Ðiểm báo ngày 31/05/98 về cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các Phong Trào Giáo Hội ngày Vọng Lễ Hiện Xuống tại Roma.
Roma 31.05.98 - Cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các Phong Trào Giáo Hội chiều thứ Bẩy 30/05/98 đã thành công tốt đẹp và gây tiếng vang sâu rộng nơi các phương tiện truyền thông xã hội. Các báo lớn xuất bản tậi Ý sáng Chúa Nhật 31/05/98 đã dành nhiều trang, với nhiều hình ảnh và nhiều bài tường thuật về cuộc gặp gỡ mà chính ÐTC gọi là chưa hề có trong lịch sử Giáo Hội và cũng có thể nói là cuôïc gặp gỡ lịch sử đối với các Phong Trào Giáo Hội, sau những năm khởi đầu, nay đã đến lúc trưởng thành và trở nên một Mùa Xuân mới của Giáo Hội và của cả thế giới, sau Công Ðồng Chung Vatican II (1962-1965).
Theo Ban Tổ Chức của Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách Giáo Dân, con số chính thức ghi tên tham dự là 150 ngàn; nhưng theo các báo chí, đài phát thanh và truyền hình, cả Nhật Báo Quan Sát Viên Roma (L'Osservatore Romano), cơ quan bán chính thức, số đặc biệt ra ngày Chúa Nhật 31.05.98, thì số người tham dự cuộc gặp gỡ và cầu nguyện chiều thứ Bẩy lên tới 500 ngàn.
Báo Quan Sát Viên Roma đã viết với tựa lớn cả trang đầu như sau: "Quảng trường Thánh Phêrô: Nhà Tiệc Ly của việc tái rao giảng Tin Mừng". "500 ngàn đại diện các Phong Trào Giáo Hội và các Cộng Ðồng mới, gặp ÐTC Gioan Phaolô II trong ngày Vọng Lễ Hiện xuống! Trong bài, tờ báo Vatican nhấn mạnh lại như sau: "500 ngàn người đến quảng trường Thánh Phêrô để tham dự cuộc gặp gỡ chưa hề có giữa ÐTC Gioan Phaolô II và các Phong Trào và các Cộng Ðồng mới. Chính họ là những nguời làm cho buổi chiều thứ Bẩy 30.05.98, Ngày Vọng Lễ Hiện Xuống, trở nên huy hoàng trong Năm dành kính Chúa Thánh Thần, trong bối cảnh chuẩn bị Năm Ðại Toàn Xá 2000, nay đã gần kề".
Quảng Trường Thánh Phêrô trở nên Nhà Tiệc Ly của việc tái rao giảng Tin Mừng. Mọi tín hữu, và cả những người không có đức tin, cũng cảm thấy mình bị xúc dộng trước từng ngàn người đến đây để cầu nguyện. Từ sáng sớm, sau cuộc hành trình ban đêm, các người hành hương "tràn vào Roma" với tâm tình chứa chan niềm vui và hiệp nhất trong lời cầu nguyện với Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới: đây là những người nam nữ, là những thanh niên, là những nguời già cả. Họ đến để cầu nguyện, để "videre Petrum" để được thấy Phêrô", như những người hành hương thuở xưa. Ðây là cuộc hành hương đem lại hy vọng trong tương lai cho nhân loại đang bước vào Ngàn Năm mới: một tương lai sống dưới bầu trời không có những đám mây đen tối bao phủ; những đám mây đen này đã được làn gió của Chúa Thánh Thần quét sạch đi rồi: làn gió này nay đang thổi trên Roma, một lần nữa là trung tâm của thế giới".
Nhật báo Người Ðưa Tin (Il Messaggero) số ra ngày Chúa Nhật 31.05.98, và có khuynh hướng trung lập, nhưng không phải là tờ báo thiên Giáo Hội, đã dành hai trang đặc biệt để tường thuật về cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và các Cộng Ðồng Giáo Hội chiều thứ Bẩy 30/05/98.
Nơi trang 6, tờ báo Roma viết với tựa lớn: Tuy có hơn 200 ngàn khách hành hương đến, nhưng Roma nắm vững tình hình. Năm Thánh sẽ đến. Trước đây người ta sợ lộn xộn, rối trật tự; nhưng cuộc thử thách hôm qua cho thấy Roma đã biết đối phó với những khó khăn. Ðây là một ngày đại lễ, đây là một chiến thắng tốt đẹp cho Thành Roma. Không có sự hỗn loạn nào. Từng ngàn xe ca tiến vào Thành Roma trong trật tự. Giao thông không bị tắc nghẽn. Từng đoàn hành hương tiến vào quảng trường vừa đi, vừa hát, vừa cầu nguyệïn, để chờ đợi được gặp ÐTC. Roma đã qua cơn thử thách. Không có một rối loạn trật tự nào như nguời ta lo sợ.
Bài khác, cũng nơi trang 6, tờ Người Ðưa Tin (Il Messaggero) viết như sau: "Từ 6 giờ sáng, các nhân viên an ninh đã bắt đầu làm việc. Tại Văn Phòng Ðiều Hành ở Tòa Thị Sảnh Roma, luôn luôn có liên lạc trực tiếp với các đội an ninh và tự nguyện được rải rác tại những điểm nóng của Thành Phố, để giải quyết kịp thời những trường hợp khẩn trương. Tất cả các xe ca, sau khi đổ khách xuống Ðại Lộ Hòa Giải (Concilazione), phải đi thẳng đến các trạm đậu xe, do thị xã ấn định. Mỗi tài xế được cấp phát một bản đồ Thành Phố với những bải đậu xe. Cả những xe bán thực phẩm, giải khát... chung quanh Quảng Trường Thánh Phêrô phải rời xa: đây cũng là một biện pháp an ninh, ngoài việc tránh lạm dụng cơ hội khai thác khách hành hương.
Nơi trang 7, tờ báo còn đăng thêm ba bài: Bài nhất nói đến đức tin của các người hành hương: "Sức mạnh của Ðức Tin, hai ngày trên xe ca từ Ba Lan đến Roma" . Trong bài, tác giả kể lại một cụ già, 90 tuổi, người Pháp, tên là Robert Bonnetay, từ Marseille đến Roma hành hương trong dịp này. Cụ nói: Cho tôi xem Roma. Sau 18 giờ trên xe lửa, cụ tới Roma và nhắc lại lần nữa: Cho tôi xem Roma. Thấy Roma, cụ nói: Thật là một thành phố xinh đẹp. Bài báo kể tiếp: Cụ đến không phải chỉ để thấy Roma. Cụ muốn đến Quảng Trường cầu nguyện với dân chúng và muốn được thấy "Vị Kế Nghiệp Thánh Phêrô" nữa. Chiều hôm qua, cụ đã toại nguyện.
Cũng trong bài này, tác giả kể lại chuyện khác minh chứng sức mạnh của Ðức Tin: Một trong các đoàn hành hương đến Quảng Trường đầu tiên sáng thứ Bẩy vào lúc 7:30 là đoàn hành hương của Cha Sở Roman Trzcinski, thuộc giáo phận Varsovie bên Ba Lan. Xe ca của đoàn đã đến trạm đậu ở Agnanina, cách Roma khoảng 25 cây số. Một hành trình rất dài. Ðoàn khác gồm 750 đoàn viên của Phong Trào Focolarini cũng từ Ba Lan đến. Ðoàn này khởi hành từ Ba Lan vào lúc 5 giờ sáng thứ Năm 28/05/98.
Tác giả kể một chứng nhân khác: Cô Maria đến từ Ðức quốc. Cô nói: "Giáo hội sống động. Chúng ta hết thảy là Giáo Hội. Tác giả bình luận: Ðúng như vậy. Trên Metro, tôi gặp một đoàn thanh niên người Napoli (nam Ý) và đoàn khác đến từ Hamburg (Bắc Ðức) nhẩy múa với nhau như bạn thân, dù họ không biết tiếng của nhau. Thực Giáo Hội Công Giáo liên kết mọi người trong đức tin, trong tình huynh đệ.
Ðoàn thanh niên khác thuộc miền Romagna (bắc Ý) thuật lại: Chúng tôi đã tham dự Ngày Thế Giới Thánh Niên tại Denver (Hoa Kỳ) và tại Paris năm ngoái, nhưng chúng tôi thấy việc tổ chức Roma hôm nay đây hoàn hảo hơn. Tại đây chúng tôi thấy tinh thần hiếu khách và việc tổ chức chu đáo.
Trong bài báo thứ ba, Il Messaggero thuật lại bài giảng của ÐTC: "Anh chị em là một sự mới lạ trong Giáo Hội, là Mùa Xuân của Giáo Hội - Từ nơi anh chị em, phát xuất lời đáp lại cho thách đố của Ngàn Năm thứ ba, nhưng anh chị em phải vâng phục các vị Chủ Chăn Giáo Hội".
Tờ Thời Báo Roma (Il Tempo di Roma) thuộc khuynh hướng thiên hữu, và có thiện cảm Giáo Hội, cũng dành hai trang đặc về biến cố chiều thứ Bẩy 30/05/98 tại Quảng Trường Thánh Phêrô.
Nơi trang hai , báo này để hình ÐTC trên xe Jeep, chạy qua các ngã đường của Quảng Trường, để chào và ban phép lành cho dân chúng. Trên hình bự này, Il Tempo viết với tít thật lớn: Chúa Thánh Thần thổi đâu Người muốn. Dòng phụ đề ghi thêm: 500 ngàn thanh niên tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô, để cầu nguyện cho Năm Ðại Toàn Xá. Trong bài, tờ báo Roma đăng nguyên văn bài diễn văn của ÐTC đọc cho các Phong Trào và các Cộng Ðồng mới chiều thứ Bẩy 30/05/98.
Trong bài hai, cũng trang 2, Il Tempo di Roma viết: Roma trở thành "trung tâm của thế giới". Một làn gió mát cho thấy tính cách hữu hình của Giáo Hội thời ÐTC Gioan Phaolô II đã được lấy lại. Tác giả bài báo sánh đoàn người hành hương tuốn đến Quảng Trường Thánh Pherô chiều thứ Bẩy 30/05/98 như các đoàn thanh niên tuôn đến Paris tháng 8/1997 năm ngoái nhân Ngày Thế Giới Thanh Niên. Tác giả viết thêm: Ngoài những ca vũ và buổi canh thức Ngày Vọng Lễ Hiện Xuống, sự kiện lớn hơn cả của chiều hôm thứ Bảy 30/05/98 là cuộc gặp gỡ của ÐTC với từng ngàn đoàn hành hương đến Roma, để "videre Petrum" (thấy Phêrô). Tác giả bình luận: Ðây không phải là một cuộc tổ chức thử, một cuộc thí nghiệm Năm Ðại Toàn Xá; nhưng là chính bức tranh của một Toàn Xá được tạo thành bằng việc cầu nguyện, bằng sự trở lại và bằng các bí tích. Lễ Hiện Xuống mới hôm qua ở Quảng Trường Thánh Phêrô đã là một sự việc vĩ đại, một sự việc đáng đề cao. Các người công giáo ra khỏi các nhà thờ, các phòng áo, để hô lớn cho thế giới ngày nay chìm đắm trong tinh thần tiêu thụ vật chất là các giá trị và hạnh phúc ở chỗ khác, ở nơi Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại.
Nơi trang ba: Il Tempo di Roma để nhiều hình của buổi gặp gỡ chiều thứ Bẩy 30/05/98 và các bài khác nhau, như bài: "Niềm hân hoan tràn ngậïp Quảng Trường Thánh Phêrô" - Bài: "Các tự nguyện (khoảng 1,500 người) giơ tay đón tiếp nồng hậu các đoàn hành hương". Rồi bài: Các tín hữu đến từ khắp nơi trên thế giới tham dự Ngày Vọng lễ Hiện xuống".