Tường thuật
Thánh Lễ Phong Chân Phước
tại Thủ Ðô Warsava
sáng Chúa Nhật 13/06/99

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật Thánh Lễ Phong Chân Phước tại Thủ Ðô Warsava sáng Chúa Nhật 13/06/99.

Sáng Chúa Nhật 13/06/99: ÐTC chủ sự Thánh Lễ phong Chân Phước cho 108 vị tử đạo thời Thế Chiến Thứ Hai cùng với hai vị chân phước khác nữa là một Nữ Tu Regina Protman, sáng lập dòng Các Nữ Tu của Thánh Caterina, và Chân Phước giáo dân Edmundo Boyanowski, sáng lập viên dòng các Nữ Tì của Ðức Maria Vô Nhiễm.

Thánh Lễ đã diễn ra tại Quảng Trường Pilsudski ở thủ đô Warsava. Hơn 700 ngàn tín hữu Ba Lan đã đến dự thánh lễ, trong số này có cả Tổng Thống Ba Lan, ông Alexander Kwasniewski và Thủ Tướng Jerzy Buzek và nhiều viên chức trong chính phủ. Ðặc phái viên của hãng thông tấn Reuters đã gọi đây là Thánh Lễ phong Chân Phước lớn nhất của ÐTC Gioan Phaolô trong hơn 20 năm làm Giáo Hoàng. Ða số các vị Chân Phước tử đạo được tôn phong là những vị bị giết chết trong lò hơi ngạt hoặc vì bị đối xử tàn tệ trong các trại tập trung. Một điểm được các ký giả lưu ý đến nhiều trong Thánh Lễ phong Chân Phước Chúa Nhật 13/06/99, là nơi ÐTC cử hành Thánh Lễ, Quảng Trường Pilsudski.

Trước đây Quảng Trường này được biết với tên là Quảng Trường Chiến Thắng (Victory Square). Tại đây, vào ngày mùng 2 tháng 6 năm 1979, ÐTC đã cử hành Thánh Lễ công khai đầu tiên của ÐTC, khi ngài trở về viếng thăm Ba Lan lần đầu tiên sau khi lên ngôi Giáo Hoàng vào tháng 10 năm 1978. Thánh Lễ đầu tiên năm 1979 đã được coi như là một biến cố lịch sử, trong đó ÐTC đã cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần đến "canh tân bộ mặt của Ba Lan". Lời cầu nguyện này được các người đồng hương Ba Lan của ÐTC hiểu là một lời cầu nguyện xin thay đổi chế độ cai trị ở Ba Lan. Chính lời cầu nguyện này của ÐTC đã trở thành động lực khích lệ tinh thần của phong trào Công Ðoàn Liên Ðới, đánh bại chế độ cộng sản ở Ba Lan. Chính quyền cộng sản Ba Lan thời đó đã cho phép truyền hình trực tiếp Thánh Lễ, tuy nhiên vì e ngại uy tín và ảnh hưởng tinh thần của ÐTC, buổi truyền hình trực tiếp này không hề quay cảnh số đông đảo vượt mức tưởng tượng của các tín hữu đến dự Thánh Lễ. Quảng Trường Chiến Thắng, nay đã được đổi tên lại, lấy theo tên của thống chế Josef Pilsudski, một anh hùng giải phóng của Ba Lan vào đầu thế kỷ thứ 20 và là người có lập trường chống đối mạnh mẽ chủ nghĩa cộng sản. Quảng Trường này cũng là nơi đặt đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh của Ba Lan.

Trở lại Quảng Trường này 20 năm sau, ÐTC Gioan Phaolô II đã dâng lời cảm tạ vì lời cầu nguyện của ngài đã được Thiên Chúa lắng nghe. Ngài nói như sau: "Làm sao chúng ta lại không cảm tạ Thiên Chúa, cho những gì đã diễn ra trong lịch sử từ 20 năm qua mà chúng ta coi như sự đáp lại của Thiên Chúa cho lời cầu nguyện của chúng ta. Trước mắt chúng ta, những thay đổi chính trị, những hệ thống xã hội và kinh tế đã xảy ra, cho phép con người phục hồi lại phẩm giá của họ". Trong ngày thứ 9 của chuyến viếng thăm này, ÐTC trở lại với chủ đề chính của chuyến viếng thăm của ngài, đó là nhắc nhở người dân Ba Lan đừng từ bỏ những giá trị đã là kim chỉ nam dẫn đưa họ qua một quá khứ khó khăn, giữa lúc họ đang phải đương đầu với những cám bẫy luân lý của thời đại. ÐTC nói tiếp như sau: "Sự thật và công lý đang phục hồi những giá trị thích đáng của chúng, và trở thành một thách đố cho những ai đang biết cảm nhận hồng ân tự do này. Người dân Ba Lan không được quên những hy sinh của cha ông đi trước họ. Và giáo hội Công Giáo Ba Lan luôn luôn được tái sinh bởi hạt giống máu đức tin của các vị tử đạo".

Trong Thánh Lễ phong Chân Phước tại thủ đô Varsava sáng Chúa Nhật 13/06/99, ngoài 108 vị Tử Ðạo, còn có một Chân Phước Nữ Tu sống vào thế kỷ thứ 16 của Ba Lan, Nữ Tu Regina Protmann, người đã săn sóc cho các nạn nhân của dịch bệnh thời đó. Và Chân Phước Giáo Dân Edmund Bojanowski, sống vào đầu thế kỷ thứ 19 (1814-1871), nhân viên hoạt động trong ngành xã hội bác ái và là người đã sáng lập một dòng tu cũng như hoạt động rất tích cực trong việc kháng chiến chống lại người Nga (Prussian). Trong số 108 vị Chân Phước Tử Ðạo, người ta lưu ý đến một Giáo Dân, bà Marianna Biernacka, 55 tuổi, đã tình nguyện chết thay cho con dâu của bà lúc đó đang mang thai. Người con dâu này đã bị Ðức Quốc Xã chọn đưa ra pháp trường tử hình. Cách chung điều đánh động tâm hồn của các tín hữu Ba Lan nhiều nhất, vẫn là sự hy sinh anh dũng và can đảm của những vị Tu Sĩ Tử Ðạo, nạn nhân của Ðức Quốc Xã. Trong bài giảng Thánh Lễ, ÐTC Gioan Phaolô II đã đặc biệt nhắc đến số phận của Ðức Tổng Giám Mục Julian Nowowiejski, 83 tuổi, đã bị lính canh Ðức Quốc Xã trong trại tập trung đánh đập, lột truồng và hạ nhục, chỉ vì ngài không chịu đạp chân lên cây Thánh Giá Giám Mục của mình. Một trường hợp khác là của Ðức Cha Wladyslaw Goral, bị giam trong trại tập trung. Nhờ sự can thiệp của Tòa Thánh lúc đó, Ðức Cha Goral không bị tử hình, nhưng ngài chết vì suy dinh dưỡng trong trại tập trung ở Sachsenhausen, chỉ vài tháng trước khi trại này được giải phóng khỏi tay Ðức Quốc Xã. Tuy nhiên, dù có nhắc lại những điều bi thảm đau thương mà các vị tử đạo đã phải chịu, nhưng ÐTC mời gọi những người Ba Lan ngày nay hãy cảm tạ Thiên Chúa, và tin tưởng nhìn đến tương lai. Ba Lan ngày nay phải nêu gương sống nhân từ yêu thương cho những thế hệ mới đến sau.

Giáo hội Công Giáo Ba Lan đã bị Ðức Quốc Xã đàn áp dã man trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến, bởi vì quân Ðức coi giáo hội như là trọng tâm của cuộc kháng chiến chống quyền cai trị của người Ðức. Nhiều vị Linh Mục đã bị bắt giữ vì tội hoạt động tôn giáo trái phép. Trong số này có Cha Josef Pawlowski, đã bị treo cổ trong trại tập trung Dachau vào năm 1942, về tội giúp đỡ cho người Do Thái. Linh Mục Zygmunt Pasarski, bị bắt và bắn chết vào năm 1943 vì không muốn phản bội những người cộng sản thời đó, những người mà chắc chắn sẽ chịu cùng số phận nếu họ cũng bị Ðức Quốc Xã bắt. Trong số các vị tử đạo được phong Chân Phước còn có 5 người Công Giáo trẻ, bị chém đầu trong sân trại tù ở Dresden vì đã tham gia hoạt động kháng chiến, và 2 vị Linh Mục khác đã săn sóc cho những người bị thương, trong cuộc nổi dậy bị thất bại của người dân tại Varsava dạo năm 1944. (AFP, Reuters 13/06/99)

Trong Thánh Lễ Phong Chân Phước, ÐTC cũng làm phép viên đá đầu tiên của Ngôi Vương Cung Thánh Ðường mới, sắp được xây cất tại Thủ Ðô Warsava, để cảm tạ Thiên Chúa vì sự tự do dành lại được. ÐTC cũng đã làm phép một mẩu tượng Ðức Mẹ Czestochowa để cho dân chúng thủ đô Warsava kính viếng. Chính ÐTC, vào ngày 17 tháng 6/1999 nầy, vào cuối chuyến viếng thăm, cũng sẽ đến kính viếng Mẹ Maria tại Ðền Thánh Czestochowa, trước khi đáp máy bay về lại Roma.


Back to Radio Veritas Asia Home Page