Tường thuật
ngày Thứ Năm 10/06/99:
Từ WiGRY, ÐTC đi thăm hai địa điểm:
thị xã SIEDLCE và làng DROHICZYN

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật ngày Thứ Năm 10/06/99: Từ WiGRY, ÐTC đi thăm hai địa điểm: thị xã SIEDLCE và làng DROHICZYN.

Thứ Năm 10/06/99 là ngày thứ sáu của chuyến viếng thăm 13 ngày tại BaLAN. Từ WiGRY, ÐTC đi thăm hai địa điểm: thị xã SIEDLCE và làng DROHICZYN.

SIEDLCE là thị xã có 75 ngàn dân, là thủ phủ của giáo phận mang cùng tên. Dân số trong giáo phận là 750 ngàn trong số nầy người Công Giáo có 736 ngàn, tức 98 phần trăm, được chăm sóc mục vụ bởi 591 Linh Mục triều, 59 Linh Mục Dòng, 20 nam Tu Sĩ không có chức Linh Mục và 386 Nữ Tu. Trong giáo phận SIEDLCE nầy còn có 12 ngàn tín hữu Chính Thống Giáo, một cộng đoàn nhỏ 80 người thuộc giáo hội Tin Lành Luthêrô, và một giáo xứ giáo hội Ðông Phương Byzantinô-Slavô. Vào thời thế chiến thứ hai, một phần ba dân số của thị xã Siedlce là người Do Thái, bị Ðức Quốc Xã bắt đi đày và cuối cùng bị tiêu diệt tại phòng hơi ngạt ở TREBLINKA. ÐTC cử hành Thánh Lễ kính các vị Chân Phước Tử Ðạo, và với sự tham dự của những tín hữu Công Giáo nghi lễ Ðông Phương Hy Lạp. Có khoảng 500 ngàn người tham dự Thánh Lễ nầy với ÐTC.

Trong bài giảng Thánh Lễ ÐTC đã nhắc đến một biến cố rất thân yêu của người tín hữu Công Giáo Ðông Phương, thuộc giáo phận nầy. Ðó là 13 vị Tử Ðạo tại Pratulin, mà chính ÐTC đã phong Chân Phước cho họ vào năm 1996. 13 vị Tử Ðạo nầy đã bị lính Nga Hoàng bắn chết vào năm 1874, vì không muốn cho giáo hội Ðông Phương của họ đang hiệp nhất với Roma, bị sáp nhập vào giáo hội Chính Thống. ÐTC nhắc đến bài học lịch sử nầy như sau:

Những anh chị em Công Giáo Hy Lạp của thế kỷ 20 nầy có cùng một tinh thần sống trung thành với Chúa Kitô và trung thành với Giáo Hội, dù bị chế độ cộng sản Ba Lan đàn áp trong khoảng thời gian từ năm 1946 cho đến năm 1989. Nhân loại ngày hôm nay đang cần đến chứng tá địch thật sống đức tin, từ phía những người Kitô, tuy thuộc về giáo hội khác nhau, giáo hội Công Giáo Latinh và giáo hội Công Giáo Ðông Phương, nhưng biết hiệp nhất với nhau để biến đổi thế gian theo tinh thần phúc âm, nhất là biến đổi thế giới bao la và phức tạp của sinh hoạt chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa, liên lạc quốc tế, và thế giới của các phương tiện truyền thông xã hội. ÐTC Gioan Phaolô II nhấn mạnh thêm rằng công cuộc tái rao giảng phúvc âm ngày nay đang cần đến những con người sẵn sàng hy sinh. ÐTC kết thúc bài giảng bằng việc cất hát lên bài ca tiếng Ba Lan và mọi nguời hăng say đáp lại hát vang lên với ÐTC.Bài ca có ý nghĩa như sau: Hỡi Thập Giá Chúa Kitô, chúng con xin dâng lời chúc tụng. Chúng con chào mừng Thập Giá nầy luôn mãi. Từ Thập Giá phát sinh nguồn sức mạnh. Trong Thập Giá Chúa, chúng con chiến thắng.

Và buổi chiều (thứ Năm 10/06/99), trước khi đến thủ đô Warsava, ÐTC đi thăm DROHICZYN và chủ sự buổi cầu nguyện đại kết tại đây. DROHICZYN là một thị trấn nhỏ, chỉ có khoảng 3,000 dân cư, trung tâm du lịch và nông nghiệp, nằm cách biên giới Bielorusse khoảng 40 cây số. Trước sự hiện diện của những anh chị em Chính Thống Giáo, Tin Lành Luther, và các cộng đoàn Kitô khác không Công Giáo, ÐTC Gioan Phaolô II đã lên tiếng kêu gọi mọi người hãy góp công vào việc xây dựng sự hiệp nhất Kitô, hãy thực hiện một cuộc xét mình để nhìn thấy phần trách nhiệm của mình trong những chia rẽ ngày nay. ÐTC kết thúc bài giảng với lời kêu gọi như sau:

"Hãy đến, chúng ta hãy tiến lên núi Chúa, đến Nhà của Thiên Chúa Giacóp" (Is 2,3). Ðây là lời kêu gọi mà Tiên Tri Isaia đặt vào môi miệng của những dân tộc đang đói khát sự hiệp nhất và hòa bình.

Anh chị em thân mến, không gì có thể diễn tả điều vừa nói một cách tốt đẹp hơn và với sức mạnh hơn, cho bằng lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất, cho tình huynh đệ, cho đại gia đình quy tụ lại tất cả mọi người Kitô. Tình yêu Chúa Kitô thôi thúc chúng ta đến cầu nguyện như vậy. Chính Chúa Kitô đã ra lệnh cho chúng ta phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha như sau: Nguyện xin Nước Cha trị đến (x. Mt 6,10). Chỉ lời cầu nguyện mới làm cho chúng ta thật sự thay đổi tâm hồn. Cầu nguyện có sức mạnh hiệp nhất tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội trong tình huynh đệ của những con cái của Thiên Chúa. Cầu nguyện thanh tẩy sạch tất cả những gì làm cho chúng ta xa lìa Thiên Chúa và xa lìa nhau... Vì thế tôi khẩn thiết xin tất cả những ai đang quy tụ nơi đây hãy cầu nguyện sốt sắng cho sự hiệp thông trọn vẹn giữa các giáo hội. Ðể tiến lên thêm nữa trên con đường tiến đến sự hiệp nhất, chúng ta cần phải cố gắng, cần sống tốt lành đối với nhau, sống cởi mở và cảm nghiệm tình huynh đệ thật trong Chúa Kitô. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho ơn nầy. Chúng ta hãy xin Chúa cất đi những ngăn trở làm chậm lại việc đạt đến sự hiệp nhất hoàn toàn. Chúng ta hãy cầu nguyện sao cho tất cả mọi người chúng ta được trung thành chu toàn chương trình của Thiên Chúa, sao cho bình minh của Ngàn Năm mới được mọc lên trên những đồ đệ của Chúa Kitô đã được hiệp nhất với nhau nhiều hơn trước.


Back to Radio Veritas Asia Home Page