Cuộc gặp gỡ các Giáo Sư và Khoa Học Gia tại trường Ðại Học Copernicus ở Torun, chiều thứ Hai 7/06/99.
Rời Bydgoszcz, ÐTC đến Torun. Tại đây có trường Ðại Học Nicolas Copernicus. Torun hiện là trung tâm của kiến thức ở Ba Lan và cũng là sinh quán của nhà Thiên Văn thuộc thế kỷ thứ 16, Nicolas Copernicus. Nicolas Copernicus là nhà khoa học đầu tiên đã khám phá ra định lý: Trái Ðất Xoay Quanh Mặt Trời. Ðịnh lý này đi ngược lại với định lý của thời đó cho rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ. Vào thời ấy, Nicolas Copernicus đã viết một bức thư cho Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô III để xin ngài phê chuẩn định lý mới, nhưng lá thư đã không được Toà Thánh trả lời. Năm 1616, Toà Thánh đã ra lệnh cấm luận đề khoa học của Copernicus có tên là: "Về Sự Di Chuyển của Các Thiên Thể", và tài liệu này tiếp tục bị cấm cho đến năm 1822. Copernicus đã do dự trước khi cho in tập tài liệu này và phải đợi tới chín năm trước khi viết thư cho Ðức Cố Giáo Hoàng Phaolô III. Lá thư có đoạn viết như sau: "Kính thưa ÐTC, tôi nghĩ rằng, có một vài cá nhân, sau khi đọc tài liệu này của tôi về sự di chuyển của các thiên thể, sẽ đòi mang tôi ra trừng phạt". Nhân chuyến viếng thăm lần này của ÐTC tại Torun, báo chí địa phương đã trích thuật lời của ông Andrzej Jamiolkowski, giám đốc trường Ðại Học Copernicus như sau: "Chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi là những người thừa kế của Copernicus. Có lẽ giờ đây ÐTC sẽ trả lời là thư này. Ðể được trả lời một lá thư sau 456 năm cũng là một điều tốt".
Trong bản tường thuật gửi đi từ Torun hôm thứ Hai 7/06/99, hãng tin Reuters cho biết, ÐTC Gioan Phaolô II đã từ chối lời yêu cầu xin ngài trả lời lá thư của Copernicus. Mặc dù không công khai giải tội cho Nicolas Copernicus về việc khám phá ra một định lý, lúc đầu bị coi như là điều sai lầm, nhưng sau đó, đã được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận từ nhiều thế kỷ trước, nhưng trong bài diễn văn của ngài đọc trước khoảng 1,000 các nhà khoa học và giáo sư có mặt tại thính đường của trường Ðại Học hôm thứ Hai 7/06/99, ÐTC Gioan Phaolô II đã đề cập tới sự hiểu lầm của nhiều người đối với khám phá của Copernicus, khi ngài cho rằng: nhiều người đã coi sự khám phá này như là một cơ hội để đặt lý trí (reason) vào thế chống đối với đức tin (faith). Và ÐTC khẳng định: Chia rẽ đức tin với lý trí là một thảm họa to lớn của nhân loại.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, một trong những điều mà ÐTC Gioan Phaolô II đã làm liền sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, là khởi đầu tiến trình thẩm định lại những sai lầm của Giáo Hội. Tiến trình này dẫn tới việc chính thức phục hồi danh dự cho nhà thiên văn Galileo dạo năm 1992. Vì quảng bá định lý trái đất xoay quanh mặt trời của Copernicus, ông Galileo đã bị Toà Ðiều Tra thời Trung Cổ xử tội. Linh Mục Feliks Kiryk, Giám Ðốc trường Ðại Học Jagiellonian ở Cracow, miền nam Ba Lan, đã đưa ra nhận xét như sau: "Tôi nghĩ ÐTC Gioan Phaolô II không muốn đề cập tới cuốn sách của Copernicus, bởi vì Giáo Hội Công Giáo coi đây là một vấn đề đã kết thúc. Giáo Hội Công Giáo đã có thể đối phó với những vấn đề to lớn hơn, chẳng hạn như thuyết tiến hoá của Charles Darwin". (Reuters 7/06/99)
Trở lại với bài diễn văn của ÐTC với các nhà Khoa Học và Giáo Sư, ÐTC Gioan Phaolô II đã lên tiếng cảnh cáo họ về những hậu quả của việc làm xáo trộn thiên nhiên và môi sinh. Ngài nói như sau: "Một số tiến bộ Khoa Học, cùng một lúc, đều là nguồn của sự quyến rũ (fascination) và lo sợ (fear). Những phát triển cũng như những tiến bộ vượt bực của khoa học và kỹ thuật đặt ra cho chúng ta những câu hỏi về tầm giới hạn của các cuộc thí nghiệm, về ý nghĩa và hướng đi của những tiến bộ kỹ thuật đó, và về sự can thiệp của con người vào thiên nhiên". Sau cùng, ÐTC nhắc nhở các nhà Khoa Học về trách nhiệm cụ thể của họ tìm ra sự thật. Và những vấn đề chính liên quan tới trách nhiệm đó trong thời đại ngày nay là: chủ thuyết hoài nghi (scopticism), chủ nghĩa bất khả tri (agnosticism), chủ thuyết tương đối (relativism) và chủ thuyết hư vô (nihilism). (AFP 7/06/99)
Có thể nói, chủ đề của các bài diễn văn của ÐTC hôm thứ Hai 7/06/99 là lời kêu gọi nhân loại không nên tuyệt vọng trước những thảm họa của thế kỷ 20, nhưng hãy bước vào thiên niên kỷ mới với những bài học đau thương của quá khứ làm kim chỉ nam. Chủ đề này được nói lên qua lời kêu gọi của ÐTC như sau: "Ngày hôm nay, thế giới cần hy vọng và đang đi tìm hy vọng. Tuy nhiên, chẳng lẽ nào chúng ta lại để cho lịch sử đau thương của thế kỷ này, với những chiến tranh, các ý thức hệ độc tài chuyên chế với những trại tập trung, những gulags, làm cho chúng ta dễ dàng bị khuất phục trước cám dỗ của sự mất can đảm và tuyệt vọng hay chăng. Ðể khám phá ra hy vọng, chúng ta hãy hướng tầm nhìn của chúng ta lên cao, giữa lúc thế giới đang chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa của một thiên niên kỷ mới". (Reuters 7/06/99)