Ðức Hồng Y Vincenzo Fagiolo trả lời nhật báo "Los Angeles Times" về vấn đề từ chức của ÐTC sau Năm Thánh 2000.
ÐTC có thể từ chức sau năm 2000 hay không? Ðây là giả thuyết do Ký Giả Tad Szule, viết trong bài (đặc biệt) được đăng trên tờ "Los Angeles Times". Tờ báo California viết: Ðức Wojtyla sẽ từ chức sau năm Thánh.
Lập tức, Ðức Hồng Y Vincenzo Fagiolo, người Ý, nhà luật học nổi tiếng, trả lời trên Nhật Báo "Roma Thời Báo" (Il Tempo di Roma) số ra ngày 17.06.99, qua cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Gulielmo de Giovanni Centelles, một cách hết sức rõ ràng như sau:
Hỏi: Một nhật báo Hoa Kỳ đưa ra giả thuyết về việc từ chức của ÐTC sau Ðại Toàn Xá, Ðức Hồng Y nghĩ sao?
Ðáp: Ðây không phải là tờ báo đầu tiên bày ra câu chuyện này và cũng sẽ không phải là tờ báo cuối cùng nêu lên vấn đề này. Nhưng giả thuyết đưa ra không có một nền tảng nào cả, không nghiêm chỉnh.
Hỏi: Nhưng, theo tờ báo Hoa Kỳ, ÐTC tuổi tác rồi?
Ðáp: Tuổi cao không quan hệ gì cả. Một Vị Giáo Hoàng không thể và không được từ chức. Chấp nhận chức vụ Giáo Hoàng là một lựa chọn hoàn toàn tự do, nhưng một khi đã chấp nhận, không thể từ chức vì những lý do cá nhân của mình, dù là những lý do cao thượng, như để lo lắng chu đáo hơn việc cứu rỗi riêng của mình, để theo một đời sống cầu nguyện hoặc để rút lui vào trong một Tu Viện.
Hỏi: Vậy Thánh Giáo Hoàng Celstino V (được bầu làm Giáo Hoàng 29.08.1294, từ chức 13.12.1294, qua đời 19.05.1296; được phong Hiển Thánh 5.05.1313) đã từ chức?
Ðáp: Il "Munus Petrinum" (nhiệm vụ Phêrô, nhiệm của Giáo Hoàng) theo giáo huấn của Công Ðồng Chung Vatican II, tuyệt đối loại trừ việc từ chức. Ước muốn "melioris vitae" (của một đời sống tốt lành hơn) của các vị thời xưa kia, có thể xẩy ra đối với những vị có chức vụ giáo sĩ, cũng có thể chấp nhận như một lý do chính đáng, để từ chức, không thể có giá trị đối với một Vị Giáo Hoàng.
Hỏi: Nhưng đến một hạn tuổi nào đó các Giám Mục từ chức?
Ðáp: Có một số vấn đề liên hệ đến các Giám Mục dĩ nhiên không liên lụy Vị Chủ Chăn của các vị Chủ Chăn, Vị Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Vị Ðại Diện Chúa Kitô, "Successor Petri" (vị Kế Nghiệp Phêrô), "Ostiarius Regni caelorum" (Người canh cửa Nước Trời", "Pater Patrum" (Cha của các người Cha); "Lumen Apostolicum" (Ánh Sáng Tông Ðồ) và như Thi Sĩ Dante (người Ý) gọi vị Giáo Hoàng là "Prefetto del Foro Divino" (người cai quản tòa trong của Thiên Chúa).
Hỏi: Vậy nếu vị Giáo Hoàng đau yếu?
Ðáp: Người cha không bao giờ từ bỏ gia đình: gia đình muốn ở với người cha mình, cả khi người cha đau yếu. Và không phải vì Ðức Giáo Hoàng thi hành chức vụ của ngài tốt hơn, khi ngài được khỏe mạnh. Việc tử đạo của biết bao Vị Giáo Hoàng đã soi sáng, hướng dẫn Thừa Tác Vụ Phêrô.
Hỏi: Nhưng đây nói về các hoạt động.
Ðáp: Cái cốt yếu của Giáo Hội ở trong hy sinh của Chúa Kitô, Giáo Hội nảy sinh bởi Thánh Giá. Không bao giờ được tách lìa chức vụ Phêrô khỏi Máu Thánh Chúa Kitô.
Hỏi: Vậy về phương diện pháp lý?
Ðáp: Vị Giáo Hoàng không phải là đại diện hay vị thừa ủy của Viện Giám Mục và cũng không phải là Vị Ðại Diện hay thừa ủy của Viện Hồng Y. Ngài là đại diện Chúa Kitô, ngài thông phần của sứ mệnh này và như Chúa Kitô ngài liên kết khăng khít, không thể li khai, với Giáo Hội và như vậy ngài là đại diện Chúa Kitô.
Từ chức ư? Không có và sẽ không có. ÐTC là "Universalis Pater" (Cha chung toàn thể Giáo Hội) và không thể từ bỏ quyền và chức vụ nguời Cha được.
Chúng tôi xin thêm: Giáo Sư Jean Guiton, người Pháp, mới qua đời, triết gia Công Giáo nổi tiếng của thế kỷ này, bạn thân của Ðức Phaolo VI, đã viết cuốn sách về Vị Giáo Hoàng bạn thân của mình, một lần trong buổi nói chuyện thân mật ở Vatican, đã hỏi ÐTC về vấn đề từ chức, vì báo chí hồi đó cũng nêu lên vấn đề. Hơn nữa chính Ðức Phaolô VI là vị đã làm luật: Các Hồng Y khi tới 80 tuổi không được vào Mật Viện bầu Giáo Hoàng nữa và các vị giáo sĩ cấp cao trong Giáo Hội (Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục chính tòa hay hiệu tòa... khi tròn 75 tuổi, sẽ làm đơn đệï lên ÐTC xin từ chức và tùy ngài quyết định. Trả lời câu hỏi của Giáo Sư Jean Guiton, Ðức Phaolo VI nói một cách thành thực rằng: Một người cha không bao giờ từ chức, từ bỏ quyền và nhiệm vụ người cha của mình.
Vấn đề nêu lên (tự do ngôn luận) không phải là mới mẻ, không phải là lần thứ nhất và cũng không phải là lần cuối cùng, như Ðức Hồng Y Fagiolo nhắc trên đây. Vấn đề do Tờ Los Angeles Times đặt ra có thể vì trong chuyến viếng thăm Ba Lan trong những ngày này, ÐTC bị té ngã (không có gì nặng) và bị sốt vì thời tiết thay đổi, không cử hành Thánh Lễ cho công chúng tại Cracovia được ngày thứ Ba 15/06/99 vừa qua. Ðây có thể là tin "giật gân", gây tò mò cho nhiều độc giả. Trái lại, ngày hôm sau, thứ Tư 16/06/99, ÐTC trở lại hoạt động theo đúng chương trình (Thánh Lễ phong Hiển Thánh kéo dài 3 tiếng đồng hồ) và còn ngoài chương trình nữa (cuộc gặp gỡ ban chiều kéo dài tại Wadowice), và sau đó, trở về Cracovia, ÐTC còn viếng thăm ba nhà thờ nữa: nhà thờ Hy Lạp Công Giáo gần Tòa Tổng Giám Mục, nhà thờ kính Ðức Maria, tại Quảng Trường của Khu Chợ Cracovia; và sau cùng nhà thờ của các Cha Ða Minh và cộng đồng Ða Minh, cạnh nhà thờ. Những công việc này ít được báo chí lưu ý, vì không phải là những loại tin "giật gân".