Thánh lễ đầu tiên trong chuyến viếng thăm Balan của ÐTC, tại SOPOT vào chiều thứ Bảy 5/06/99.
Trong bài tường thuật nầy, chúng tôi xin kể lại biến cố quan trọng ngay từ chiều thứ Bảy 5/06/99, ngày đầu tiên tại BaLan: đó là Thánh Lễ ÐTC cử hành tại thị trấn nhỏ nằm bên cạnh Thành Phố GDANSK, là thị trấn SOPOT, để mừng kính 1,000 năm phong Thánh cho Thánh Adalberto. Thánh Nhân chịu chết tử đạo tại Gdansk, năm 997, và hai năm sau, tức vào năm 999, thánh nhân được phong thánh. Theo các phóng viên báo chí, thì số tín hữu tham dự thánh lễ nầy lên đến hơn nửa triệu (từ 500 ngàn đến 800 ngàn). Các báo chí xuất bản sáng Chúa Nhật mùng 6 tháng 6/1999 thì chú trọng đến khía cạnh chính trị của biến cố. Phần ÐTC thì trong bài giảng Thánh Lễ, Ngài đã nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức tinh thần hơn. Ngài đã so sánh cuộc tử đạo của thánh Adalberto như là "hạt giống phúc âm được gieo vào lòng đất, chết đi, rồi trổ sinh hoa trái phong phú". ÐTC nói như sau:
"Sau một ngàn năm chia cách chúng ta với cái chết Tử Ðạo của thánh nhân, chúng ta ý thức nhiều hơn rằng máu của vị Tử Ðạo nầy, đã đổ ra trong vùng đất nầy cách đây 10 thế kỷ, đã góp phần thiết yếu cho công cuộc rao giảng Phúc Âm, cho đời sống đức tin, cho đời sống mới. Ngày hôm nay, chúng ta cần phải hết sức sống theo mẫu gương của Ngài hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa và cho việc phổ biến Phúc Âm. Chứng tá của ngài trong việc phục vụ và trong lòng hăng say làm việc tông đồ được ăn rễ sâu xa trong đức tin và trong tình yêu thương đối với Chúa Kitô."
Dựa vào mẫu gương của Thánh Adalbertô, ÐTC mời gọi các tín hữu đồng hương của ngài hãy sống trọn vẹn ơn gọi Kitô: "hãy trở nên trọn lành, như Thiên Chúa Cha trên trời là Ðấng trọn lành" (Mt 5,4), hãy trở nên trọn lành theo mẫu mực của Thiên Chúa. Ðó là trở nên có tràn đầy tình yêu thương, như Thiên Chúa, Ðấng làm cho mặt trời mọc lên cho người lành cũng như kẻ dữ (Mt 5,45). ÐTC đã khuyên một cách thiết thực như sau:
"Anh chị em thân mến, đừng để cho tâm hồn anh chị em bị khiếp sợ "trong mọi sự bởi những kẻ chống lại anh chị em" như thánh Phaolô tông đồ đã khuyên chúng ta nơi thơ Philiphê 1,20-30, (được trích lại trong bài đọc I của thánh lễ). Ðừng để cho mình bị ảnh hưởng bởi những kẻ muốn lấy tội lỗi làm như là con đường dẩn đến hạnh phúc. Ðây là một cuộc chiến đấu chống lại những tội lỗi của chính bản thân và nhất là những tội lỗi chống lại tình thương: những tội lỗi nầy có thể mặc lấy những chiều kích gây nguy hại trong sinh hoạt xã hội. Con người không bao giờ sống hạnh phúc, khi làm hại kẻ khác, hủy diệt tự do của họ, chà đạp phẩm giá của dân chúng và vun trồng tinh thần ích kỷ. Niềm hạnh phúc của chúng ta là anh chị em chúng ta, mà Thiên Chúa đã trao ban cho chúng ta, và giao phó cho chúng ta chăm sóc; và qua anh chị em, niềm hạnh phúc chúng ta là chính Thiên Chúa. Bởi vì "ai sống yêu thương, thì kẻ ấy được sinh ra bởi Thiên Chúa và biết Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu" (I jn 4,7).Tôi nói với anh chị em điều nầy, tại nơi đây, nơi vùng đất của Gdansk, nơi đã chứng kiến những tranh đấu bi thảm cho sự tự do của đất nước BaLan và cho căn cước Kitô của người dân BaLan".
Trong khung cảnh nầy, ÐTC nhắc đến vai trò lịch sử của Công Ðoàn Liên Ðới như sau: "Công Ðoàn Liên Ðới đã mở những cánh cửa của tự do cho các quốc gia bị đè bẹp làm nô lệ bởi hệ thống độc tài toàn trị, đã phá đổ bức tường Berlin và góp phần vào việc thống nhất Âu Châu tiếp sau những chia rẽ do Ðệ Nhị Thế Chiến gây ra. Chúng ta không bao giờ được phép bỏ quên điều nầy. Biến cố nầy là phần gia tài quốc gia chúng ta. Lúc đóù, tôi đã nghe anh chị em nói tại Gdansk nầy như sau: "Không có tự do, nếu không có Liên Ðới". Ngày hôm nay, chúng ta cần phải nói như sau: "Không có Liên Ðới, nếu không có Tình Yêu". Thật vậy, không có hạnh phúc, không có tương lai cho cá nhân cũng như cho quốc gia, nếu không có tình yêu thương, nếu không có tình yêu thương, một tình yêu thương có sức tha thứ, nhưng không bỏ quên, một tình thương nhạy cảm với những bất hạnh đau buồn của kẻ khác, một tình yêu thương không nhằm mưu tìm lợi lộc cho riêng mình nhưng biết mưu cầu điều tốt cho kẻ khác, một tình yêu thương luôn luôn sẳn sàng giúp đỡ, vô vị lợi và sẵn sàng cho đi một cách quảng đại. Như thế, chúng ta được mời gọi xây dựng tương lai dựa trên tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, vừa thiết lập nền văn minh của tình thương. Ngày hôm nay, thế giới và BaLan cần đến những con người có tâm hồn cao thượng biết phục vụ với sự khiêm tốn và tình thương, những con người biết chúc phúc chớ không nguyền rủa. Không thể nào xây dựng tương lai mà không có liên hệ đến nguồn mạch của tình thương là Thiên Chúa, Ðấng đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một mình cho thếgian, ngõ hầu ai tin vào Con, sẽ không chết, nhưng được sống đời đời" (Gn 3,16). Chúa Giêsu Kitô là Ðấng mạc khải tình yêu thương cho con người, vừa đồng thời biểu lộ cho con người biết ơn gọi cao cả của họ".
Ðó là những lời đầy ý nghĩa, ÐTC ngỏ với công đoàn tín hữu trong Thánh Lễ chiều thứ Bảy 5/06/99, tại thị trấn SOPOT, bên cạnh thành phớ GDANSK. Hãng thông tấn Reuters đã ghi nhận là ÐTC đã tỏ ra xúc động nhất là trước thái độ nồng nhiệt của các bạn trẻ BaLan hiện diện trong Thánh Lễ. Vào lúc kết thúc cuộc gặp gỡ, họ đã reo hò hoan hô ngài và cất hát điệp khúc "Chúng con yêu mến Ngài. Hãy ở lại đây với chúng con". ÐTC đã vui vẽ ứng khẩu đáp lại: "Cha đã nói là không thể nào làm cho giới trẻ chúng con giữ im lặng được."
Chúng tôi sẽ tường thuật tiếp những biến cố của ngày Chúa Nhật 6/06/99 trong chương trình kế tiếp.