Ðiểm báo xuất bản tại Ý ngày Chúa Nhật 13/06/99 về chuyến thăm mục vụ của ÐTC tại Ba Lan.
Nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire), số ra ngày Chúa Nhật 13.06.99 đăng một bài xã thuyết về Quảng Trường "Chiến Thắng" ở Thủ Ðô Ba Lan. Thử hỏi có gì lạ tại Quảng Trường này? Từ Quảng Trường này, tình hình chính trị tại Ba lan và các nước Trung- Ðông Âu dưới chế độ cộng sản Liên Xô bắt đầu thay đổi và vẫn tiếp tục thay đổi trong 20 năm qua. Những thay đổi quan trọng và lịch sử này được khởi sự bằng thánh lễ đầu tiên do Ðức Karol Wojtyla, Vị Giáo Hoàng tiên khởi của Ba Lan và của dân tộc Slavô, cử hành tại đây ngày 2.06.1979, Lễ Hiện Xuống, trong chuyến viếng thăm đầu tiên của ngài tại Quê Hương.
Lúc đó, (năm1979) Thánh Lễ đã được cử hành tại Quảng Trường "Chiến thắng", với sự tham dự của hơn một triệu người, đến từ các miền khác nhau trong nước, dù gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển do chính phủ cộng sản gây nên. Số người tham dự được biết đến nhờ vào các chuyên viên (cách riêng ông Franco Tonini) của Ðài Truyền Hình Ý, lúc đó trọ tại Khách Sạn "Chiến Thắng" của thủ đô Warszawa. Nhân viên đài truyền hình Ý đã thu lượm tất cả biến cố với những máy tối tân, được đặt tại các cửa sổ của khách sạn, kế bên Quảng Trường . Sau đó, khi trở về Ý, Ðài Truyền Hình đã cho chiếu lại Thánh Lễ với số người tham dự trên hệ thống Mondovision. Trái lại đài truyền hình Nhà Nước cộng sản Ba Lan che giấu con số người tham dự. Ba máy chiếu của TV Ba Lan lúc đó chỉ chú trọng nhằm vào hình ảnh Ðức Gioan Phaolô II dâng Thánh Lễ trên bàn thờ mà thôi. Sau Thánh Lễ ngày mồng 2 tháng 6 năm 1979, người dân Ba Lan tự động đổi tên Quảng Trường "Chiến Thắng" thành Quảng Trường "Thánh Lễ của ÐTC" để ghi nhớ muôn đời Thánh Lễ thứ nhất của Vị Hồng Y tiên khởi người Ba Lan được bầu làm Giáo Hoàng trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo. Một thay đổi mang ý nghĩa rất sâu xa và hướng về tương lai. Quảng Trường này đã thay đổi không những tình hình chính trị tại Ba Lan, nhưng còn tại các nuớc Trung-Ðông Âu dưới chế độ cộng sản Liên Xô nữa vào cuối năm 1989.
Trước năm 1979, một lãnh tụ cộng sản uy tín của Ba Lan, ông Wladislaw Gomulka, phàn nàn về sự suy sụp không thể tránh được của đảng cộng sản. Ông nói: Từ diễn đàn của đảng chúng ta, vang lên một giọng nói chết, không có sức hấp dẫn gì cả, trong lúc người dân chờ đợi những lời sống động.
Một nguời Ba Lan khác, không phải cộng sản, trở thành Giáo Hoàng, đã có khả năng đem lại những lời sống động thay thế cho những tuyên truyền rỗng tuếch của chế độ, hoàn toàn lệ thuộc Liên Xô, dưới quyền lãnh đạo độc tài của chủ tịch Leonida Breznev. Không ai quên được vụ đàn áp đẫm máu của Liên Xô tại Thủ Ðô Praga ngày 20-21 tháng 8 năm 1968, nhằm đè bẹp Mùa Xuân cách mệnh do ông Aleksander Dubcek khởi xướng. Cũng không quên được vụ đàn áp của Liên Xô tại thủ đô Budapest tháng 10-11 năm 1956, do ông Nagy cầm đầu chống lại chế độ độc tài cộng sản.
Cuộc cách mạnh hòa bình tại Ba Lan do Ðức Gioan Phaolô II khởi xướng ngày mồng 2 tháng 6 năm 1979, Ngày Lễ Hiện Xuống, không bằng vũ lực, nhưng bằng cầu nguyện, bằng ca hát, bằng việc khẩn xin Chúa Thánh Thần biển đổi Trái Ðất này, biến đổi Ba Lan. Hơn một triệu người đã hoan hô, đón nhận những lời hòa bình của ÐTC; Rồi sau đó, để bày tỏ lòng biết ơn đối vị lãnh đạo tinh thần, tất cả đồng thanh hát lên bài "Sto lat" (chúc thọ: 100 tuổi). Thánh Lễ cử hành trong yên lặng, nghiêm trang, sốt sắng. Nhưng trong bài giảng: "những lời sống động", tiếng hoan hô, những tràng pháo tay hầu như không ngớt, kéo dài tới 10 - 15 phút. Tràng pháo tay đầu tiên, khi dân chúng được Ðức Gioan Phaolô II cho biết: Năm 1966, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm rao giảng Tin Mừng tại Ba Lan, Ðức Phaolô VI đã muốn viếng thăm, nhưng bị nhà cầm quyền cộng sản từ chối. Ðức Gioan Phaolô II nói: "Ðức Phaolô VI đã giữ lại nơi tâm hồn ngài ước muốn này cho tới lúc qua đời (1978). Và chúng ta thấy rằng ước muốn này mạnh mẽ và sâu xa như vậy đến độ phải chờ đợi cả một Triều Giáo Hoàng (Ðức Phaolô VI lên ngôi 1963 và qua đời 1978). Ngày nay chuyến viếng thăm này được thực hiện và với một cách không ai dám nghĩ tới". Lời này có nghĩa là: Người ta không thể ngăn cấm một Vị Giáo Hoàng người Ba Lan, vị Giáo Hoàng thứ nhất trong lịch sử, trở về bản quán của mình. Và Ðức Gioan Phaolô II nói lên một câu khác nữa, mọi người đều hiểu cả, người gần cũng như người xa: "Không thể loại trừ Chúa Kitô ra khỏi lịch sử của nhân loại được, trong bất cứ miền nào trên Trái Ðất này. Việc loại trừ Chúa Kitô khỏi lịch sử nhân loại là một hành động chống lại chính nhân loại. Không có Người, không thể hiểu được lịch sử của Ba Lan và nhất là lịch sử của con người: những nguời đã qua đi, những đang sống trên Trái Ðất này. Lịch sử của con người được diễn ra nơi Chúa Kitô Giêsu. Nơi Người có lịch sử cứu rỗi". Dân chúng vỗ tay hoan hô tới 15 phút những lời của Ðức Gioan Phaolô II nói lên ngày 2.06.1979 tại Quảng Trường Chiến Thắng. Ngài đón nhận tất cả cử chỉ chấp nhận hăng say này của dân chúng, đang đói khát Thiên Chúa. Ðức Hồng Y Stefan Wyszynski ngồi bên cạnh Ðức Gioan Phaolô II, với nét mặt nghiêm nghị, cúi đầu, nhắm mắt. Ngài thông cảm với dân chúng và rung động với họ trước những lời mạnh mẽ cũa Vị Giáo Hoàng trẻ trung này, vẫn gọi ngài là Cha và là Thầy, là Cột Trụ của Giáo Hội Ba Lan trong những cơn phong ba bão táp.
Ðài truyền hình của Nhà Nước rất lúng túng, lúc đó đang truyền trực tiếp Thánh Lễ, nhưng không truyền đi hình ảnh của đám đông biển người tham dự Thánh Lễ và hoan hô Ðức Gioan Phaolô II, như Vị Cứu Tinh Ðất Nước. Họ lo sợ. Ðối với đài truyền hình, vỗ tay hoan hô trong 15 phút được coi như thời giờ vô tận, nhất là phải chiếu lại những tràng pháo tay hoan hô một Vị mà chế độ miễn cưỡng phải tiếp đón và coi như "một người phá hủy". Hoan hô vỗ tay vẫn tiếp tục, cách riêng khi Ðức Gioan Phaolô II cầu nguyện trong phần kết bài giảng: "Xin hãy sai Thần Khí của Chúa xuống và xin hãy đổi mới mặt đất này". Sau 20 năm, ÐTC nhắc lại lời cầu nguyện này trong diễn văn đọc trước Quốc Hội thứ Sáu 11/06/99 vừa qua. Chúa Thánh Thần đã đến và đã đổi mới mọi sự tại Ba Lan trong 20 năm qua.
Theo bài xã thuyết của nhật báo Tương Lai (Avvenire), thì chuyến trở về Ba Lan của Ðức Gioan Phaolô II từ mồng 2 đến mồng 10 tháng 6 năm 1979, đã để lại một dấu vết không thể xóa nhòa được trên con đường lịch sử. Cuộc va chạm đầu tiên giữa những lời "chết" thường vang lên trên các diễn đàn của các vị quyền thế, không những tại Ba Lan và trong năm 1979 mà thôi, và những lời "sống động" của một Vị, không có một sư đoàn nào, đã có những hậu quả khác nhau. Ðức Gioan Phaolô II đã đến và đang đến với dân tộc Ba Lan với những lời hằng sống của Chúa Kitô, những lời đem lại ơn giải thoát và niềm hy vọng cho Giáo Hội và cho Quê Hương. Nhiều lãnh tụ cộng sản Ba Lan nay đã hiểu như vậy. Tướng Jaruzelski, người đã miễn cưỡng phải tiếp đón Ðức Gioan Phaolô II lần đầu tiên tháng 6 năm 1979, đã công nhận thành thực rằng: "Ðức Gioan Phaolô II không phải là người phá hủy Ba Lan, nhưng là người xây dựng Ðất Nước chúng ta". Ông đã hiện diện trong lúc ÐTC viếng thăm Quốc Hội và vỗ tay hoan hô ngài.
Và trong chuyến viếng thăm lần này dân chúng và cả báo chí nữa đã gọi Ðức Gioan Phaolô II là "Người Cha" của Quốc Gia Ba Lan.