Lập trường của Tòa Thánh
về cuộc chiến giữa Irak và Hoa Kỳ

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thời Sự: Lập trường của Tòa Thánh về cuộc chiến giữa Irak và Hoa Kỳ.

Tháng Giêng năm 1991, chiến tranh bùng nổ giữa khối Tây Phương do Hoa Kỳ cầm đầu và Irak. Các lực lượng Tây Phương cùng với các lực lượng hùng hậu của Hoa Kỳ đã tấn công ồ ạt Irak, để trừng phạt Saddam Hussein đã xua quân chiếm Kwait. Kwait một quốc gia nhỏ bé vùng Vịnh Batư, nhưng lại rất phong phú về dầu hỏa và là địa điểm chiến lược quan trọng để kiểm soát vùng Vịnh Batư và Trung Ðông, và là vựa dầu hỏa, rất cần thiết cho việc phát triển kỹ nghệ và cho đời sống thế giới hiện nay. Sau chiến tranh chớp nhoáng với những loại vũ khí hết sức tối tân chưa từng có, mà người ta gọi là "vũ khí thông minh", Tổ chức Liên Hiệp Quốc, dưới sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, thành lập Ủy Ban kiểm soát Vũ Khí Irak, lúc đó bị tố cáo về tội sản xuất và tích trữ những loại vũ khí rất nguy hiểm, nguy hiểm hơn cả vũ khí nguyên tử: đó là loại vũ khí vi trùng, có thể tiêu diệt tất cả nhân loại, hay ít ra một phần lớn nhân loại. Vì thế cần phải kiểm soát và trừng phạt bằng lệnh cấm vận kinh tế. Trong tám năm bị phong tỏa, dầu hỏa của Irak, thứ dầu tốt hơn dầu của các nước khác, không được bán ra ngoài, hay chỉ được bán một phần nhỏ mà thôi, chế độc của Ông Saddam Hussein vẫn tồn tại và vẫn hùng mạnh về phương diện quân sự. Lệnh cấm vận chỉ thiệt hại và gây nghèo khổ, chết chóc cho người dân vô tội mà thôi, nhất là các trẻ em và người già cả.

Ngay lúc chiến tranh bùng nổ, vào năm 1991, ÐTC Gioan Phaolô II đã lên tiếng nhắc lại rằng: Chiến tranh không giải quyết được các vấn đề tranh chấp trên thế giới này, trái lại gây nên nhiều vấn đề mới. Thực như vậy. Sau tám năm, trước lễ Giáng Sinh năm vừa qua 1998, Hoa Kỳ và Anh Quốc lại tấn công ồ ạt Irak, do quyết định riêng, chớ không do lệnh của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cũng không có sự tham dự của các đồng minh Tây Phương như lần trước. Trong năm quốc gia thành viên của Hội Ðồng Bảo An có quyền "veto, phủ quyết", thì Pháp, Nga, Trung Quốc phản đối việc tấn công của Hoa Kỳ và Anh Quốc. Vụ tấn công này cũng không giải quyết được vấn đề Irak. Ông Saddam Hussein được sự ủng hộ của toàn dân Irak, của Nga và một số Quốc Gia Hồi Giáo. Ông đe dọa tấn công chiếm lại Kwait. Ông ra lệnh cho phi công bay trên không phận bị cấm và xả súng vào bất cứ máy bay nào của Hoa Kỳ và Anh Quốc vi phạm không phận này. Phi cơ của hai quốc gia Hoa Kỳ và Anh Quốc lại trừng phạt Saddam Hussein bằng việc phóng hỏa tiễn vào các căn cứ quân sự của Irak.

Lúc Hoa Kỳ và Anh Quốc tấn công Irak, bất chấp luật lệ và quyết nghị của Liên Hiệp Quốc, ông Tổng Thư Ký Kofi Annan đã phải than phiền: "Ðây là ngày buồn tủi cho Liên Hiệp Quốc". Buồn tủi cho Liên Hiệp Quốc không được coi trọng, vì luật lệ quốc tế không được đếm xỉa đến, vì lý kẻ mạnh vẫn thắng, nhất là vì Liên Hiệp Quốc không có thực quyền, không có uy tín để ngăn cản và trừng phạt những quốc gia hội viên ngoan cố.

Ðồng ý với ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc, Ðức Hồng Y Angelo Sodano tuyên bố với báo chí như sau:

"Có một khía cạnh mà ít người lưu ý tới, đó là việc dùng hai biện pháp khác nhau. Có những quyết định của Liên Hiệp Quốc, áp dụng với người này, nhưng lại không áp dụng với người khác". Ðức Hồng Y tố cáo hành động bất công và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động quân sự chống Irak. Ngài tuyên bố: "Không ai ưa thích chiến tranh. Vì thế chúng tôi phải hoạt động cho Hòa Bình. Giờ đây chúng tôi chờ đợi chiến tranh chấm dứt: đây là ước mong của chúng tôi và công việc làm của chúng tôi đang thực hiện trong lúc này với sức hèn yếu của chúng tôi". Ðưọc hỏi: chiến tranh Hoa Kỳ và Anh Quốc chống Irak có phải là chiến tranh xâm lăng hay không, như lời của Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, tiến sĩ Navarro Walls đã dùng trong thông cáo lúc xẩy ra chiến tranh, thì Ðức Sodano trả lời thẳng thắn rằng: "Hoặc là chiến tranh tự vệ, hoặc là chiến tranh xâm lăng, không có chiến tranh nào khác ở giữa hai chiến tranh này". Rồi ngài nói tiếp như sau: "Tôi xin để các nhà chính trị và sử gia trả lời, nhưng trong giáo lý xã hội Công Giáo có nguyên tắc giới hạn tối đa việc xử dụng vũ lực: chỉ trong trường hợp khẩn cấp của việc tự vệ mà thôi."

Nhật báo Quan Sát Viên Roma đã lên tiếng như sau: "Không thể lãnh đạm và thụ động trong khi tại Irak các bệnh viện cũng bị trúng hỏa tiển, thứ hỏa tiển được gọi là "hỏa tiển thông minh". Ngày nay cần có những bước tiến và những cử chỉ cụ thể, để giải quyết cơn khủng hoảng mới tại Irak, hơn là những vụ tấn công của Hoa Kỳ và Anh Quốc". Nhật báo kết thúc bằng trưng lại lời Ðức Gioan Phaolô II viết trong sứ điệp Hòa Bình đầu năm 1999: "Ðây là thì giờ của các nhà chính trị can đảm: các ngài hãy can đảm tiếp tục đối thoại hòa bình, cả những lúc tình hình xem ra không còn có hy vọng giải quyết".

Nhật báo Tương Lai thì viết như sau: Giáo Hội lên tiếng vì Giáo Hội không phải là Tây Phương, cũng không phải Ðông Phương. Giáo Hội không phải là người hiếu chiến cũng không phải là người chủ bại, không thiên hữu, cũng không thiên tả. Giáo Hội là hoàn vũ và vì thế Giáo Hội quan tâm đến con người, mỗi một con người, mỗi một dân tộc, tất cả các dân tộc bất cứ ở góc trời nào. Giáo Hội bênh vực các quyền và phẩm giá con người khi bị vi phạm, bất cứ do phía nào. Giáo Hội yêu cầu chấm dứt chiến tranh, mọi cuộc chiến tranh, vì chiến tranh là căn cớ gây nên chết chóc, tàn phá, nghèo khổ, vì chiến tranh không giải quyết vấn đề, trái lại gây thêm vấn đề và làm cho cuộc chung sống hòa bình trở nên khó khăn. Nhật Báo Tương Lai kết thúc như sau: Sau hai ngàn năm, chúng ta phải thay đổi câu nói của người Roma xưa kia rằng: "Nếu muốn Hòa Bình, hãy chuẩn bị Chiến Tranh", thành câu nói khác rằng: "Nếu muốn Hòa Bình, phải chuẩn bị cho Hòa Bình".


Back to Radio Veritas Asia Home Page