Tường Thuật Thánh Lễ sáng thứ Ba 8/06/99 tại ELK trong chuyến Viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Ba Lan.
Sáng thứ Ba 8/06, ÐTC Gioan Phaolô II đã tới thị trấn Elk của Ba Lan. Thị trấn này chỉ nằm cách biên giới của Lithuani khoảng 50 cây số. Có nhiều tín hữu hành hương từ Lithuani, Belarus, Nga và Ukraine đã đến đây để tham dự Thánh Lễ do ÐTC cử hành vào sáng thứ Ba 8/06/99. Tổng số khách hành hương từ Lithuani đến dự lễ là khoảng 10 ngàn người, họ đến bằng các chuyến xe lửa đặc biệt, cùng với hàng ngàn tín hữu khác từ Belarus. Theo ước tính, có khoảng 250 ngàn tín hữu Ba Lan tham dự Thánh Lễ tại Elk, đặc biệt trong số này có Tổng Thống Lithuani, ông Valdas Adamkus. Một phụ nữ từ Belarus tên là Helena, 60 tuổi, đã bật khóc vì vui mừng và cảm động khi thấy ÐTC xuất hiện. Bà cho biết đây là lần đầu tiên bà được thấy ÐTC Gioan Phaolô II. Bà nói như sau: "Tôi cầu nguyện với Thiên Chúa để ÐTC có thể đến viếng thăm nước chúng tôi. Linh Mục Wieslaw Dabrowski, cha xứ tại một họ đạo nhỏ ở thị trấn Novlielnia thuộc Belarus, đã cầm đầu một nhóm hành hương người Công Giáo và Chính Thống Giáo đến dự lễ. Cha cho biết tại thị trấn nơi cha ở, tín hữu Chính Thống chiếm khoảng 5,000 trong khi cộng đoàn Công Giáo chỉ vỏn vẹn có 90 người. Tuy nhiên hai cộng đoàn sống với nhau rất hòa thuận. Cha nói: "Tín hữu Công Giáo và Chính Thống tại thị trấn của chúng tôi sống rất hòa hợp. Tôi nghĩ chỉ có ở cấp lãnh đạo cao của hai giáo hội là có vấn đề. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo ở Nga không muốn ÐTC viếng thăm nước này". Từ nhiều năm qua, ÐTC Gioan Phaolô II đã cố gắng để được viếng thăm mục vụ hai nước Nga và Belarus, tuy nhiên điều mong muốn này của ÐTC cho đến nay vẫn chưa được thực hiện, do quan hệ vẫn còn nhiều khó khăn giữa hai giáo hội Công Giáo và Chính Thống Giáo.
Ðề cập tới chi tiết này trong bài tường thuật, ký giả của hãng thông tấn AFP muốn nêu bật một điểm đáng chú ý trong Thánh Lễ tại Elk. Một điều mà ký giả này cho là nó cho thấy ÐTC Gioan Phaolô II đang mở rộng vòng tay săn sóc mục vụ của ngài tới các tín hữu Công Giáo tại các nước Ðông Âu, điển hình là các nước thuộc cựu Liên Bang Sô Viết như Lithuani, Belarus và Ukraine. Một phần trong bài giảng Thánh Lễ của ÐTC tại Elk vào sáng thứ Ba 8/06/99, là bằng tiếng Lithuani. Trong đó, ÐTC đã nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài tại Lithuani dạo năm 1993. ÐTC đặc biệt cám ơn các tín hữu Belarus đã hành hương đến dự Thánh Lễ, cùng với các vị Giám Mục của họ, và đặc biệt là sự hiện diện của Tổng Thống Lithuani, ông Valdas Adamkus.
Giảng trong Thánh Lễ, ÐTC giải thích biến cố trong phúc âm nói về Ông Giakêô giàu có được Chúa đến thăm và cải hóa, khiến Ông đền bù và ÐEM TÀI SẢN CỦA CẢI PHỤC VỤ NGƯỜI NGHÈO. Ông Giakêô là người giàu có của cải, nhưng được ơn Chúa biến đổi trở thành kẻ nghèo trong tinh thần, không ham mê của cải, nhưng biết xử dụng của cải để giúp đỡ người nghèo. ÐTC khẳng định về sự cần thiết phải giúp đỡ những người nghèo trên thế giới. Ngài nói như sau: "Có những sự việc trong cuộc sống, rất khẩn cấp và nghiêm trọng đến đỗi chúng không thể chờ đợi để ngày mai giải quyết. Tiếng kêu cứu của những người nghèo trên khắp thế giới đã vang lên đến Thiên Chúa. Ðó là lời kêu xin của các trẻ em, phụ nữ, người già, người tị nạn, các nạn nhân của chiến tranh và những người bị thất nghiệp. Người nghèo đang sống giữa chúng ta: những kẻ không nhà, những người ăn xin, những kẻ đói ăn, những người bị khinh rẽ, những kẻ bị chính gia đình họ và xã hội bõ quên, những người bị hạ nhục, những nạn nhân của những tật xầu. Nhiều người trong số những anh chị em nầy cố gắng che dấu sự nghèo cùng của họ, nhưng chúng ta phải biết nhận ra họ. Cả ngày hôm nay, chúng ta còn nhìn thấy những môi trường rộng lớn trong đó việc làm của người Kitô cần phải đưa vào đó tình thương bác ái của Thiên Chúa. Tiếng kêu van của người nghèo đòi hỏi chúng ta phải đáp trả một cách cụ thể và quảng đại. Nó đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng để phục vụ người lân cận. Ðó là lời mời gọi của Chúa Kitô. Và chúng ta được mời gọi liên lỉ. Mỗi người theo một cách thế riêng. Chúng ta đừng để cho tâm hồn mình trở nên khô cứng, khi chúng ta nghe tiếng kêu của người nghèo. Chúng ta hãy mau lắng nghe tiếng kêu van nầy, và hãy mau hành động và sống làm sao để trong đất nước chúng ta không ai mà không có nhà để ở và cơm bánh để dùng; sao cho không ai cảm thấy mình cô đơn, không ai cảm thấy mình bơ vơ không người chăm sóc." (AFP 8/6/’99)
Những lời này của ÐTC cũng được nhắn gửi trực tiếp tới tất cả người dân Ba Lan. Quan tâm về những hậu quả tiêu cực của phép lạ kinh tế tại Ba Lan trong thời kỳ hậu cộng sản, ÐTC kêu gọi những người đồng hương của ngài đừng nên quay lưng với những ai đang bị chủ nghĩa tư bản bỏ lại đàng sau. Cũng giống như công dân của nhiều quốc gia Ðông Âu khác, bắt đầu theo đuổi thị trường kinh tế tự do cách đây 10 năm, người dân Ba Lan hiện cũng đang bị chia rẽ, giữa một bên là những người mau chóng thích nghi và phát đạt, và bên kia là những người đang bị vấp ngã và gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp, từ nền kinh tế tập trung dưới sự kiểm soát của nhà nước, sang nền kinh tế thị trường tự do. ÐTC căn dặn như sau: "Chúng ta cần phải luôn nhớ rằng sự phát triển kinh tế của đất nước phải lưu ý đến sự cao cả, phẩm giá, và ơn gọi của con người, được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Sự phát triền và tiến bộ kinh tế không bao giờ được phép gây nguy hại cho con người nam nữ, và ngăn trở không cho con người được thỏa mãn trong những nhu cầu căn bản của họ. Con người phải là chủ thể của phát triển, nghĩa là con người phải là điểm quy chiếu quan trọng nhất của phát triển. Phát triển và tiến bộ kinh tế không thể nào được nhắm đến với mọi giá. Giáo Hội ngày nay tuyên bố và cố gắng thực thi sự chọn lựa ưu tiên người nghèo. Ðây không phải chỉ là một cảm xúc nhất thời hay chỉ là một hàng động liền ngay lúc đó rồi thôi, nhưng là một ý chí thật sự và kiên trì muốn hành động nhằm phục vụ cho điều thiện hảo của tất cả những anh chị em nghèo túng và thường không có hy vọng đạt đến một tương lai tốt đẹp hơn".
ÐTC trở lại mẫu gương của Ông Giakêô như sau: "Cuộc gặp gỡ của ông Giakêô với Chúa Giêsu cho thấy là người giàu có cũng có thể trở thành người thông phần vào Mối Phúc Thật của Chúa Giêsu nói về kẻ nghèo trong tinh thần. Kẻ nghèo trong tinh thần là những ai muốn xử dụng những của cải của họ một cách quảng đại để trợ giúp cho anh chị em túng thiếu. Như vậy, đây là những con người không bám víu vào của cải của họ. Họ hiểu được mục tiêu thật của "của cải". Những của cải vật chất là để giúp đỡ kẻ khác, nhất là những ai túng thiếu."
Với khoảng 55 ngàn dân, Elk là một thị trấn nhỏ nằm trong một trong những vùng nghèo nhất tại Ba Lan, nơi mà tỉ lệ thất nghiệp lên tới khoảng 20% so với tỉ lệ thất nghiệp trung bình trên toàn quốc là 11%. Trong thập niên vừa qua, sự khác biệt giữa hai thành phần giàu và nghèo tại Ba Lan gia tăng một cách rõ rệt. Với mức lương trung bình là 450 Mỹ Kim một tháng so với mức sống hiện tại, nhiều người dân Ba Lan đang sống dưới mức nghèo đói. Ðứng trước hậu quả tiêu cực này, ÐTC đã nhắn gửi các người đồng hương của ngài như sau: "Phát triển và tiến bộ kinh tế không nên được thực hiện bằng việc phải hy sinh những người khác, và ngăn cản việc đáp ứng các nhu cầu căn bản. Không thể theo đuổi phát triển và tiến bộ kinh tế bằng bất cứ giá nào. Làm như thế không xứng đáng so với con người. Những người Ba Lan đang được nếm hưởng những hoa quả từ sự phát triển kinh tế, không thể phản ứng một cách chai đá trước những lời kêu gọi của người nghèo. Chúng ta hãy cố gắng lắng nghe những lời kêu than này. Chúng ta hãy cố gắng hành động và sống như thế nào, để không một công dân nào của quốc gia này bị rơi vào hoàn cảnh không có một mái nhà để cư ngụ, hay không có thức ăn trên bàn của họ".
Kể từ khi bắt đầu chuyến viếng thăm mục vụ lần thứ 7 này tại quê hương của ngài vào hôm thứ Bảy (5/06/99), Ðức Gioan Phaolô II đã đưa ra những sứ điệp dựa trên truyền thống để củng cố các giá trị Kitô của người dân Ba Lan. Quan tâm về khía cạnh luân lý tiêu cực phát sinh bởi sự phát triển kinh tế, ÐTC kêu gọi các người đồng hương hãy xây dựng cuộc sống của họ dựa trên nền tảng của Kitô Giáo, đồng thời hãy xa tránh những lối sống phóng túng của một xã hội tự do. Trong vòng một thập niên qua, Ba Lan đã và đang tiếp tục đạt được những tiến bộ về mặt chính trị cũng như kinh tế, tuy nhiên giáo hội Công Giáo Ba Lan cũng không khỏi lo ngại trước xu hướng chủ nghĩa duy vật ngày một gia tăng, và điều mà giáo hội cho là những giá trị xã hội lỏng lẻo, đặc biệt nơi giới trẻ. Ðức Gioan Phaolô II, qua chuyến viếng thăm này, muốn nhắn gửi tới người dân Ba Lan một sứ điệp; đó là đừng đi lạc hướng khỏi các giá trị truyền thống Kitô của BaLan. (Reuters 8/06/99)