Thứ Sáu 11/06/99
ÐTC gặp gỡ Tổng Thống Ba Lan
tại dinh Tổng Thống
và đọc diễn văn trước Quốc Hội Ba Lan

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thứ Sáu 11/06/99 ÐTC gặp gỡ Tổng Thống Ba Lan tại dinh Tổng Thống và đọc diễn văn trước Quốc Hội Ba Lan.

ÐTC bắt đầu chương trình ngày thứ Sáu 11/06/99 bằng cuộc gặp gỡ Tổng Thống Ba Lan, ông Alexander Kwasniewski tại dinh Tổng Thống. Rồi sau đó ngài đến viếng thăm và đọc diễn văn trước Quốc Hội Ba Lan.

Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Quốc Hội và bài diễn văn của ngài có tính cách lịch sử, bởi vì đây là bài diễn văn đầu tiên của ngài trước Quốc Hội Ba Lan, một Quốc Hội dân chủ, tuy là có một số nhà làm luật tại Thượng Viện cũng như Hạ Viện, trước đây là các thành viên cựu cộng sản. Hiện diện tại Quốc Hội để nghe bài diễn văn của ÐTC có Tổng Thống Alexander Kwasniewski, Thủ Tướng Jerzy Buzek và các vị Bộ Trưởng trong nội các, 560 Thượng Nghị Sĩ và Dân Biểu, các nhân vật cao cấp trong ngành tư pháp, các nhà lãnh đạo tôn giáo, và các nhà ngoại giao. Ðặc biệt là sự hiện diện của hai vị cựu Tổng Thống Ba Lan, được coi là hai kẻ thù của nhau, một là người ra lệnh giam tù và người thứ hai là kẻ bị giam tù trong thời cộng sản cai trị Ba Lan; hai vị nầy là Tướng Jaruzelski, và ông Lech Walesa. Tướng Jaruzelski là người đã ban hành thiết quân luật tại Ba Lan dạo năm 1981 với mục đích là để dẹp tan Công Ðoàn Liên Ðới Ba Lan, do ông Lech Walesa cầm đầu. Tướng Jaruzelski cũng là người đã ra lệnh giam tù ông Walesa. Tướng Jaruzelski là chủ tịch đảng cộng sản Ba Lan trong suốt thập niên 1980. Sau khi chế độ cộng sản Ba Lan sụp đổ dạo năm 1989, ông tiếp tục giữ ghế lãnh đạo với điều kiện là ông phải đảm bảo cuộc chuyển tiếp ôn hòa và êm thắm tại Ba Lan, từ một chính phủ độc tài chuyên chế sang một nước dân chủ và chủ trương theo đuổi thị trường tự do. Riêng ông Lech Walesa, cựu lãnh tụ Công Ðoàn Liên Ðới và là người được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1983. Ông đã đắc cử chức Tổng Thống Ba Lan trong một cuộc bầu cử dân chủ, tự do, vào năm 1990 và kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1995. Ra tái tranh cử ghế Tổng Thống, ông đã bị một cựu thành viên cộng sản đánh bại, một phần vì sự bất mãn của các cử tri Ba Lan trước đời sống kinh tế khó khăn, phát sinh từ những cải tổ theo hướng thị trường tự do. Người đánh bại ông là đương kiêm Tổng Thống Ba Lan, ông Alexander Kwasniewski.

Trở lại bài diễn văn của ÐTC tại Quốc Hội Ba Lan, với sự quan tâm và lo lắng của một người cha và là nhà lãnh đạo tinh thần, Ðức Gioan Phaolô II đã trao phó tương lai của Ba Lan cho các nhà làm luật. Trong cương vị là người cha đỡ đầu của sự tự do mà Ba Lan đã tìm lại được cách đây 10 năm; ÐTC đã chúc lành cho sự tự do này, và khuyên nhủ các Chính Trị Gia Ba Lan rằng, họ phải được khích lệ nhờ những hy sinh của những thế hệ đi trước họ và quên đi những tư lợi nhỏ nhặt của riêng cá nhân. Với giọng đọc đầy xúc động, và ám chỉ tới lịch sử Ba Lan cách đây 10 năm, ÐTC nói như sau: "Khuôn mặt cụ thể của tự do và dân chủ tại Ba Lan tùy thuộc nơi quí vị. Ai có thể tưởng tượng được những điều như thế lại xảy ra. Thật là một biến cố lạ thường." ÐTC gợi lại cuộc tranh đấu đầy cam go cho nền dân chủ tại Ðông Âu, nhưng không đề cập tới sự ủng hộ mạnh mẽ của ngài cho sự chống đối bất bạo động, chống lại chính thể độc tài chuyên chế; sự ủng hộ đó đã trở thành động lực dẫn tới việc thành lập phong trào Công Ðoàn Liên Ðới. ÐTC cho rằng, sự anh dũng và sức mạnh luân lý của Công Ðoàn này, đã đưa tới sự cáo chung của chế độ độc tài mà không có đổ máu dạo năm 1989, phải có một ảnh hưởng sâu đậm hơn đối với nền chính trị hiện nay của Ba Lan. ÐTC nói tiếp như sau: "Chúng ta không được phép quên những biến cố này. Chúng đã mang lại, không những sự tự do từ lâu được khao khát, nhưng đồng thời cũng đóng góp một cách quyết định vào sự sụp đổ của những bức tường, những bức tường mà từ gần nửa thế kỷ, đã chia rẽ nhiều xã hội và quốc gia trong phần đất của Âu Châu này khỏi thế giới tự do".

ÐTC đã ứng khẩu nói lên cảm giác vui mừng của ngài về sự kiện Âu Châu không còn bị đe dọa bởi chiến tranh nguyên tử sau khi bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Cuộc viếng thăm này của ÐTC tại Ba Lan là một cử chỉ thừa nhận những tiến bộ về mặt kinh tế và xã hội trong một thập niên qua tại Ba Lan, mặc dù bầu khí chính trị đôi lúc cũng mang lại nhiều sóng gió. Ám chỉ tới ảnh hưởng to lớn của cựu Liên Bang Sô Viết tại Ba Lan sau Ðệ Nhị Thế Chiến, ÐTC bày tỏ với các Chính Trị Gia Ba Lan là ngài thừa biết rằng, xây dựng một nền dân chủ mới là điều khó khăn sau nhiều năm thiếu vắng tự do. Tuy nhiên, tương lai của Ba Lan không thể được xây dựng nếu không được dựa trên nền đạo đức, đây là một vai trò cho giáo hội; và cũng không thể thiếu một sự ý thức về trách nhiệm, và cũng không thể bỏ lại đằng sau những thành phần kém may mắn để vội vã kiếm tìm sự thịnh vượng. ÐTC căn dặn như sau: "Mỗi một sự thay đổi nào về mặt kinh thế cũng phải nhắm xây dựng một thế giới nhân bản hơn và công bằng hơn". Lời căn dặn này của Ðức Gioan Phaolô II cũng là chủ đề chính của các bài diễn văn ÐTC trong những ngày đầu chuyến viếng thăm của ngài tại Ba Lan.

Một chủ đề quan trọng khác được ÐTC nói đến, đó là nỗi lo sợ của ngài về việc các giá trị truyền thống liên kết người dân Ba Lan trong giai đoạn khó khăn có thể bị đánh mất khi Ba Lan sống trong một giai đoạn cởi mở hơn. ÐTC cũng không quên nhắc đến một hồng ân lịch sử khác của 10 năm trước đây, mà hiện đang có nguy cơ bị đánh mất, đó là cơ hội để thống nhất Âu Châu. Ngài nói như sau: "Những biến cố cách đây 10 năm tại Ba Lan đã tạo nên một cơ hội lịch sử cho Âu Châu, bỏ lại vĩnh viễn những rào cản về ý thức hệ và tìm lại con đường tiến tới hiệp nhất. Nhưng thay vì hiệp nhất với nhau trong tinh thần như mong đợi, chúng ta đang chứng kiến những sự chia rẽ và tranh chấp mới. Cần phải có những sáng kiến và hành động cụ thể để ngăn ngừa sự chia rẽ và tranh chấp mới này tại Âu Châu. Giáo Hội muốn cảnh cáo đứng trước một cái nhìn thu hẹp cho Âu Châu, trong đó người ta chỉ chú trọng tới khía cạnh kinh tế và chính trị nhưng lại quên đi khía cạnh tinh thần. Và giáo hội cũng chống lại thái độ thiếu phê bình đối với những mô hình xã hội duy vật. Nếu chúng ta muốn sự hiệp nhất mới này của Âu Châu được tồn tại, chúng ta phải xây dựng Âu Châu dựa trên căn bản của các giá trị tinh thần, các giá trị đã một lần là những giá trị nền tảng của Âu Châu; Ðồng thời chúng ta vẫn nhớ tới sự phong phú và khác biệt trong truyền thống và văn hóa của riêng mỗi quốc gia". (AFP, Reuters 11/06/99).

ÐTC đã nhấn mạnh nhiều lần rằng phẩm giá con người phải là trung tâm của chính trị và luật pháp. Một quốc gia đa nguyên (pluraliste) không thể nào chối bỏ những quy phạm luân lý. Một nền dân chủ mà không có những giá trị luân lý đạo đức làm nền tảng, thì sẽ dễ dàng đi đến sự độc tài. Mục tiêu của chính trị phải là xây dựng một xã hội nhân bản hơn và công bằng hơn. Vì thế, cần phải bảo vễ sự sống con người và gia đình, bảo vệ quyền làm việc và chú ý chăm sóc ưu tiên cho những kẻ kém may mắn.

Toàn thể thính giả trong Quốc Hội đã vổ tay hoan hô ÐTC thật lâu, nói lên sự trân trọng đối với những lời giải bày quan trọng của Ngài.

Biến cố quan trọng thứ hai của ngày thứ Sáu 12/06, là cuộc gặp gỡ của ÐTC với Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan trong bửa cơm Trưa tại Tòa Giáo Chủ Ba Lan. Trong dịp nầy, ÐTC gởi đến các Giám Mục Ba Lan những lời khuyên quan trọng cho công việc mục vụ của các ngài trong hoàn cảnh Ba Lan ngày nay. Chúng tôi sẽ kể tiếp trong chương trình phát thanh tiếp sau.


Back to Radio Veritas Asia Home Page