Bài giáo lý của ÐTC
nói về "Mầu nhiệm của Giờ" của Chúa Giêsu
trong buổi tiếp đoàn hành hương 14/01/98

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài giáo lý của ÐTC nói về "Mầu nhiệm của Giờ" của Chúa Giêsu trong buổi tiếp các đoàn hành hương vào sáng thứ Tư 14/01/98.

(Vatican, 14/01/98) Buổi tiếp kiến chung các đoàn hành hương sáng thứ Tư vừa qua, ngày 14 tháng Giêng, là buổi tiếp kiến chung đầu tiên của Năm mới 1998. Ba thứ Tư trước đây không có buổi tiếp kiến chung: vì giáp lễ Giáng sinh và đầu năm mới.

Số người tham dự buổi tiếp kiến chung thứ Tư vừa rồi khoảng bốn ngàn, trong số này các đoàn hành hương đến từ các miền khác nhau trong nước Ý chiếm hơn hai ngàn; phần còn lại là các đoàn hành hương đến từ nhiều nước khác nhau trên thế giới như: Pháp, Bielorussia, Ba Lan, Cộng Hòa Tchèque, Ðan Mạch, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Mehico, Chile, Argentina và Brazil.

Trong bài giáo lý chung cho các tín hữu, ÐTC đã nói về "Mầu nhiệm của GIỜ" của Chúa Giêsu.

Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói nhiều lần đến "Giờ" của Người; GIỜ đây nghĩa là gì? ÐTC đã giải thích về GIỜ của Chúa như sau:

Chúa Giêsu dùng danh từ "Giờ" để chỉ thời gian do Thiên Chúa Cha ấn định để hoàn tất công việc Cứu chuộc. Trong Tiệc cưới Cana, lúc Ðức Mẹ xin Chúa làm phép lạ giúp đôi tân hôn đang gặp khó khăn vì thiếu rượu, Chúa trả lời: Giờ Con chưa tới. Giờ ở đây muốn nói là "giờ" của việc biểu lộ uy quyền cứu thế của Người, là "GIỜ" của cuộc Tử Nạn và Phục Sinh.

Phép lạ thứ nhất tại CANA hướng về "giờ" nầy của Cuộc Tử Nạn và của Phục Sinh. Tại Cana, Chúa Giêsu khai mạc Tiệc Cưới, hình ảnh của Nước Thiên Chúa, và loan báo về "GIỜø" trong đó nhân loại sẽ tham dự vào việc Phụng Tự mà Người dâng lên cho Chúa Cha. Ðây là giờ của mối liên lạc mới, của việc phụng tự mới "trong Thánh Thần Khí và trong Sự Thật" (Ga 4, 23). Trong GIỜ đó, Chúa Giêsu ban cho tất cả nhân loại sự sống, là chính Người. Trọn cả cuộc sống trần gian của Chúa đều hướng về giờ này.

Trong lúc đau khổ trước ngày Tử nạn, Chúa Giêsu nói: "Giờ đây tâm hồn Thầy xao xuyến; và Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này; nhưng chính vì giờ này mà con đã đến" (Ga 12, 27). Ðây là giờ Chúa Cha đã muốn. Vì thế trước giờ này, không một người nào có thể bắt được Người hay lên án tử Người, như Phúc Âm đã ghi như sau "Bấy giờ họ tìm cách bắt Ngưòi, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến" (Ga 7, 30).

Giờ của Cuộc Tử nạn là giờ của Người, giờ yêu thương các môn đệ đến cùng. Phúc âm theo thánh Gioan đã ghi như sau: "Trước lễ Vượt qua, Chúa Giêsu biết giờ Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13, 1). Ðó là Giờ của Tình yêu: Tình yêu cho đến cùng, nghĩa là đến hy sinh sau cùng. Trong hy sinh của Người, Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta biết Tình yêu hoàn toàn: Người không thể yêu thương chúng ta sâu xa hơn nữa được.

Giờ Tử nạn cũng là giờ vinh quang. Theo Thánh Gioan , đây là giờ Chúa được treo cao lên khỏi mặt đất (Ga 12, 32). Việc treo lên cao trên Thánh Giá là dấu hiệu của việc nâng lên cao trong vinh quang trên trời. Lúc đó, Chúa Vinh Quang trở về với Chúa Cha; lễ hy sinh của Người đã hoàn tất. Và nhân loại được mời gọi kết hiệp với Người để trở về với Chúa Cha.

Ðó là nội dung chính của Bài Giáo Lý cho các tín hữu trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư vừa qua, tại Vatican. Trước khi kết thúc buổi tiếp kiến, ÐTC nói về tình hình bi thảm tại Algérie và Rwanda như sau: "Thù ghét vẫn tiếp tục gây đẫm máu trên mãnh đât yêu quí Châu phi. Tại Algérie vẫn không ngừng những vụ tàn sát, liên lụy đến cả phụ nữ, người già và trẻ em. Tại Rwanda năm Nữ Tu truyền giáo của Tu Hội Nữ Tử Chúa Phục Sinh và hai người cộng tác giáo dân đã bị sát hại trong Giáo phận Nyundo. Hai Nữ Tu khác bị thương nặng. Sự khiếp sợ và đau đớn tràn ngập tâm hồn tất cả chúng ta vì những vụ thê thảm này; những vụ tàn sát này không thể không chất vấn lương tâm tất cả nhân loại Chúng ta dâng lên Chúa lời cầu nguyện cho các nạn nhân của những vụ tàn sát độc ác này. Tôi xin bày tỏ tình liên đới và sự gần gũi thiêng liêng với tất cả những ai đang sống trong buồn phiền và đau khổ và tôi tận tình cầu chúc cho các người bị thương chóng bình phục. Ước gì hy sinh của biết bao người vô tội đẫn đưa đến việc hối cải, việc tha thứ và sau cùng đến hòa bình".

Sau Algérie và Rwanda, ÐTC cũng bày tỏ với nhóm hành hương Tây ban nha sự đau đớn và lo lắng của Ngài về những vụ khủng bố mới đây, đi ngược lại với ý chí hòa bình luôn luôn được biểu lộ công khai bằng các cuộc biểu tình khổng lồ. ÐTC nói: "Những hành động bạo lực này, biểu lộ nền văn hóa sự chết, không có một lý do nào để biện minh cho, và gây tổn thương cho tương lai của tất cả một dân tộc. Tôi ước mong những hành động như vậy chấm dứt, để tất cả được hưởng một tương lai sống trong khoan dung, sự tôn trọng và tự do".


Back to Radio Veritas Home Page