Ðiểm báo xuất bản tại Rumani
ngày thứ Sáu 7/05/99
về chuyến viếng thăm của ÐTC
tại Rumani (7-9/05/1999)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ðiểm báo xuất bản tại Rumani ngày thứ Sáu 7/05/99 về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Rumani.

Các báo quốc tế lưu ý nhiều về chuyến viếng thăm lịch sử của Ðức Gioan Phaolô II trong những ngày này tại Rumani. Ai cũng biết rằng: đây là chuyến viếng thăm đầu tiên của một vị Giáo Hoàng Roma tại một quốc gia có đa số dân là tín hữu của Giáo Hội Chính Thống, tách lìa khỏi Roma từ năm 1054. Ai cũng thấy rằng chuyến viếng thăm này có một tầm mức rất quan trọng, có thể mở đường cho các chuyến thăm sau này tại các quốc gia khác nữa theo Chính Thống Giáo, như: Moscowa, Kiev, Sophiea, Belgrado, Athènes... để tiến đến sự hiệp nhất và hiệp thông giữa các tín hữu Kitô trong lúc bước sang Ngàn Năm thứ ba của Kỷ Nguyên cứu chuộc. Ðức Giám Mục Chính Thống Teofil Simaitul, vị cộng tác chặt chẽ với Ðức Giáo Chủ Teoctist, Giáo Chủ Chính Thống Rumani, tuyên bố trong một cuộc họp báo trước ngày Ðức Gioan Phaolô II lên đường viếng thăm Bucarest như sau: "Chuyến viếng thăm này là một điềm báo trước, là một mở đường cho chuyến viếng thăm Moscowa".

Trong bài điểm báo nầy, chúng tôi xin tường thuật dư luận báo chí xuất bản tại Rumani ngày thứ Sáu mồng 7.05.99 về chuyến viếng thăm của Ðức Gioan Phaolô II.

"Romania libera" (Rumani tự do) là nhật báo được đọc nhiều hơn cả, một lần nữa đăng lại trên trang nhất và đóng khuôn ở giữa trang sứ điệp của Ðức Gioan Phaolô II gửi cho dân tộc Rumani trước ngày lên đường đi Bucarest.

Trong bài bình luận ở trang dành cho tôn giáo, tác giả đề tựa như sau: "Người khai mạc Ngàn Năm thứ ba của sự hiệp nhất Kitô". Tác giả bài báo muốn gọi Ðức Gioan Phaolô II như thế.

Trong trang cuối cùng, với tựa lớn, tác giả bài báo viết: "Rumani, chiếc cầu giữa Ðông và Tây, giữa Giáo Hội Chính Thống và Giáo Hội Công Giáo".

Nhật báo này cũng gợi lại cuộc gặp gỡ giữa ÐTC và Ðức Hồng Y Todea, năm nay 87 tuổi, hiện đau yếu, tại Vatican, sau khi chế độ cộng sản Rumani sụp đổ. Vị chủ chăn anh hùng này đã bị giam tù nhiều năm dưới chế độ độc tài của Ông Ceausescu. Trong dịp này, Ðức Gioan Phaolô II đến viếng thăm Ðức Hồng Y tại Bucarest. Nên nhớ lại Ðức Hồng Y Todea là một hình ảnh lịch sử của Giáo Hội Công Giáo nói chung và của Giáo Hội Hy Lạp Công Giáo Rumani nói riêng. Ngài cũng là Chủ Tịch đầu tiên của Hội Ðồng Giám Mục Rumani. Ðược ÐTC Gioan Phaolô II tôn phong Hồng Y ngày 28.06.1991.

Nhật báo "Adevarul" (Sự thật), thuộc khuynh hướng độc lập, nhưng thực sự thì lại thiên tả, được dân chúng đọc nhiều, mở đầu nơi trang nhất bằng tựa đề: "ÐTC tại Rumani"; trong bài, tác giả bài báo đã viết như sau: "Một Vị Giáo Hoàng gốc Slavô và một Vị Giáo Chủ Latinh, Ðức Teoctist (thực sự Rumani thuộc thế giới Latinh), bắt tay nhau tại Bucarest. Trong một thế giới bị tục hóa, bị đe dọa bởi sự sợ hãi của một chiến tranh lạnh mới, trong bối cảnh hiện nay của chiến tranh tại miền Balcan, Ðức Karol Wojtyla và Ðức Teoctist đem đến cho lục địa chúng ta một gương sáng về tình bạn hữu và tình huynh đệ. Cuộc gặp gỡ này có lẽ còn quan trọng hơn cuộc gặïp gỡ giữa Ðức Phaolô VI và Ðức Giáo Chủ Athenagoras đệ nhất, vào tháng 12 năm 1965.

Báo này còn viết thêm: Dịch vụ an ninh của Rumani mừng 9 năm thành lập chính trong lúc quan trọng này, nghĩa là lúc phải bảo vệ an ninh cho ÐTC.

Nhật báo "Adevarul" (Sự Thật) cũng chỉ trích việc can thiệp NATO và trình bày lập trường của Bộ Trưởng Quốc Phòng Rumani về vần đề: Chủ ý của NATO là đem đến Rumani những vũ khí dự trữ. Nói chung, các đoàn thể văn hóa, giới trí thức, trên các báo, ủng hộ sự hiện diện cần thiết của Rumani trong lực lượng hòa bình, khi nào được cụ thể hóa.

Tờ National, (quốc gia) một nhật báo chuyên về tín tức, nhưng nhất là về bình luận và phân tích, để hình lớn Ðức Gioan Phaolô II ở giữa trang nhất với lời chào mừng; đồng thời loan tin: "Một triệu người dân Rumani muốn được thấy Ðức Giáo Hoàng". Báo này cũng đăng lại sứ điệp của ÐTC và sứ điệp chào mừng của Ðức Cha Bercea, Giám Mục Hy Lạp Công Giáo. Trong sứ điệp này Ðức Giám Mục nhấn mạnh rằng: chuyến viếng thăm của ÐTC là chuyến viếng thăm đại kết.

Trên trang ba, tờ National đăng chương trình chi tiết về chuyến viếng thăm và loan tin: trong dịp này Ngân Hàng Quốc Gia Rumani cho lưu hành đồng tiền đặc biệt bằng vàng và bạc, để kỷ niệm chuyến viếng thăm lịch sử của Ðức Gioan Phaolô II.

Tờ "Evenimentul Zilei" (những biến cố trong ngày) chào mừng ÐTC nơi trang nhất và đăng hình lớn. Trong những trang sau, nhấn mạnh rằng: sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng phải được coi như yếu tố của việc bình định trong miền Balcan. Báo này đăng các lời tuyên bố của nhiều nhân vật chính trị, như ông Ion Diaconescu, Chủ Tịch Hạ Viện và Chủ Tịch Ðảng Quốc Gia Nông Dân. Ông nói rằng: sự hiện diện của Ðức Giáo Hoàng đánh dấu việc hướng về phía Tây của chính Ðất nước Rumani, bởi vì Giáo Hội Công Giáo có một lập trường chắc chắn trên cấp bậc thế giới.

Trong bài khác, báo này viết: vị kế nghiệp Thánh Phêrô, trong suốt Triều Giáo Hoàng của ngài, đã vượt từng trăm ngàn cây số.

Tạp chí "22", thuộc giới trí thức, nhân chuyến viếng thăm, viết: ÐTC là người đã góp phần quan trọng hơn cả vào việc sụp đổ của chế độ cộng sản. Tạp chí đăng bài phỏng vấn Vị Khoa Trưởng phân khoa Thần Học Công Giáo của Ðại Học Bucarest, cha Tarcisiu Serban. Cha nhấn mạnh rằng: việc mở phân khoa Thần Học là nhờ vào việc thay đổi tình hình của xã hội Rumani. Về vấn đề tục hóa, Cha Serban nhận xét rằng: Giáo Huấn của ÐTC và chuyến viếng thăm của ngài rất quan trọng để chuẩn bị thế giới chống lại nguy cơ của việc tục hóa này.

Ðài phát thanh Nhà Nước, trong chương trình riêng về đời sống thiêng liêng, thuật lại những cuộc gặp gỡ của thế giới Chính Thống Chính Thức với Giáo Hội Công Giáo và về sự cởi mở với Tây Phương.

Nhiều đài khác có tính cách thương mại, nhưng được nhiều người nghe, loan tin về những chuẩn bị chuyến viếng thăm và cho biết: rất nhiều người (có tới một triệu) đang tuốn về Bucarest. Các đài này cũng cho hay: nhiều người gọi điện thoại hỏi phải làm cách nào để đến Bucarest. Các phương tiện chuyên chở không thể thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của người dân muốn đến thủ đô trong dịp này, dù Nhà Nước đã trừ liệu 30 chuyến xe lửa đặc biệt.

Báo này cũng loan tin: Vị giám đốc phi trường Banessa (của Bucarest) bị sa thải, vì ông đòi các phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình nộp thêm tiền thuế 30 Mỹ kim -, và nếu mang theo các máy móc, thì phải nộp: 800 Mỹ kim, - mang theo máy chụp hình, nộp: 200 Mỹ kim.

Ðài truyền hình Nhà Nước (hai đài chính và một đài có tính cách địa phương hơn) hai ngày trước chuyến viếng thăm, đã cho phổ biến các cuộc phỏng vấn nhiều vị lãnh đạo quan trọng của hai Giáo Hội Chính Thống và Công Giáo, với những hình ảnh về các cơ sở, nhà thờ... của Chính Thống và Công Giáo tại Rumani - và nhiều cuộc phỏng vấn các nhà văn và các nhân vật chính trị trong những năm vừa qua đã được gặp ÐTC.

Từ một tuần trước, Ðài Truyền Hình Quốc Gia truyền đi mỗi buổi tối một cuộc phỏng vấn vị Hồng Y này Hồng Y khác và những nhân vật gẫn gũi ÐTC, rồi những nhân vật thuộc giới văn hóa và chính trị Rumani. Trong các vị Hồng Y được phỏng vấn có Ðức Hồng Y James Stafford, chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh phụ trách giáo dân, Ðức Hồng Y Acille Silvestrini, Tổng Trưởng Bộ các Giáo Hội Ðông Phương và Ðức Tổng Giám Mục Jean-Claude Périsset, Sứ Thần Tòa Thánh tại Rumani.


Back to Radio Veritas Asia Home Page