ÐTC chủ sự thánh lễ Phong Chân Phước vào Chúa Nhật mồng 10 tháng 05/1998 tới đây.
Vatican - 04.05.98 - Chúa nhật mồng 10 tới đây ÐTC sẽ chủ sự Thánh Lễ Phong Chân Phước cho 12 Vị Ðầy Tớ Chúa, trong đó có một Ðan Sĩ Maronite, người Liban, tên là Nimatullah Al. Hardini Youssef Kassab - một Nữ Tu thuộc Dòng Carmel: Maria Maravillas de Jesús, người Madrid (Tây Ban Nha) và 10 Nữ Tu thuộc các Dòng khác nhau, bị cộng sản sát hại trong thời kỳ nội chiến Tây Ban Nha năm 1936.
Ðan Sĩ Maronite vào Dòng lúc 20 tuổi, thụ phong linh mục năm 1835; sau đó được bổ nhiệm làm giám đốc Học Viện của Dòng Maronite. Ngài luôn luôn bên cạnh người dân trong hai thời kỳ nội chiến tại Liban năm 1840 và năm 1845, rồi trong những biến cố đẫm máu năm 1860, lúc nhiều tu viện, nhiều nhà thờ bị phá hủy, nhiều tín hữu công giáo Maronites bị sát hại.
Cha Nimatullah Al-Hardini Youssef Kassab đã nhiều lần làm cố vấn của Dòng Maronite; nhưng điều hãnh diện hơn cả là Vị Chân Phước mới có một người học trò cũng thuộc Dòng Maronite đã được ÐTC Phaolô VI tôn phong lên Bậc Hiển Thánh năm 1977, Thánh Chabel Maklouf. Cha Nimatullah Al-Hardini Youssef Kassab đã hy sinh hầu hết tất cả cuộc đời cho việc giáo huấn và mục vụ. Ngài qua đời vì bệnh phổi. Vụ làm án phong Chân phước được bắt đầu năm 1926 cùng với học trò cùa ngài: Ðan sĩ Chabel Makluof và Nữ Chân Phước Rafqa, cũng thuộc Dòng Maronite, ngành Nữ.
Về ý nghĩa lễ phong Chân phước cho Ðầy tớ Chúa Nimatullah Al-Hardini Youssef Kassab, Ðức Cha Bechara Rai, tuyên bố trên đài Vatican, hôm thứ Hai 4.05.98 như sau:
"Chắc chắn có hai ý nghĩa này: Trước hết, ý nghĩa Giáo Hội, bởi vì đây là một thời điểm khác nữa của ơn thánh cho Liban, cho Giáo Hội tại Liban và cho tất cả các tín hữu Liban. Trong thời điểm khó khăn như vậy, thời điểm mọi người lo lắng về tương lai đất nước, và đây là một dấu hiệu khác từ Trời nơi con người của Chân Phước Nimatullah Al-Hardini Youssef Kassab. Một lần nữa từ Ðất Liban của chúng tôi, phát xuất một vị Thánh, không phải cho chính mình mà cho tất cả cộng đồng và làm nổi bật giá trị cho một dân tộc biết minh chứng Chúa Kitô, minh chứng cho sự cứu rỗi của thế gian, minh chứng cho các giá trị thiêng liêng trên thế giới này. Ðây là điểm nằm trong bối cảnh của Thượng Hội Ðồng về Á Châu, một Thượng Hội Ðồng lo lắng cách riêng về điểm này: rao giảng Chúa Kitô như Ðấng Cứu Thế của thế gian trong các thực tại Á Châu. Người ta nói nhiều đến việc hội nhập văn hóa, đến việc rao giảng Tin Mừng, Chân Phước mới đem đến những chiều kích này của Giáo Hội".
Ðức Cha nói tiếp: "Rồi có một ý nghĩa khác nữa hoàn toàn có tính cách Liban. Tôi thiết tưởng: ÐTC đã muốn lễ nghi Phong Chân phước diễn ra ngày 10 tháng 5: ngày kỷ niệm đúng một năm chuyến viếng thăm của ngài tại Liban; như vậy để nhắc nhở cho người dân Liban chuyến viếng thăm này, chuyến viếng thăm liên kết chặt chẽ với việc công bố và trao chính thức Văn Kiện Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Về Liban. Tông thư này là một hy vọng mới cho Liban. Chuyến viếng thăm của ÐTC đốt nóng tâm hồn người Liban và nhắc lại cho họ sự quan trọng của Thượng Hội Ðồng về Liban. Với Vị Chân Phuớc mới chúng tôi ước mong rằng Giáo Hội có thể đem áp dụng những gì mà Chúa Thánh Thần đã nói lên qua Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Liban cho Giáo hội và cho xã hội Liban".
10 Vị Nữ Tu tử đạo thời nội chiến Tây Ban Nha được phong Chân Phưóc.
Vatican - 7.05.98. Chúa Nhật 10/05/98 tới đây, ÐTC chủ sự thánh lễ tôn phong Chân Phước cho 12 Ðầy tớ Chúa. Trong bản tin trước đây, chúng tôi đã nhắc đến hai vị: Ðan sĩ Nimatullah Al-Hardini Youssef Kassab , người Liban và Maria Maravillas de Jesus, Dòng Carmel, người Tây Ban Nha.
Trong bản tin hôm nay, chúng tôi xin nói về 10 Nữ tu, tất cả là người Tây Ban Nha, bị sát hại vì đức tin trong cuộc nội chiến Quốc-Cộng, khởi sự từ năm 1931, nhưng trở nên khốc liệt vào những năm từ 1936-1939.
Nhóm 7 Nữ Tu thuộc Dòng Ðức Bà đi viếng (Visitandines): Mẹ Gabriela Hinojosa và 6 Nữ Tu cùng Dòng bị giết tháng 11 năm 1936. Mẹ và các Nữ Tu này lúc đó đang ở Tu Viện Madrid. Nhiều nhà thờ, nhà Dòng bị bao vây, hoặc bị đốt phá từ năm 1931. Thấy rằng: nếu ở lại Madrid sẽ rất nguy hiểm cho mạng sống, các Nữ Tu di chuyển về Navarra, để lại mẹ Gabriela Hinojosa và 6 chị em khác tại Madrid giữ Tu Viện, đồng thời cũng trù liệu một nơi trú ẩn nếu tình hình nguy ngập. Nhưng chiều ngày 18.11.1936, một đội quân của FAI (Federacion Anarquica Iberica) đột nhập vào Tu Viện bắt tất cả mọi người và chở đi trên xe vận tải gồm mẹ Gabriela Hinojosa và 6 Nữ Tu. Sau đó ít phút đội quân này bắn chết 7 Nữ tu trong một khu đất gần con đưòng Lopez de Hoyos.
Hai Nữ Tu khác tử đạo được tôn phong lên bậc Chân Phước Chúa Nhật 10/05/98 tới đây là Rita Dolores Pujalte Sanchez và Francesca Aldea Araujo, cả hai thuộc Dòng Bác Ái Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tu hội này được thành lập tại Madrid thủ đô Tây Ban Nha năm 1877. Ngày 20.07.1936, quân cách mạng tấn công vào nhà Dòng, đập cửa và bắn phá lung tung. Rồi họ chở đi hai Nữ Tu trên xe tiến ra vùng ngoại ô Madrid, bắt hai Nữ Tu xuống khỏi xe và bắn chết. Nữ Tu Rita Dolores lúc đó 83 tuổi và Nữ Tu Francesca 55 tuổi. Năm 1954, khi cải táng đem về chôn cất tại nhà nguyện của Tu Viện ở Madrid, xác của hai Nữ Tu còn nguyên vẹn và xông mùi thơm.
Nữ Tu sau cùng trong số 10 Chân Phước Tử Ðạo là Maria Sagrado de San Luis Gonzaga, tên đời là Elvira Moragas Cantarero, thuộc Dòng Carmel, cũng bị giết trong thời nội chiến Tây Ban Nha. Trước khi vào Dòng, Chị là một dược sĩ và là người phụ nữ đầu tiên của Tây Ban Nha đậu tiến sĩ về ngành này. Năm 1934, Chị bỏ áo trắng của một dược sĩ để vào Dòng Carmel. Tại đây trong 21 năm Chị làm những công việc thường hằng ngày và đơn sơ, đối với con mắt người đời hầu như không có giá trị gì cả, những sáng ngời bằng sự trung thành và tinh thần đức tin, bằng lòng yêu mến Chúa; sau cùng được thưởng bằng triều thiên tử đạo. Ðêm ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1936, Nữ Tu Maria bị bắt đem ra khỏi Tu Viện Thánh Anna và Thánh Giuse ở Madrid và sau ít giờ bị đấu tố hết sức dã man, rồi bị bắn chết tại Pradera de San Isidoro.