Ðiểm báo ngày 9/06/99 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Ba Lan.
Thứ Tư: 09.06.99, sau bốn ngày viếng thăm với những chương trình dầy đặc, ÐTC nghỉ hơn một ngày tại Ðan Viện Cổ của các Tu Sĩ Camaldolesi ở miền Wigry, giáp giới Lituani, nơi có nhiều rừng cây và nhiều sông ngòi, thanh vắng, yên tĩnh, "lý tưởng" cho việc nghỉ ngơi, du ngoạn và suy ngắm. Hồi còn làm Linh Mục và cả lúc làm Giám Mục giáo phận Cracovia, ÐTC thường đến nghỉ hè tại đây với các sinh viên và các bạn hữu. Cũng chính tại nơi đây, tháng 7 kỳ hè năm 1958, Ðức Hồng Y Stefan Wyszynski, Tổng Giám Mục Warsawa và Giáo Chủ Ba Lan, đã báo tin cho Cha Karol Wojtyla, đang nghỉ hè tại đây, biết là ÐTC Pio XII bổ nhiệm ngài làm Giám Mục phụ tá Giáo Phận Cracovia. Sau nhiều năm, nay Ðức Karol Wojtyla trở lại đây với bao kỷ niệm êm đềm của ngày xưa. ÐTC nghỉ, nhưng các báo chí Ba Lan và quốc tế vẫn tiếp tục tường thuật về chuyến viếng thăm, về những biến cố của ngày hôm trước: thánh lễ tại "Plac Sapera" tại Elk (đọc là euk). Biến cố chính trong ngày thứ Tư của chuyến viếng thăm, tức thứ Ba 8/06/99, được các báo chí Ba Lan lưu ý hơn cả là "lời kêu gọi giúp đỡ các người nghèo khổ".
Nhật báo Zycie (Sự sống) đề tít lớn trên trang nhất: "Tâm hồn đối với các người nghèo khổ", với lời của ÐTC: "Có biết bao người đang tìm giấu giếm cảnh nghèo khổ của mình; cần phải khám phá và nhìn vào cảnh khổ cực của họ: Giữa chúng ta có biết bao người nghèo khổ. Báo này còn viết tiếp như sau: Cùng với lời này, ÐTC xin chúng ta hãy mở rộng tâm hồn và hãy tỏ ra nhậy cảm trước cảnh nghèo khổ của con người. ÐTC nói lên những lời này tại một miền rất nghèo của Ba Lan, với nạn thất nghiệp cao hơn cả trong nước. ÐTC nhắc lại rằng: không thể có phát triển xã hội và kinh tế, nếu gây hại cho con người. Con người phải là mục tiêu của mọi cuộc phát triển. ÐTC còn nhấn mạnh rằng: Giáo hội luôn luôn ở bên cạnh các người nghèo khổ hơn cả. Không một người nào trong chúng ta được phép lãnh đạm trước cảnh nghèo khổ cụ thể của anh chị em mình.
Cũng tờ Zycie dành một bài nói về dân cư của làng Wigry, nơi ÐTC nghỉ từ chiều thứ Ba 8/06/99 cho đến trọn cả ngày thứ Tư 9/06/99. Wigry là một xã của miền Mazury (Ðông-Bắc Ba Lan). Báo này viết: Chiều hôm qua ÐTC đã du ngoạn trên một tầu nhỏ tại hồ Wigry, nơi đây, hồi còn là Linh Mục và cả lúc làm Giám Mục Cracovia, ngài thường đến nghỉ hè với các bạn hữu. Chủ tầu chở ÐTC và đoàn tùy tùng tuyên bố: "Tôi rất vui mừng. Giờ đây tôi có thể về hưu". Tại Wigry chỉ có một số rất ít người được lại gần ÐTC, vì cần để ngài nghỉ. Tờ Zycie cũng thuật lại những bình luận của mấy vị đứng đầu các cơ quan từ thiện bác ái. Nữ Tu Malgorzata Chmielewsk thuộc Cộng Ðồng "Bánh của Sự Sống", nói như sau: "Tôi biết ơn ÐTC rất nhiều. Tiếng nói của chúng tôi nhiều lần không được lắng nghe". Ông Jerzy Owsiak, đứng đầu một tổ chức bác ái tuyên bố: Trong tổ chức của chính phủ được thành lập để giúp đỡ các người nghèo khổ hiện đang có cơn khủng hoảng. Người dân vẫn tìm cách giúp đỡ các người nghèo khổ, nhưng con số các người cần giúp đỡ gia tăng không ngừng.
Nhật Báo Rzeczpospolita (Cộng Hòa) tường thuật về ngày thứ tư của chuyến viếng thăm, viết với tựa lớn: Cuộc hành hương không biên giới. Lời kêu gọi giúp đỡ các người nghèo khổ. Nhật báo nói đến con số khoảng 250 ngàn người dự thánh lễ tại Elk (đọc là euk), trong đó có 5 ngàn tín hữu Lituani cùng với Tổng Thống Cộng Hòa Lituani, ông Valdas Adamkus và các Giám Mục nước này; rồi có cả đoàn hành hương đến từ Bielorussia và từ thành phố Kaliningrad (của Nga) nữa, những nơi giáp giới Ba Lan. Nhật báo cũng nhấn mạnh đến mối giao hảo tốt đẹïp giữa các dân cư miền Elk và miền Mazury, nơi có những chủng tộc khác nhau, nhất là Bielorussi và Lituani.
Tờ Rzeczpospolita dành tới 4 trang tường thuật về ngày thứ bốn của chuyến viếng thăm, đăng lại bài giảng tại Elk và các phản ứng của các báo chí thế giới và những bài bình luận khác nhau.
Tờ Gazeta Wyborcza dành hai trang đầu về chuyến viếng thăm. Nơi trang nhất, viết với tựa lớn: Tiếng kêu than của các người nghèo khổ, với lời của ÐTC: "Một tiếng kêu than của các người nghèo khổ trên cả thế giới luôn luôn vang lên từ khắp trái đất này. Cần phải lắng nghe tiếng kêu than này". Báo này viết: ÐTC hoàn tất chặng đầu của chuyến viếng thăm mục vụ tại Ba Lan, bằng việc nói đến những vấn đề rất tế nhị, nhậy cảm cả đối với người dân Ba Lan. Báo này thuật lại lời bình luận của Ðức Cha Pieronek: ÐTC nhấn mạnh: các cải cách xã hội và kinh tế phải phục vụ con người, không ngược lại. Các tín hữu Kitô có bổn phận gần gũi tất cả những người cần đến sự giúp đỡ. Ðây là bổn phận của Giáo Hội, nhưng cũng là bổn phận của Nhà Nước nữa. Theo Ðức Cha Pieronek (cựu Tổng Thư Ký Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan), đây không phải là lời chỉ trích việc canh tân nền kinh tế tại Ba Lan, nhưng đây là lời cảnh cáo về nguy cơ của một tình hình, trong đó thành công của một số ít người gây nên cảnh cô đơn và nghèo khổ cho người khác. Ông Marian Krzaklewski, chủ tịch Solidarnosc, trong một bức thư của Ủy Ban quốc gia, đăng trên tờ Gazeta Wyborcza, số ra ngày 09.06.99, viết rằng: Ban lãnh đạo Phong Trào Solidarnosc cảm ơn ÐTC về những lời của ngài: "Không có tình liên đới, nếu không có tình yêu thương". Chúng ta đi theo đường hướng này. Sau chuyến viếng thăm của ÐTC chúng ta sẽ không nói: "Những thù địch chính trị" nữa, nhưng nói "những người cạnh tranh chính trị".
Trên trang nhất, nhật báo Super Express để nhiều hình ảnh lớn về ÐTC trong các buổi cầu nguyện, cử hành thánh lễ... Bên cạnh, báo này để hình một thiếu nữ Hồi Giáo, người Iran, 16 tuổi. Thiếu nữ này bị bệnh không tìm được ai giúp đỡ, viết thư xin ÐTC can thiệp. Nhận được thư, ÐTC chuyển cho các Nghị Sĩ gốc Ba Lan tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Nhờ đó, thiếu nữ được giải phẫu tại đây. Thiếu nữ đã đến Torun ngày 7.06.99 vừa qua, để cảm ơn ÐTC đã can thiệp giúp đỡ.
Tuần báo Polityka, sau khi bình luận về 4 ngày viếng thăm, viết: Cuộc hành hương của ÐTC đem đến một cơ hội họa hiếm cho cuộc gặp gỡ của cả Nước: gặp gỡ các nhân vật nổi tiếng, giới trí thức, và người dân thường... Các người này đến từ các đô thị lớn, nhỏ, các miền thôn quê... Cuôïc hành hương của ÐTC mang theo tinh cách vĩ đại, nhưng chỗ chính là tâm tình (tình cảm): nghĩa là chuyến viếng thăm thứ bẩy này của ngài tại Ba Lan sẽ còn mãi trong trí nhớ như một kinh nghiệm mở đường tiến vào Ngàn Năm thứ Ba của Kỷ Nguyên Kitô.