Ðiểm báo ngày 10/06/99 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ba Lan.
Các báo chí Ba Lan vẫn tiếp tục theo dõi với nhiều hăng say về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Quê Hương. Có thể họ coi chuyến viếng thăm này là chuyến viếng thăm cuối cùng.
Tại Wigry, chính ÐTC trong khi gặp dân chúng trên đường, trên con sông hoặc tại khu rừng của Wigry, đã nói với dân chúng như sau: "Ðây không phải là lần thứ nhất tôi đến miền Wigry. Trước đây, tôi đã có nhiều dịp viếng thăm, cách riêng trong các kỳ hè; nhưng lần này có lẽ là lần cuối cùng". Nghe đến lần cuối cùng, dân chúng trả lời ngay: Thưa không phải như vậy. Rồi họ cất hát bài Stolat: chúc ÐTC thọ100 tuổi. Dù sao tương lai ở trong tay Chúa Quan Phòng. Năm 1900, Năm Thánh thường lệ, nhiều người, cách riêng các vị trong Giáo Triều Roma, nghĩ rằng: sẽ không có Năm Thánh, vì Ðức Lêo XIII lúc đó (1878-1903), già yếu, thọ 90 tuổi rồi (ngài sinh năm 1810). Ðột nhiên ngài tuyên bố mở Năm Thánh 1900 và sau đó ngài còn sống thêm ba năm nữa, cho đến năm 1903. Các báo chí xuất bản sáng thứ Năm mùng 10/06/99 tại Ba Lan, đều tập trung vào ngày nghỉ của ÐTC ở miền Wigry, tại Ðan Viện cũ của Tu Sĩ Camaldolesi.
Nhật báo Zycie đề cao việc ÐTC dừng lại trong một gia đình nông thôn: hai vợ chồng và 5 người con. Ðây là một chuyến viếng thăm bất ngờ, không có ghi trong chương trình. ÐTC vào nhà, ngồi trên chiếc ghế gỗ và nói chuyện thân mật với hai vợ chồng, lâu khoảng 15 phút. Ngài hỏi về các vấn đề khó khăn của người dân miền này, sinh sống bằng nghề nông. Nhật báo Zycie cho biết: đây là gia đình nghèo; nhà ở bằng gỗ, nhỏ bé; trong vườn nhỏ có đặt tượng Ðức Mẹ, giống tượng Lộ Ðức. ÐTC hỏi: các vấn đề của gia đình là những vấn đề gì? Có mấy mẫu đất? Dân trong làng bao nhiêu người? Ngoài đồng ruộng trồng gì? Chủ nhà đáp lại các câu hỏi của ÐTC, rồi thưa ngài: Thực ra chúng con không có tham vọng gì cả, chỉ muốn lo lắng giáo dục con cái trở thành những con người tốt lành, đạo đức. Chúng con muốn sống đơn sơ, yêu mến Thiên Chúa và thương mọi người. Ngoài những chi tiết của báo chí, Ðài Truyền Hình cho thấy rõ: Hai ông bà rất cảm động về chuyến viếng thăm bất ngờ này, cả mấy người con cũng như cha mẹ, cảm động chảy nước mắt. Ðây là một ơn lớn lao, không bao giờ dám nghĩ tới: "ÐTC vào nhà chúng ta".
Cũng tờ Zycie thuật lại lời của Cha Henryk Paprocki, nhà Thần Học và Linh Mục thuộc Giáo Hội Chính Thống, đã tuyên bố như sau: "Chúng ta hy vọng rằng: chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II sẽ đem đến một thúc đẩy mới cho việc đối thoại giữa các người Công Giáo và Chính Thống trong xứ sở chúng ta". Một nhà thần học khác, Mục Sư Andrzej Debski, thuộc Giáo hội Tin Lành, tuyên bố: Chúng ta không muốn chỉ có sự khoan dung mà thôi giữa chúng ta, cần phải tiến hơn nữa". Một lãnh tụ Hồi Giáo tại Gdansk, ông Salim Chazbijewicz, tuyên bố: Chúng tôi biết ơn về 600 năm của sự khoan dung tôn giáo đối với Hồi Giáo tại nước chúng tôi. Xét về phương diện này, Ba Lan khác hẳn nhiều nước Châu Âu. Chúng tôi hy vọng rằng chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II sẽ góp phần rộng rãi hơn và sâu xa hơn vào việc đối thoại giữa các người Công Giáo và Hồi Giáo. Việc đối thoại là thể thức duy nhất, để đề phòng những vụ tranh chấp. Sứ điệp của chúng tôi được gởi tới tất cả các nguời Hối Giáo, nhất là những người Hồi Giáo sống tại Kosovo.
Cũng trên tờ Zycie, còn có một bài khác nói đến việc chuẩn bị sau cùng để đón tiếp ÐTC tại Quốc Hội Ba Lan. Báo này thuật lại lời tuyên bố của Ðức Cha Tadeusz Goclowski, Tổng Giám Mục Giáo Phận Gdansk: ÐTC rất hài lòng về chặng thứ nhất của chuyến viếng thăm tại Ba Lan. Chúng ta hy vọng nhiều là ÐTC khai mạc Ngàn Năm thứ Ba không những tại Vatican, nhưng tại cả Ba Lan nữa.
Nhật báo Rzeszpospolita đăng bài bình luận của Nữ Ký Giả Ewa Czeczkowska "ÐTC cởi mở với hết mọi người. Ngài cởi mở với mọi người không nhìn đến địa vị xã hội hay vật chất. Ngày thứ Tư vừa qua, mùng 9/06/99, ÐTC đã viếng thăm chính những người mà ngài đã nói đến trong bài giảng tại Elk về các người nghèo khổ, về phẩm giá con người. Trong chuyến viếng thăm gia đình nông thôn nghèo tại Wigry, ngài không đưa ra một giải pháp cho vấn đề cụ thể, nhưng ngài đã tỏ ra tình liên đới và tình yêu thương mà ngài dạy chúng ta. Cũng nhật báo này thuật lại chuyến viếng thăm gia đình nghèo nông thôn tại Wigry, rồi chuyến du ngoạn bằng thuyền máy trên hồ Wigry và trên sông nhỏ Augustowski, kính viếng đền thánh nhỏ kính Ðức Maria tại Studzieniczna, nơi đây ngài hành hương trước đây nhiều năm hồi còn là Linh Mục và Giám Mục Cracovia.
Tờ Rzeczpospolita cũng đăng bài phỏng vấn Ðức Cha Alfons Nossol, Giám Mục giáo phận Opole, hăng say trong việc hiệp nhất các tín hữu Kitô. Ngài tuyên bố: Ðối với ÐTC không có biên giới phân chia. ÐTC cho chúng ta thấy hình ảnh Chúa Kitô, Vị Chủ Chăn nhân lành và Cha của mọi người. ÐTC cư xử với mọi nguời cách rất nghiêm trang và tế nhị. Ngài không hỏi thuộc về xứ, nước nào; đối với bất cứ ai, ngài là người gần gũi, nguời anh em, người cha, chỉ muốn sự lành cho hết thảy và yêu thương tất cả, chỉ muốn phá đổ mọi bức tường ngăn cách nhau và muốn tạo nên một cộng đồng thực sự, một cộng đồng với nhiều hình thức, văn hóa, truyền thống khác nhau...
Nhật báo Trybuna (của cộng sản) nhắc lại lời tuyên bố của Tiến Sĩ Navbarro Valls, phát ngôn viên Tòa Thánh, trong đoàn tùy tùng, với giới báo chí qua điện thoại trên thuyền máy của ÐTC: chuyến viếng thăm gia đình nông thôn nghèo kia tại Leszczewo (Wigry) là một cử chỉ của tình liên đới của ÐTC đối với lớp người hiện đang sống trong hoàn cảnh khó khăn của việc phục hưng kinh tế.
Tờ Gazeta Wyborcza, như mấy ngày trước đây, đăng bài bình luận của Ðức Cha Tadeusz Pieronek, cựu Tổng Thư Ký Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan. Ðức Giám Mục viết: Có nhiều cách nói với con người. ÐTC không chỉ trích, không lên án phạt, nhưng chỉ minh chứng, chỉ nói lên sự lành trước sự dữ. Ðây là kiểu nói của tình yêu thương, không gây thương tích hay xúc phạm đến ai cả, nhưng làm cho người ta lại gần và chữa lành những vết thương, những cơn bệnh.