tình vừa tràn đầy đức tin sốt mến, vừa tuyên xưng sự yếu đuối thiếu sót của con người. Lòng đạo đức của giáo hội đã giải thích và thông truyền tâm tình nầy trong bài ca: Lạy Chúa Thánh Thần, Xin Ngài hãy ngự xuống! Các tông đồ biết rõ rằng công việc mà Chúa Kitô đã trao phó cho là một công việc nặng nề, nhưng lại là một công việc có tính cách quyết định cho lịch sử cứu rỗi của nhân loại. Thử hỏi các ngài sẽ có thể hoàn thành công việc đó hay không? Chúa trấn an tâm hồn các ngài. Trong mọi bước đường thi hành sứ mạng rao giảng và làm chứng cho phúc âm, cho đến tận cùng trái đất, các ngài có thể tin tưởng cậy dựa vào Chúa Thánh Thần được Chúa Kitô hứa ban. Nhớ lại lời hứa của Chúa Kitô, trong những ngày từ lúc Chúa lên trời cho đến ngày Hiện Xuống, các tông đồ tập trung mọi tâm tình và tư tưởng mình về lời cầu xin: Lạy Chúa xin hãy ngự đến.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự đến! Bắt đầu lời cầu nguyện của mình dâng lên Chúa Thánh Thần như vậy, Giáo Hội lấy lời cầu xin của các tông đồ hiệp nhau với Mẹ Maria trong nhà Tiệc Ly, làm như lời cầu xin của chính mình. Hơn thế nữa, Giáo Hội kéo dài lời cầu xin đó trong lịch sử và làm cho lời cầu xin đó luôn luôn thời sự. Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngài ngự xuống. Như thế, khắp mọi nơi trên mặt đất, Giáo Hội tiếp tục cầu xin như vậy, với lòng sốt mến không thay đổi, với ý thức vững chắc mình phải ở lại trong nhà tiệc ly - trong tinh thần - để chờ đợi Chúa Thánh Thần ngự xuống. Nhưng đồng thời, Giáo Hội biết rằng mình phải ra đi khỏi Nhà Tiệc Ly, trên khắp mọi nẻo đường thế giới, với trách vụ luôn mới mẽ làm chứng cho mầu nhiệm Chúa Thánh Thần.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện hiệp ý với Mẹ Maria: Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngài ngự đến. Mẹ Maria là đền thờ của Chúa Thánh Thần, nơi cư ngụ hết sức quý báu của Chúa Kitô giữa chúng ta; xin Mẹ hãy giúp chúng ta trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần và trở nên những chứng nhân không biết mệt mỏi của Phúc Âm Chúa.
Lạy ChúaThánh Thần, xin hãy ngự đến. Amen.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 12:30 trưa. Trước khi ban Phép Lành cuối lễ, ÐTC nói thêm vài lời huấn đức, rồi cất hát Kinh Lạy Nữ vương Thiên Ðàng cùng với tất cả mọi người hiện diện.
Anh chị em rất thân mến,
Chúng ta sắp kết thúc buổi cử
hành thánh thể long trọng nầy, một
cử hành làm cho chúng ta sống
lại Mầu Nhiệm lễ Hiện Xuống.
Một cách nào đó, việc cử
hành long trọng nầy đã được
chuẩn bị bởi cuộc gặp gỡ
ngày hôm qua với thật đông
những đại diện cho những phong
trào và những cộng đoàn
hiệp hội mới trong giáo hội. Vẫn
còn hiện diện trong tâm hồn cha dư
âm sống động của sự hăng
say to lớn trong những giờ phút
đã trải qua chung với nhau, vừa
khẩn cầu xin Chúa Thánh Thần ngự
xuống. Chúng ta hãy cảm tạ Thiên
Chúa vì Mùa Xuân Giáo Hội,
đã được sức mạnh
canh tân của Chúa Thánh Thần khơi
dậy.
Nơi trung tâm của "Nhà Tiệc Ly Roma và Phổ Quát nầy", chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện đặc biệt của Mẹ Maria rất thánh, Mẹ Chúa Giêsu. Chúng ta muốn trao phó cho sự hướng dẫn của Mẹ những bạn trẻ mà Tôi đã vui mừng trao ban bí tích Thêm Sức và Thánh Thể, vài phút trước đây. Chúng ta hãy trao phó cho Mẹ, Nữ Vương các Tông Ðồ, những phong trào và những hình thức mới để dấn thân làm việc truyền giáo, những hình thức mới được xuất hiện trong những năm gần đây. Chúng ta hãy đặt vào tay Mẹ sứ mạng phổ quát của toàn thể Giáo Hội, một giáo hội từ ngày Lễ Hiện Xuống luôn tiếp tục con đường của mình qua các thế kỷ, với sức mạnh luôn được canh tân, để mang phúc ăm cứu rỗi đến mọi nơi trên mẵt đất nầy. Chính trong khung cảnh nầy mà cha vui mừng nhấn mạnh rằng ngày hôm nay cha đã ký nhận sứ điệp cho Ngày Quốc Tế Truyền Giáo sắp đến. Cha xin trao phó trong tinh thần, (trao phó) sứ điệp đó cho tất cả anh chị em hiện diện nơi đây và cho toàn thể giáo hội, với lời cầu chúc sao cho sứ điệp nầy có thể góp phần vào công cuộc tái rao giảng phúc âm trong viễn tượng của ngàn năm thứ ba gần kề.
Ðến đây, ÐTC chào chúc bằng tiếng Anh như sau:
Cha chào chúc tất cả anh chị em hiện diện nơi đây để cử hành lễ Hiện Xuống. Xin Chúa Phục Sinh canh tân nơi anh chị em hồng ân bảy ơn Chúa Thánh Thần. Anh chị em hãy mở rộng tâm hồn rộng hơn nữa, để đón nhận Chúa Thánh Thần, ngõ hầu anh chị em có thể trở thành những chứng nhân can đảm của Phúc âm.
Rồi bằng tiếng Pháp, ÐTC nói như sau:
Trong ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, trong đó Giáo Hội cầu xin cùng Chúa Thánh Thần để được ơn can đảm mang Phúc âm đến tận cùng trái đất. Cha xin ngỏ lời chào chân thành đến những thành viên của các phong trào, và chào tất cả những anh chị em hành hương nói tiếng Pháp đang có mặt tại Roma nầy, cũng như chào tất cả những anh chị em tín hữu đang hiệp thông với chúng ta nhờ qua những phương tiện truyền thông xã hội.
Buổi cử hành long trọng được kết thúc với Phép Lành của ÐTC.