THỜI SỰ: Liban: trung tâm của nhiều cuộc gặp gỡ Công Giáo quốc tế quan trọng trong năm 1999.
Trong hai ngày mồng 10 và 11, tháng 5 năm 1997, ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm Liban sau nhiều năm chiến tranh. Trước chuyến viếng thăm, và để hàn gắn những vết thương, những chia rẽ, do chiến tranh gây nên, ÐTC cho triệu tập Khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Liban. Vì thế chuyến viếng thăm Liban sau đó cũng nhằm thêm mục tiêu công bố những thành quả của Khoá Họp. Thượng Hội Ðồng Giám Mục Liban và chuyến viếng thăm của ÐTC, đó là hai biến cố ân phúc, không những cho Giáo Hội Công Giáo tại đây, mà còn cho cả Quốc Gia Liban nữa. Từ ngày đó đến nay, Liban tương đối được sống trong an bình, dần dần trở lại đời sống bình thường, trừ miền nam, giáp giới giới Israel còn bị pháo kích hoặc oanh tạc. Chính quyền và Giáo Hội đang cùng nhau nỗ lực để tái thiết Ðất Nước. Nhiều lần ÐTC tuyên bố: Liban không phải chỉ là quốc gia, còn hơn nữa, Liban là một sứ điệp cho miền Trung Ðông và cho cả thế giới, sứ điệp của văn minh, sứ điệp của gặp gỡ, của đối thoại, của văn hóa; Liban là một đất nước của đón tiếp, của tình thân mật, của tính hiếu khách, của lòng khoan dung. Tiếc thay Liban cũng là đất của khói lửa, của chiến tranh, vì tất cả chúng ta đều biết Liban đã đau khổ biết bao và hiện nay người dân Liban vẫn còn đau khổ vì hậu quả tai hại của chiến tranh. ÐTC còn xem Liban như là "Thánh Ðịa", nơi Chúa Giêsu đã đến rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ; hai địa điểm được nhắc đến trong các Phúc Âm Nhất Lãm là Tyrô và Sidon, đều nằm trong lãnh thổ Liban ngày nay. Liban đã được nhắc đến nhiều lần trong Thánh Kinh. Liban đã cung cấp những loại gỗ quí để Vua Salomon xây cất Ðền Thờ Giêrusalem (x. 1V 5, 20-24; 2 V 19, 23). Các Ngôn Sứ loan báo Chúa Cứu Thế sẽ có sự vinh quang và huy hoàng của Liban, (x. Is. 35, 2).
Trong năm 1999, có nhiều cuộc gặp gỡ Công Giáo quốc tế quan trọng tại Liban. Sau Ðại Hội của: Liên Hiệp Công Giáo quốc tế về báo chí (UCIP, Union Catholique Internationale de la presse), trong những ngày này, ÐTC đã chọn Ðền Thánh Ðức Mẹ ở Harissa, không xa thủ đô Beyrouth của Liban, để cử hành Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân lần thứ bảy, đã được khai mạc hôm mồng 8 vừa qua, do Ðức Tổng Giám Mục Javier Lozano Barragan, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về mục vụ Y Tế, đặc sứ của ÐTC và được bế mạc vào ngày 11 tháng 2 , Lễ Ðức Mẹ hiện ra tại Lộ Ðức, do Ðức Hồng Y Fiorenzo Angelini, cựu chủ tịch Hội Ðồng Y Tế, cũng là đặc sứ của ÐTC cho biến cố bế mạc.
ÐTC Gioan Phaolô II đã giải thích về việc lựa chọn Ðền Thánh Ðức Mẹ Harissa, làm nơi tổ chức Ngày Quốc Tế Bệnh Nhân, như sau: "Ngày nay có xứ sở nào có thể tượng trưng cách tốt đẹp hơn cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô và cho cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau trong sự hiệp thông tình yêu, như đất nước Liban?". ÐTC đã đề cao vai trò của Liban trong việc xây dựng tương lai của cuộc chung sống và cộng tác giữa các dân tộc tại Trung Ðông, sau những tàn phá, chia rẽ của chiến tranh.
Cuộc gặp gỡ quốc tế quan trọng khác được ấn định từ ngày mùng 9 đến 22 tháng 5/1999 tới đây là: Ðại hội Công Giáo Trung Ðông lần thứ nhất. Tham dự cuộc gặp gỡ này có 7 bị giáo chủ, và tất cả các giám mục trong miền; ngoài ra còn có đại biểu của các Nước có người di cư, của Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Bắc Phi.
Ðại hội sẽ bàn thảo về những đề tài sau đây: (1) Mối quan hệ giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau - (2) lòng trung thành với gia tài lịch sử và tôn giáo - (3) việc tham dự vào truyền thống của các Giáo Hội khác - (4) sự cộng tác mục vụ - (5) sự cộng tác của các Giáo Hội hải ngoại với các Giáo Hội địa phương - (6) mối quan hệ với các Giáo Hội Chính Thống và các Giáo Hội Tin Lành.
Ngoài ra, các vấn đề sau đây cũng sẽ được thảo luận: (1) việc đối thoại với các tín hữu Hồi Giáo và Do Thái Giáo - (2) việc các người Kitô rời bỏ đất nước của mình di dân ra nước ngoài; - (3) vấn đề Thành thánh Giêrusalem - (4) các quyền con người và vai trò người phụ nữ.
Tham dự Ðại Hội, về phía Tòa Thánh, có các phái đoàn của Bộ các Giáo Hội Ðông Phương - của Hội Ðồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn - của Văn Phòng Trung Ương Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới - và của Ủy Ban Trung Ương chuẩn bị Năm Thánh 2000. Trong buổi khai mạc và bế mạc, các đại diện của các nhóm Hồi Giáo khác nhau cũng sẽ được mời tham dự.
Trong chuyến viếng thăm vừa qua tại Liban, Ðức Cha Angelo Scola, Viện Trưởng Ðại Học Giáo Hoàng Lateranô ở Roma, đã tuyên bố như sau: Thủ Ðô Beyrouth sẽ có một phân Khoa về Giáo Luật dành cho miền Trung Ðông. Lý do của việc lựa chọn Liban cho Phân Khoa này - theo Ðức Cha Scola giải thích - là vì Liban là gương mẫu của việc đối thoại giữa các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau và Liban là dấu hiệu tuyệt hảo cho tương lai của Giáo Hội trong thế giới Ả Rập. Ðức Giám Mục Viện Trưởng cho biết: Phân Khoa này sẽ liên kết với Ðại Học Lateranô ở Roma và sẽ được xây cất trên khu đất của Viện Cao Học "Ðức Khôn Ngoan" (La Sagesse), thuộc quyền sở hữu của Tổng Giáo Phận Công Giáo Maronite ở Beyrouth.
Tại Thủ Ðô Beyrouth, việc thiết lập Viện Mục Vụ chuyên về Giáo Lý Xã Hội của Giáo Hội cũng đã được dự tính. Ngoài ra, Ðức Cha Scola cũng thảo luận với Ðức Cha Bechara Rai, Giám Mục Maronite giáo phận Biblos, về việc thành lập một chi nhánh của Học Viện Gioan Phaolô II ở Roma, thuộc Ðại Học Lateranô, để huấn luyện các sinh viên muốn có bằng tiến sĩ về "các Khoa Học về Gia Ðình".
Tương lai tốt đẹp của Liban sẽ ảnh hưởng lớn lao đến miền Trung Ðông, từ nhiều năm vẫn phải sống trong chiến tranh giữa Khối Ả Rạp và Do Thái. Liban sẽ có thể là gương mẫu của việc chung sống hòa bình giữa các tôn giáo, các chủng tộc và các nền văn hóa khác nhau tại Trung Ðông.