Về Tình hình hiện nay của Giáo Hội Công Giáo tại Cuba, một năm sau chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC tại Cuba.
Chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II tại Cuba vào cuối tháng Giêng năm 1998 vẫn tiếp tục đem lại những thành quả tốt đẹp về tôn giáo và về việc cải thiện mối quan hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo.
Sau chuyến viếng thăm, theo lời thỉnh cầu của ÐTC, Chủ Tịch Fidel Castro đã ký sắc lệnh công nhận Lễ Giáng Sinh là ngày lễ nghỉ của toàn quốc cho tất cả công dân Cuba, người có tín ngưỡng cũng như người không có tín ngưỡng. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ Lễ Giáng Sinh năm 1998. Nên nhớ là: từ năm 1959, tại Cuba không có Lễ Giáng Sinh. Ngày 25 tháng 12 là ngày lao động như các ngày khác trong cả nước.
Cuối tháng Hai năm 1999, để kỷ niệm một năm chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC và để thực hiện lời ngài kêu gọi trong chuyến viếng thăm này: "Thế giới hãy mở cửa rộng cho Cuba và Cuba cũng mở cửa rộng cho thế giới", các Giám Mục thuộc Ban Chỉ Ðạo của Liên Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ LaTinh (gọi tắt là CELAM), gồm khoảng 20 vị và các vị đại diện cho các Giám Mục Hoa Kỳ và Canada, đã họp tại Thủ Ðô Cuba, để phác họa chương trình hoạt động, dựa theo Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ, nói về Giáo Hội Tại Mỹ Châu (Eccelsia in America); Tông Huấn nầy đã được Ðức Thánh Cha công bố tại Ðền Thánh Ðức Mẹ Guadalupe (Mexico) vào cuối tháng Giêng 1999 vừa qua.
Mới đây, Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh sinh cũng đã được cử hành công khai. Lễ nghi làm phép Lửa và Nến Phục Sinh đã được cử hành trước cửa Nhà Thờ Chính Tòa. Trong Thánh Lễ Ðêm Vọng Phục Sinh, Ðức Hồng Y Jaime Ortega, Tổng Giám Mục La Havana, làm phép rửa tội cho 15 thanh niên nam nữ.
Giáo sư Andrea Riccardi, sáng lập Cộng Ðồng Sant’Egidio ở Roma, đến Cuba trong dịp lễ này, đã tuyên bố như sau: "Ðây là thành quả của chuyến viếng thăm của ÐTC". Lễ nghi làm phép Lửa và Nến Phục Sinh, Ðàng Thánh Giá... được cử hành ngoài trời: đây là những dấu hiệu bé nhỏ, nhưng nói lên sự kiện này là các tín hữu Kitô tại Cuba đang được hưởng những khoảng rộng tự do hơn, và chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II đã đẩy mạnh việc đối thoại giữa Nhà Nước và Giáo Hội Công Giáo. Trở về Roma, Giáo Sư đã dành cho nhật báo Công Giáo Ý Tương Lai (Avvenire) số ra ngày mùng 9.04.99 bài phỏng vấn. Chúng tôi xin kể lại bài phỏng vấn đó như sau:
Hỏi: Thưa Giáo Sư, ngài thấy Giáo Hội tại Cuba nay như thế nào?
Ðáp: Xem ra các tín hữu Kitô tại Cuba là một cộng đồng sống động, dù không phải là một Giáo Hội lớn lao, bởi vì thực sự việc rao giảng Tin Mừng tại đảo này đã luôn luôn là tương đối. Số người Công Giáo không bao giờ chiếm đại đa số như các quốc gia thuộc Châu Mỹ Latinh, chỉ có khoảng 41% trong số gần 10 triệu dân cư. Giáo Hội Công Giáo tại Cuba đã không thấm nhập hoàn toàn vào nền văn hóa địa phương. Giờ đây, sau hơn 40 năm cách mạng Castro, tôi nghĩ Giáo Hội đang lấy lại căn cước của mình và bắt đầu ăn rễ sâu hơn vào trong xã hội Cuba".
Hỏi - Vậy Giáo Hội này có một điểm riêng nào để có thể hãnh diện không?
Ðáp: Thực ra, sự hiện diện của Giáo Hội có một lịch sử của mình. Tôi muốn nói đến hình ảnh lỗi lạc của Cha Felix Varela, Dòng Ða Minh, (sinh năm 1788 tại thủ đô La Havana, và qua đời tại New York năm 1853), đã được chính ÐTC nhắc đến trong diễn văn đọc trước sự hiện diện của Chủ Tịch Fidel Castro, giới Văn Hóa và sinh viên tại Ðại Học La Havana, Ðại Học đã do các Cha Dòng Ða Minh lập ra năm 1728. Cha Varela là nhân vật thông thái, nhân đức, đã tranh đấu cho nền độc lập Cuba khỏi quyền đô hộ Tây Ban Nha và được tước hiệu "Thầy dạy của các thầy dạy Cuba"; tên ngài đã được đặt cho một trong các đường phố chính của Thủ Ðô La Havana: "Avenida Padre Valera" (Ðại lộ Cha Varela). Việc làm án phong Chân phước cho Cha Valera được khởi sự năm 1985. Giáo Hội đã tìm được tâm tình quốc gia sâu xa nơi Cha Valera. Một đặc tính khác của Giáo Hội Cuba, tuy đa số gồm sắc tộc Châu Phi, nhưng vẫn cảm thấy mình thuộc về thế giới Latinh như các quốc gia Châu Mỹ Latinh khác".
Hỏi - Chế độ Fidel Castro thực sự đang mở ra những khoảng rộng cho các cộng đồng Kitô tại Cuba không?
Ðáp - Trong những năm vừa qua, Chính Phủ của Chủ Tịch đã trải qua một thời kỳ cực kỳ đặc biệt: Ðây là những năm rất khó khăn; nhưng trong thời kỳ này mối quan hệ với Giáo Hội được cải thiện hơn. Cũng cần biết rằng: chính phủ Castro khác các chế độ cộng sản tại Trung-Ðông Âu. Thí dụ, chính phủ luôn luôn giữ quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh. Ngày nay không phải mọi vấn đề được giải quyết, nhưng giữa hàng Giám Mục và chính phủ Cuba có một cuộc đối thoại cởi mở và thành thực".
Hỏi - Xin giáo sư cho biết những vấn đề nào chưa được giải quyết.
Ðáp - Vấn đề chính là việc xuất bản báo chí, sách vở Công Giáo. Qua các phương tiện truyền thông, Giáo Hội muốn rao giảng Tin Mừng cho xã hội. Về điểm nay còn bị giới hạn nhiều.
Hỏi - Vậy vấn đề tự do báo chí như thế nào đối với các môi trường khác?
Ðáp - Nhiều người nghĩ rằng: chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II mở đầu cho một "chuyển tiếp"; nhưng tôi không tin như vậy, ít ra không đi đến việc chuyển từ kiểu mẫu Nhà Nước này, sang kiểu mẫu một Nhà Nước khác. Dĩ nhiên có những dấu chỉ của biến chuyển, như những dấu hiệu trong lãnh vực tôn giáo, nhưng không vì thế, chúng ta có thể quả quyết: đang có sự thay đổi chính thể. Tôi đã được nói chuyện lâu với Chủ Tịch Fidel Castro. Xem ra ông xác nhận cảm tưởng của tôi. Dĩ nhiên chủ tịch biết rằng: chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II chỉ nhằm mục đích tôn giáo mà thôi . Giáo Hội sẵn sàng đối thoại với bất cứ chế độ chính trị nào, miễn là biết tôn trọng tự do, nhất là tự do tôn giáo.
Hỏi - Cộng đồng Sant’Egidio giúp gì cho Cuba?
Ðáp - Rất đơn giản. Tại Cuba chúng tôi sống đời sống cầu nguyện và lưu ý đến các người nghèo khổ. Chúng tôi muốn là men của tình liên đới và của sự đón tiếp đối với mọi người. Tôi rất cảm động về chứng tá của các thành viên của Cộng Ðồng Sant’Egidio tại đây".
Hỏi - Xin giáo sư cho biết: giáo sư phê phán thế nào về việc kéo dài lệnh cấm vận?
Ðáp - Việc phong tỏa thật nặng nề và Cuba cảm thấy rõ ràng ảnh hưởng của nó. Nó gây nên nhiều khó khăn cho đời sống của người dân trong đảo. Khi gặp Bà Albright, chúng tôi đã nói với Bà: lệnh phong tỏa không có ý nghĩa gì về phương diện chính trị cũng như về phương diện xã hội; nó chỉ tạo nên một tình hình khổ cực và giả tạo. Hy vọng của chúng tôi là xã hội Cuba có thể phục hưng về kinh tế. Rồi cũng ước mong thế giới có một sự cởi mở hơn với Cuba và nhất là Châu Âu lưu ý nhiều hơn đến Cuba. Việc đối thoại và tính cách linh hoạt về văn hóa luôn là điều không phù hợp với với mọi hình thức cấm vận.
Ðó là nội dung cuộc phỏng vấn của nhật báo Tương Lai với Giáo Sư Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng Ðoàn Thánh Eâgidiô, về tình hình Giáo Hội Công Giáo hiện nay tại Cuba. Hẹn gặp lại quý vị và các bạn.