Ðiểm báo ngày thứ Ba 8/06/99
về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC
tại Ba Lan

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðiểm báo ngày thứ Ba 8/06/99 về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Ba Lan.

Báo chí quốc tế chú ý nhiều đến chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Quê hương của ngài. Sự lưu ý này có thể giải thích vì nhiều lý do. Sau 10 năm thoát khỏi chế độ cộng sản, người ta muốn biết Ba Lan ngày nay như thế nào.

Cách đây đúng 20 năm, vào năm 1979, Ðức Gioan Phaolô II trở về Quê Hương lần thứ nhất: Ba Lan còn dưới chế độ cộng sản. Và sau đó 4 năm, tức năm 1983, ngài trở lại lần thứ hai, chế độ cộng sản vẫn cầm quyền; rồi lần thứ ba, năm 1987, chế độ chính trị tại Ba Lan vẫn không thay đổi. Ðó là những chuyến viếng thăm rất khó khăn. Thực sự Nhà Cầm quyền cộng sản miễn cưỡng phải chấp những chuyến viếng thăm này, vì không thể nào không cho phép một vị Giáo Hoàng tiên khởi của Ba Lan và của dân tộc Slavô trở lại viếng thăm Quê Hương. Tuy hãnh diện về người đồng hương, Nhà Cầm quyền cộng sản rất lo ngại: đây có thể là một đe dọa lớn cho chế độ. Và thật sự, những chuyến viếng này đã thay đổi hẳn tình hình chính trị không những tại Ba Lan, nhưng còn tại tất cả các nước Trung-Ðông Âu sống dưới chế độ cộng sản, kể cả Liên Xô hùng cường. Vụ mưu sát Ðức Gioan Phaolô II xẩy ra ngày 13.05.1981 tại Quảng Trường Thánh Phêrô minh chứng nỗi lo lắng của những người thù địch Giáo Hội và lo sợ Vị Giáo Hoàng đến từ một quốc gia cộng sản.

Theo nhận xét của Ðức Cha Libera, Tổng Thư Ký Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan, tuyên bố trong bài phỏng vấn dành cho Nhật Báo Công Giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire) số ra ngày 08.06.99, thì tại Ba Lan, tình hình xấu hơn cả, nay được coi như là đã qua. Những căng thẳng giữa Giáo hội và Nhà Nước nay cũng đã lắng dịu, nhất là từ lúc thỏa ước (Concordat) giữa Tòa Thánh và Cộng Hòa Ba Lan đã được Quốc Hội duyệt y, sau 4 năm gặp nhiều khó khăn do bởi Quốc Hội gồm đa số những cựu đảng viên cộng sản. Vẫn theo Ðức Cha Tổng Thư Ký, thì chính ÐTC đã muốn chuyến viếng thăm lâu dài này, dù mệt nhọc và nặng nề đối với tuổi của ngài.

Chuyến viếng thăm được lưu ý cách riêng, vì nhiều người coi như "chuyến viếng thăm sau cùng", "một chuyến viếng thăm di chúc". Trước dư luận này, Ðức Cha Libera nhận xét như sau: "Xét theo loài người, thì có thể nói đây là chuyến viếng thăm sau cùng của ÐTC tại Ba Lan"; nhưng ngài thêm ngay rằng: "Tôi không muốn và không dám đặt giới hạn cho việc Quan Phòng của Thiên Chúa. Tôi nghĩ: Chắc chắn ÐTC đã muốn viếng thăm tất cả các giáo phận Ba Lan. Lần này ngài viếng thăm các giáo phận trước đây chưa được viếng thăm. Rồi đây cũng là một chuyến viếng thăm nhớ lại chuyến viếng thăm đầu tiên năm 1979, cách đây 20 năm". Nhắc lại lời Ðức Cha Libera, chúng tôi nhớ đến câu trả lời cách đây hai ngày của một thiếu nữ cho phóng viên báo chí hỏi cô: Ðây có phải là chuyến viếng thăm cuối cùng tại Ba Lan không? Phải, nhưng là chuyến cuối cùng của thế kỷ 20, chớ không phải cuối cùng của cuộc đời Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị tại Ba Lan. Câu trả lời thật khôn ngoan: Tuơng lai không ở trong tay con người. Câu trả lời tương tự như câu nói của Ðức Cha Libera: Tôi không muốn và không dám đặt giới hạn cho Việc Quan Phòng của Thiên Chúa.

Sau đây là dư luận của một số báo quốc tế về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II tại Ba Lan:

Nhật báo "Cộng Hòa" (La Repubblica) có khuynh hướng thiên tả, một trong các báo lớn của Ý, đã viết như sau: Ðây là chuyến viếng thăm để nhớ lại dĩ vãng. Dân chúng vỗ tay hoan hô, mỗi khi Ðức Gioan Phaolô II nhắc đến công đoàn Liên Ðới (Solidarnosc) và Bức Tường Berlin sụp đổ. Báo này bình luận: Ðức Gioan Phaolô II muốn nhắc lại lịch sử để dẫn đưa các người đồng hương của ngài vào Ngàn Năm Thứ Ba.

Nhật báo "Giải Phóng" (Liberazione) của Ðảng Cộng Sản Ý, thì viết: Ðức Gioan Phaolô II lưu ý nhiều đến giới trẻ. Ðây là một điểm rất quan trọng: lời mời gọi giới trẻ hướng về các giá trị cao quí. Cần phải đặt chuyến viếng thăm này vào bối cảnh của Ðại Toàn Xá và nhất là vào bối cảnh của Khóa Họp khoáng đại Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Âu vào tháng 10/1999 tới đây. Trong hai bối cảnh này, Giáo Hội nhìn về tương lai. Báo này quả quyết: Dân chúng tuốn ra các ngả đường và tụ họp đông đảo tại các nơi để gặp gỡ và cử hành các lễ nghi tôn giáo với Ðức Gioan Phaolô II là dấu chỉ rõ ràng cho biết rằng: họ chấp nhận giáo huấn và chương trình của ÐTC.

Nhật báo "Hiệp Nhất" (L’Unita) cơ quan của Ðảng Dân Chủ thiên tả (cựu cộng sản Ý) đã viết như sau: ÐTC đến thăm để chỉ vẽ cho Quê Hương Ba Lan một viễn tượng về phát triển trong tương lai. Ngài đến không phải chỉ để nhớ lại 20 năm vừa qua của lịch sử Ba Lan, nhưng còn đến để chỉ vẽ một viễn tượng cho Quê Hương trong khung cảnh của Châu Âu mới hiện đang được xây dựng".

Nhật báo Ðức "Cộng Ðoàn Frankfurt" (Frankfurter Allgemeine) cũng nhận xét tương tự như mấy nhật báo Ý: "Một lời mời gọi nhìn về tương lai". Chuyến viếng thăm này dĩ nhiên nhìn về quá khứ, nhưng thực sự hướng về tương lai nhiều hơn".

"Ngài là người đem đến niềm hy vọng". Ðây là tựa lớn của nhật báo Ðức "Thế Giới" (Die Welt). Người dân tuốn đến sân đua ngựa để dự thánh lễ với Ðức Gioan Phaolô II ngay từ ngày thứ nhất. Họ coi ngài là người đồng hương trổi vượt hơn cả của thế kỷ này. Và theo cuộc thăm dò dân ý do tờ Die Welt thực hiện, thì chuyến viếng thăm lần này được coi là biến cố quan trọng hơn cả của thời đại sau cùng này. Tờ báo Ðức rất lưu ý đến giới trẻ phất cờ, reo hò: "Hãy ở lại với chúng con". Họ tin tưởng vào ngài và vào sứ mệnh lãnh đạo tinh thần của ngài.

Nhật báo ABC (một trong các báo lớn của Tây Ban Nha) thì đã viết với tựa lớn như sau: ÐTC khuyên các người Ba Lan đừng quên đi nguồn gốc thiêng liêng của mình". Tờ báo của Madrid nhắc lại chuyến viếng thăm năm 1979, sau đó khởi sự cuộc cách mạng của Phong Trào Liên Ðới (Solidarnosc), rồi đến việc sụp đổ của Bức Tường Berlin và những phát triển rất đáng kể của Ba Lan tiếp sau đó. Lần này, ngay từ sân bay, ngài nhắc đến những phát triển về chính trị, xã hội, kinh tế; nhưng ngay sau đó, ngài nhắc luôn rằng: đừng quên đi nguồn gốc thiêng liêng của mình. Nhật báo Tây Ban Nha cũng đặc biệt nhấn mạnh đến sự hăng say của người dân trong việc tiếp đón, chào mừng, theo dõi và lắng nghe Ðức Gioan Phaolô II.

Nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire) số ra ngày 08.06.99 dành nhiều bài nơi trang hai và trang ba cho chuyến viếng thăm của ÐTC. Bài thứ nhất nơi trang hai đăng bài phỏng vấn của Ðức Cha Libera, Tổng Thư Ký của Hội Ðồng Giám Mục Ba Lan. Theo Ðức Giám Mục, thì Giáo Hội Ba Lan đã vượt qua được những thử thách của những năm 1990 (liền sau khi chế độ cộng sản sụp đổ) . Ngày nay bầu khí bình thản hơn và những căng thẳng không còn nữa. Và Giáo hội đã làm một cuộc kiểm thảo. Bài hai cũng ở trên trang hai dành cho cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và giới trí thức và Ðại Học ở Torun. Bài báo nhắc lại lời ÐTC nói với giới trí thức và đại học Ba Lan (khoảng 700 vị tham dự cuộc gặp gỡ hôm chiều thứ Hai, mùng 7 tháng 6/1999, tại Ðại Học Torun) "Cần phải có đối thoại giữa Ðức Tin và Lý Trí. Con người ngày nay sợ hãi những sản phẩm do trí tuệ thông minh và tự do của mình và luôn luôn cảm thấy mình bị đe đọa, bị nguy hiểm".

Nơi trang ba, bài thứ nhất có tựa lớn chiếm trọn cả trang: "Hòa bình có thể được và là nghĩa vụ của mọi người". Tại Torun, nhân lễ nghi Phong Chân Phước của Cha Wincenty Frelichowski, chết tại Dachau, năm 1945, lúc mới có 32 tuổi, thời Ðức Quốc Xã, một lần nữa ÐTC kêu gọi hòa bình cho miền Balcan và tại nhiều nơi trên thế giới. Ngài nói: "Biết bao máu vô tội đổ ra tại Kosovo". Bài báo nhắc lại lời tuyên bố của Phát Ngôn Viên Tòa Thánh, Tiến Sĩ Navarro Valls, thuộc đoàn tùy tùng của ÐTC tại Ba Lan, nói rằng: "ÐTC lo lắng nhiều; ngài cầu nguyện liên lỉ cho công việc giảng hòa. Tư tưởng đầu tiên của ngài là hướng đến những đau khổ của các người tị nạn". Nhắc đến cuộc đàm phán hiện đang diễn ra, phát ngôn viên Tòa Thánh nói: "Chúng ta hy vọng là tất cả chấp nhận những thỏa hiệp đã được đưa ra trước đây".

Bài thứ hai nơi trang ba có tựa đề: "Một hạt giống bởi đất các Vị Tử Ðạo". Bài báo nhắc đến bài giảng của ÐTC trong lễ Phong Chân Phước của Cha Wincenty Frelichowski: "Cuộc bách hại và những hy sinh: đề tài chính của hai bài giảng ngày thứ Hai (7.06.99) tại Pelplin (nơi Quân Ðội Ðức Quốc Xã sát hại các Linh Mục) và tại Torun. Cũng trong dịp này, ÐTC nhắc đến hy sinh của Cha Kolbe (bị chế độ Ðức Quốc Xã giết, đã được phong Hiển Thánh) và Cha Popieluszko (bị chế độ cộng sản Ba Lan bắt cóc và giết chết tháng 10 năm 1984). Việc làm án phong Chân phước cho cha Popieluskp đang tiến hành. Bài báo nhắc lại lời ÐTC: "Thế giới cần đến những người điên rồ này của Thiên Chúa; những người không lùi bước trước bất cứ một hy sinh nào.

Bài thứ ba loan tin có 700 thanh niên nam nữ Nga, đến từ thành phố Kaliningrad, cách thành phố Torun của Ba Lan khoảng 50 cây số, do Ðức Tổng Giám Mục Tadeusz Kondrusiewicz, Giám Quản Tông Tòa Moscowa và miền Nga Châu Âu, hướng dẫn đến dự lễ Phong Chân Phước và để được gặp ÐTC. Trong dịp này, Ðức Tổng Giám Mục tuyên bố với giới báo chí như sau: Tất cả chúng tôi đều nghĩ đến một lúc nào đó ÐTC sẽ đến viếng thăm Nga, và đặt chân lên Quảng Trường Ðỏ, và đến viếng thăm San Pietroburgo. Lúc này đây hy vọng trở nên mạnh mẽ hơn sau chuyến viếng thăm của ÐTC tại Rumani, một trong các biến cố đại kết lớn hơn cả của thế kỷ 20 này.


Back to Radio Veritas Asia Home Page