ÐTC Gioan Phaolô II nhận định về chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba.
ÐTC Gioan Phaolô II nhận định về chuyến viếng thăm của ngài tại Cuba, trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, sáng thứ Tư 28/01/98. Ngài đã đặc biệt cầu chúc cho dân chúng Cuba được hưởng những thành quả, giống như thành quả của chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Balan vào năm 1979.
Trong buổi tiếp kiến chung hằng tuần, sáng thứ Tư 28/01/98, ÐTC đã nói về chuyến viếng thăm mục vụ 5 ngày tại Cuba, vừa được kết thúc Chúa nhật vừa qua 25/01/98, với thánh lễ trọng thể tại Quảng trường Cách Mạng của Thủ Ðô La Havana, với sự tham dự của một triệu người và sự hiện diện của Chủ tịch Nhà Nước Fidel Castro và các nhân vật cao cấp trong Chính phủ.
Trong bài huấn đức đọc trong dịp tiếp kiến chung nầy, trước hết ÐTC đã cảm ơn Chủ tịch Nhà Nước Tiến Sĩ Fidel Castro Ruz và Nhà Cầm quyền Cuba đã mời và giúp đỡ mọi phương tiện để cuộc hành hương được diễn tiến tốt đẹp. Rồi ngài cảm ơn, với tình yêu mến, các Giám Mục Cuba, cách riêng Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Havana và Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Mục Cuba, các Linh Mục, Các Tu Sĩ Nam, Nữ và Giáo Dân đã đành cho ngài một sự đón tiếp rất nồng hậu, gây ngạc nhiên nơi nhiều người và nơi chính ngài nữa. ÐTC nói: "Từ lúc đặt chân lên Ðất này, tôi đã được bao vây bằng một cuộc biểu dương vĩ đại của dân chúng: cuộc biểu dương này gây ngạc nhiên biết bao người, cũng như tôi, được biết sự hăng say của các dân tộc Châu Mỹ Latinh".
ÐTC giải thích sự hăng say này được coi là sự biểu lộ của một sự chờ đợi lâu dài, một cuộc gặp gỡ đã từ lâu mong ước về phía một dân tộc. Ðây là một biến cố của sự hòa giải thiêng liêng, văn hóa và xã hội; biến cố này sẽ đem lại những thành quả nơi các phương diện khác nữa.
ÐTC nhắc lại bức ảnh khổng lồ Trái Tim Chúa Giêsu được trưng lên tại Quảng Trường Cách Mạng với hàng chữ viết: "Lạy Chúa Giêsu Kitô, con tin cậy nơi Chúa". Ngài nói: "Tôi cảm tạ Chúa, bởi vì tại chính nơi được gọi là "Quảng Trường Cách Mạng", Ðấng đã đem đến trong thế gian một cuộc cách mạng đích thực, cuộc cách mạng của Tình Yêu Thiên Chúa, Ðấng cứu thoát con người khỏi sự dữ và khỏi bất công và ban cho con người hòa bình và sự sung mãn của sự sống, đã tìm được chỗ của mình".
Sau đó, ÐTC nhấn mạnh rằng ngài đã muốn đến miền đất Cuba mà Christophe Colombo gọi là "xinh đẹp hơn cả mà con mắt loài người không bao giờ thấy" để trước hết ca ngợi Giáo Hội tại đây và sau đó đem nguồn an ủi cho Giáo hội này", một Giáo Hội đã trải qua những thời gian rất khó khăn, nhưng đã kiên trì trong đức tin, đức cậy và đức mến. Ngài đã muốn chia sẻ tinh thần tôn giáo sâu xa, những niềm an vui và những nỗi đau khổ; để đem đến một thúc đẩy mới cho công việc rao giảng Tin Mừng.
ÐTC gợi lại các chặng của chuyến viếng thăm:
Tại Santa Clara, ngài đã dâng thánh lễ thứ nhất trên Ðất Cuba; thánh lễ này là một việc cảm tạ Thiên Chúa về ơn ban của gia đình, liên kết với cuộc gặp gỡ thế giới các gia đình tháng 10 năm ngoái tại Rio de Janeiro. Ngài đã muốn tỏ tình liên đới với các gia đình Cuba trước những vấn đề do xã hội ngày nay đặt ra. Tại Camaguey, thánh lễ dành cách riêng cho giới trẻ: là người Công Giáo trẻ trung tại Cuba đã và vẫn còn là một thách đố. Cuộc gặp gỡ với giới trẻ tại đây là một buổi lễ của hy vọng không thể quên được. ÐTC nói: "Tôi đã khuyên giới trẻ mở rộng tâm hồn và tất cả cuộc sống cho Chúa Kitô, bằng việc vượt thắng thuyết tương đối luân lý và những hậu quả của nó. Tôi nhắc lại với họ sự khuyến khích và tình yêu thương của tôi".
Rồi buổi gặp gỡ giới Văn Hóa tại Ðại Học của Thủ đô La Havana, với sự hiện diện của Chủ Tịch Fidel Castro; Ðại Học này trong 5 thế kỷ đã biết được nhiều ảnh hưởng văn hóa khác nhau: Tây Ban Nha, Châu Phi, các nhóm di dân khác nhau và sau cùng Hoa Kỳ. Trong những thập niên vừa qua chịu ảnh hưởng của ý thức hệ Mac Xít duy vật và vô thần; nhưng xét về bề sau, Ðại Học vẫn giữ được tính cách Cuba, nghĩa là tinh thần Kitô, như các hình ảnh của các nhân vật Công Giáo thuộc giới văn hóa, hiện diện trong tất cả lịch sử của Ðại Học, chứng minh. Trong các hình ảnh này nổi bật hơn cả là Ðầy Tớ Chúa Felix Varela, linh mục; mộ của ngài được đặt ngay trong Phòng Lớn của Ðại Học.
Chặng Santiago de Cuba, Tòa Giáo chủ của Cuba, thực là một cuộc hành hương: tại đây ÐTC đã kính viếng Quan Thầy của dân tộc Cuba: "La Virgen de la Caridad del Cobre". Tại đây ngài đã được chứng kiến lòng yêu mến của người dân Cuba đối với Mẹ Thiên Chúa. La Virgen de la Caridad del Cobre là biểu hiệu chính và sự nâng đức tin của dân tộc Cuba và của các cuộc tranh đấu của dân tộc này cho tự do. Trong bối cảnh này ÐTC khuyên các tín hữu hội nhập Tin Mừng: sứ điệp đích thực của việc giải phóng, trong đời sống hằng ngày, bằng cách sống như những người Công Giáo hòa mình vào xã hội. ÐTC nhắc lại: Cách đây 100 năm, trước ảnh La Virgen de la Caridad del Cobre tuyên bố nền độc lập quốc gia. ÐTC nói: "Với cuộc hành hương này tôi phú thác cho Mẹ Maria tất cả các người Cuba trong nước cũng như ngoài nước, để họ làm thành một cộng đồng được sống động mỗi ngày mỗi thêm mãi bởi sự tự do đích thực, một cộng đồng thịnh vượng và huynh đệ thực sự".
Tiếp đến cuộc gặp gỡ các bệnh nhân tại Ðền Thánh Lagiaro ở Thủ đô và cuộc gặp gỡ các đại diện Hàng Giáo Sĩ, Nam Nữ Tu Sĩ và anh chị em giáo dân dấn thân làm tông đồ. Với mọi người, ÐTC khuyến khích phục vụ cách quảng đại Cộng Ðồng Dân Chúa.
Sau cùng, do Chúa Quan Phòng, ÐTC đã được cử hành thánh lễ Chúa Nhật tại Thủ đô La Havana: một chặng lịch sử mới của việc rao giảng Tin Mừng. Ngài nói: "Tôi vui mừng được rao giảng cho người dân Cuba Tin Mừng của Hy Vọng, sứ điệp của Tình Yêu và của Tự Do trong chân lý, sứ điệp mà Chúa Kitô không bao giờ ngừng đem đến cho các người nam, nữ của thời đại ta".
ÐTC kết thúc bài nói chuyện: "Tôi hết lòng cầu chúc rằng Giáo hội tại Cuba được hưởng mỗi ngày mỗi thêm những khoảng cách tương xứng với sứ mệnh của mình. Tôi thấy rất có ý nghĩa là thánh lễ kết thúc được cử hành tại Quảng Trường Cách mạng trùng hợp với ngày Lễ kính việc trở lại của Thánh Phaolô, như có ý chỉ rằng việc trở lại của Vị Ðại Tông Ðồ này là một cuộc cách mạng liên lỉ và thánh thiêng, có giá trị cho mọi thời đại. Bất cứ cuộc canh tân nào đều khởi sự bằng việc trở lại tâm hồn. Tôi phú thác cho Ðức Mẹ tất cả những ước vọng của dân tộc Cuba và dấn thân của Giáo Hội: một Giáo Hội, với can đảm và kiên trì, tiếp tục sứ mệnh phục vụ Tin Mừng".
Ngỏ lời bằng tiếng Ba Lan với các người đồng hương (khoảng 500 người) hiện diện trong buổi tiếp kiến, ÐTC nói: "Chuyến viếng thăm của tôi tại Cuba làm cho tôi nhớ lại rất nhiều chuyến viếng thăm thứ nhất của tôi tại Ba Lan năm 1979. Tôi cầu chúc cho anh chị em chúng ta tại Ðảo xinh đẹp CUBA này, được hưởng những thành quả của cuộc hành hương, giống những thành quả của cuộc hành hương tại Ba Lan năm 1979".
Chưa bao giờ các phương tiện truyền thông trên thế giới đã lưu ý như vậy đến chuyến viếng thăm của ÐTC tại Cuba. Ðức Tổng Giám Mục John Foley, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về truyền thông xã hội, theo dõi tại chỗ chuyến viếng thăm, đã giải thích trên Ðài Phát thanh Vatican như sau:
"Tôi nghĩ các phóng viên báo chí và tất cả các đài truyền thanh và truyền hình quốc gia và quốc tế đã thấy trong chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC sự sụp đổ của một bức tuờng, không như sự sụp đổ của bức tường Ðông Âu, nhưng như cơ hội đầu tiên để ÐTC có thể vào được Cuba. Tạp chí Time, ngoài bìa, gọi cuộc gặp gỡ giữa ÐTC Gioan Phaolô II và Fidel Castro như cuộc gặp gỡ giữa hai vị khổng lồ. Người khác sánh như cuộc gặp gỡ giữa Golia và Davit và coi ÐTC là Davit. Nhưng tôi nghĩ rằng trước mắt mọi người đây là cuộc gặp gỡ giữa một vị lãnh đạo của thế giới Mac Xit, cầm quyền từ 40 năm nay và một vị lãnh đạo thiêng liêng của thế giới, ÐTC Gioan Phaolô II. Tất cả mọi người đều coi cuộc gặp gỡ này thực là cuộc gặp gỡ lịch sử. Vì thế chuyến viếng thăm này của ÐTC được lưu ý đặc biệt về mọi khía cạnh".