Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 15/02/98: sứ điệp của hai thánh Cyrillô và Mêthođiô.
Kinh Truyền Tin Trưa Chúa Nhật 15/02/98: ÐTC đã nhắc đến sứ điệp của hai thánh Cyrillô và Mêthođiô, đồng quan thầy của Âu Châu cùng với thánh Biển Ðức. Ðó là sứ điệp cũng cố sự hiệp nhất giáo hội và xây dựng một Âu Châu biết kính trọng nhân quyền và thực thi tình liên đới với các dân tộc của các đại lục khác nữa.
Mở đầu bài ngỏ với các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma, trước khi đọc kinh truyền tin vào trưa chúa nhật 15/02/98, ÐTC đã nói như sau:
Thứ Bảy 14/02/98, chúng ta đã mừng lễ kính hai thánh Cyrillô và Mêtôdiô, đồng quan thầy của Âu Châu cùng với thánh Biển Ðức. Hai thánh anh em người Hy Lạp của thế kỷ thứ 9, sinh quán tại thành Tessalonica và được huấn luyện tại Trường của Tòa Giáo Chủ Costantinopoli. Các ngài đã dấn thân rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc miền Ðại Moravia, thuộc miền trung sông Ðanúp.
Hai thánh anh em Cyrillô và Mêtôdio đã chu toàn công việc phục vụ truyền giáo trong sự hiệp nhất với giáo hội Costantinopoli cũng như với Ngai Tòa của Nguời Kế Vị Thánh Phêrô, và như thế nói lên sự hiệp nhất của Giáo Hội, một sự hiệp nhất vào thời đó chưa bị thương tỗn bởi sự chia rẽ giữa Ðông và Tây.
Tôi muốn trao phó cho lời bầu cử của hai vị thánh nầy ước muốn tiến đến sự hiệp nhất hoàn toàn giữa tất cả những người tin vào Chúa Kitô, đặc biệt trong lúc chuẩn bị cho đại năm thánh 2000. Sự khẩn thiết phải cố gắng tiếp tục cuộc đối thoại đại kết, đã được nhấn mạnh thật rõ ràng trong cuộc họp của Ủy Ban Trung Ương Năm Thánh với những vị đại diện của các Hội Ðồng Giám Mục khắp nơi, trong những ngày qua. Nguyện xin Chúa làm cho mau đến những bước tiến tới sự hòa giải hoàn toàn, ngỏ hầu lúc bình minh của Ngàn Năm Thứ Ba nhìn thấy những người Kitô, nếu không được hiệp nhất với nhau hoàn toàn, thì ít ra được gần với mục tiêu sự hiệp nhất nầy nhiều hơn.
Ngoài ra, Lễ mừng kính hai thánh Cyrillo và Mêtodio cho tôi có dịp nhắc lại cho những người Kitô và tất cả những con người thiện chí của đại lục Âu Châu, điều mà chúng ta có thể gọi là "thách thức Âu Châu, nghĩa là sự đòi hỏi phải xây dựng một Âu Châu, biết nhớ lại rõ ràng lịch sử riêng của mình và biết dấn thân nghiêm chỉnh vào việc thực thi những nhân quyền, và liên đới với những dân tộc của các đại lục khác nữa, trong công việc cổ võ Hòa Bình và sự Phát Triển trên bình diện thế giới. Ðây là những mục tiêu cao cả, nhưng không phải vì thế mà không thể thực hiện được, với điều kiện là không thiếu một sự thúc đẩy thiêng liêng sâu xa và liên lỉ; nghị lực thiêng liêng đó, các công dân và các quốc gia Âu Châu có thể múc lấy tứ phần gia tài văn hóa hết sức phong phú của Âu Châu, trong sự đối thoại nhiều kết quả với những dòng tư tưởng lớn, như đã luôn xảy ra như vậy vào những lúc đẹp nhất của hai ngàn năm Văn Minh Âu Châu.
Mừng lễ kính hai thánh tông đồ vĩ đại của Âu Châu, có nghĩa là canh tân sự dấn thân phục vụ cho công việc tái rao giảng Phúc Âm cho đại lục Âu Châu, ngỏ hầu trong giây phút lịch sử từ ngàn năm thứ hai sang ngàn năm thứ ba, những nguồn gốc Kitô của Âu Châu đón nhận được nhựa sống mới, làm lợi cho tất cả mọi dân tộc Âu Châu, cho nền văn hóa và cho sự chung sống hòa bình của các dân tộc Âu Châu.
Xin Mẹ Maria rất thánh, Ðấng được yêu mến và tôn kính không những tại Ðông Phương mà còn tại Tây Phương nữa, xin Mẹ cầu cùng Chúa ban cho những người Kitô hôm nay ơn biết cộng tác trong sự hòa hợp với nhau để phục vụ cho công cuộc tái rao giảng Phúc Âm, và ban cho tất cả các quốc gia Âu Châu được gặp nhau trong một Căn Nhà Chung, vừa mang đến sự đóng góp của mỗi người để phục vụ cho tất cả.
Sau những lời trên, ÐTC đọc kinh truyền tin và ban phép lành chotất cả các tín hữu hiện diện.