ÐTC tiếp chung nhóm thứ năm của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ đến Roma viếng thăm Tòa Thánh.
Vatican - 30.05.98 - Chuyến viếng thăm Tòa Thánh ("Ad Limina") của Nhóm thứ năm của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ, gồm ba Giáo Tỉnh Chicago, Indianapolis và Milwaukee, được kết thúc sáng thứ Bẩy 30/05/98 bằng thánh lễ đồng tế với ÐTC trong nhà nguyện riêng của ngài và bằng diễn văn dược trao cho mỗi vị, thay vì đọc chung.
Trong diễn văn, ÐTC nhấn mạnh đến vấn đề các trường học công giáo tại Hoa Kỳ. Các trường này đã ăn rễ sâu trong hệ thống giáo dục toàn quốc, trên mọi cấp bậc. ÐTC viết: Các trường học công giáo ngày nay được mời gọi đóng một vai trò hàng đầu trong việc góp công vào việc canh tân trí tuệ và luân lý của nền văn hóa Hoa kỳ".
Sau đó, ÐTC nhắc lại lịch sử các trường công giáo tại Hoa kỳ: nguồn gốc của các trường công giáo có từ thời lập quốc, khi Ðức Tổng Giám Mục John Carroll khuyến khích ơn gọi về giáo dục của Thánh Elisabeth Seton và lập trường công giáo đầu tiên, và từ hơn 200 năm nay các trường tiểu học, trung học, cao học, đại học... được thành lập tiếp theo và tăng số. Các trường này là dụng cụ có giá trị trong việc giáo dục các thế hệ tiếp theo của các người công giáo và trong việc rao giảng các chân lý đức tin, bằng việc cổ võ sự tôn trọng con người và bằng việc phát triển các đức tính luân lý của các học sinh và sinh viên".
ÐTC nhấn mạnh đến một số đòi hỏi nền tảng của các trường công giáo, đó là cái nhìn rõ ràng về sứ mệnh giáo dục của Giáo Hội Công Giáo - việc phát triền con người của học sinh, sinh viên - việc trình bày giáo huấn của Chúa Kitô, theo sự giải thích trung thực của Quyền Giáo Huấn Giáo Hội, với tất cả sự phong phú của giáo huấn nầy. Trên nền tảng của truyền thống này, các học viện và các đại học công giáo có thể đem đến một sự đóng góp quan trọng cho việc canh tân nền giáo huấn tại Hoa kỳ.
ÐTC nhắc lại rằng: mục đích của giáo dục công giáo không những là thông truyền những kiến thức nhất định, nhưng còn thông truyền cho học sinh, sinh viên "cái nhìn Kitô về thế giới, về đời sống , về văn hóa và lịch sử". Trong những giáo huấn này có cả phẩm giá mỗi một con người và việc hiến thân phục vụ các người nghèo khổ và cả chứng tá đời sống của các giảng viên và các người lớn nữa.
ÐTC kết thúc: Các đại học công giáo hơn nữa phải đi tiên phong trong việc đối thoại được canh tân giữa khoa học thực nghiệm và các chân lý đức tin. Như vậy cũng còn có bổn phận làm cho thế hệ trẻ hiểu rằng: tự do hệ tại nhất là trong việc có khả năng đáp lại những đòi hỏi của chân lý. Và trong một số trường hợp đã mất đi sự tín nhiệm đối với giáo huấn, thì - theo lời kêu gọi của ÐTC - "Các Ðức Cha phải làm hết sức để tái lập sự tín nhiệm này".