ÐTC tiếp năm vị tân Ðại Sứ
trình thư ủy nhiệm

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp năm vị tân Ðại Sứ trình thư ủy nhiệm.

 Vatican - 16.12.99 - Sáng thứ Năm 16.12.99, trong Ðền Vatican, ÐTC tiếp năm Tân Ðại Sứ của 5 quốc gia khác nhau trình thư ủy nhiệm: Ðan Mạch, (Châu Âu), Burundi, Rwanda (Châu Phi), Singapor và Pakistan (Châu Á), đại diện các nền văn hóa, sắc tộc, tiếng nói khác nhau. Ðây là những yếu tố quan trọng nói lên tính cách siêu quốc gia của Tòa Thánh và tính cách "hoàn vũ" của Giáo Hội Công Giáo. Tại Ðan Mạch đa số người dân theo Giáo Hội Tin Lành Luther; Burundi và Rwanda có một số khá đông Công Giáo; còn Singapor đa số theo Phật Giáo hoặc thờ kính Tổ Tiên và Pakistan là một quốc gia hầu như hoàn toàn Hồi Giáo. Với hai Ðại Sứ của Burundi và Rwanda, hai quốc gia nằm trong miền sôi bỏng của Các Hồ Lớn Châu Phi, miền bị tàn phá vì chiến tranh giữa các sắc tộc từ năm 1994, ÐTC nhắc đến sự khao khát của các dân tộc miền này được hưởng một nền hòa bình, nhưng có lẽ nền hòa bình này còn vắng bóng, vì những vụ tàn sát và hành quyết không xét xử công minh. ÐTC kêu gọi đình chỉ mọi hình thức bạo hành chống lại người dân vô tội, để biết bao người tị nạn được trở về nhà cửa ruộng đất của họ mà không lo sợ nguy hiểm; bảo đảm với những điều kiện về một đời sống xứng đáng cho các tù chiến tranh, và việc xét xử công bình. ÐTC nói thêm: Ðể tất cả những điều này được thực hiện, cần có sự giúp đỡ của tình liên đới quốc tế, và khả năng của các tôn giáo khác nhau, đem đến sự đóng góp, nhưng không phải một sự đóng góp phụ thuộc, vào nền hòa bình.

 Với hai nhà ngoại giáo Châu Á: Singapor và Pakistan, ÐTC đề cập đến vấn đề tôn giáo. Với Tân đại sứ Pakistan, ÐTC nhắc lại 50 năm việc công bố Bản Tuyên Ngôn chung về nhân quyền, trung tâm các quyền này - ÐTC nhấn mạnh - chính là quyền tự do tôn giáo. Khi một tình trạng đặc ân được dành cho một tôn giáo nhất định, gây thiệt hại cho các tôn giáo khác, thì tự do tôn giáo coi là bị vi phạm và mở đường cho biết bao "chiến tranh tôn giáo" trên thế giới này. Ðây thực là những đồi bại của sứ điệp thiêng liêng tinh tuyền của bất cứ tôn giáo nào. Trái lại, trong diễn văn dọc cho Tân Ðại Sứ Singapor, ÐTC có những lời lẽ khác hẳn. Tại quốc gia bé nhỏ và thịnh vượng này của Châu Á, ÐTC ca ngợi truyền thống lâu đời của việc chung sống hòa hợp giữa các tôn giáo; nhưng đồng thời ngài xin giúp đỡ các nước nghèo túng hơn tại miền Ðông Nam Á, vì Singapor có một nền kinh tế phồn thịnh. Với Tân Ðại Sứ Ðan Mạch, một quốc được coi như là chiếc cầu giữa miền Bắc và các miền khác của Châu Âu, ÐTC nhấn mạnh đến những hiện tượng hiện đang gây náo động Cựu Lục Ðịa: cách riêng ngài nhắc đến sự cần thiết của tính cách ổn định và an ninh trong "ngôi nhà chung Châu Âu, được điều kiện hóa bởi việc tôn trọng luật pháp, tôn trọng các quyền con người và các thiểu số - ÐTC cũng nhắc đến những làn sóng mới di dân từ các Nước trên đường phát triển. Sau cùng, trong diễn văn chung cho các tân Ðại Sứ, ÐTC nhắc lại việc kỷ niệm 10 năm Hiến Chương về các Trẻ Em. Ngài gợi lại những quyền bất khả chuyển nhượng của các trẻ em: cách riêng quyền không trở nên một đồ vật của thương mại, nhằm làm thỏa mãn những ước muốn của các nguời lớn, nhằm cổ võ những con đường của việc nhận nuôi bất hợp pháp các trẻ em, hay những con đường còn vô luân hơn nữa: buôn bán cơ thể của trẻ em.

 Tân Ðại Sứ Ðan Mạch: Tiến Sĩ Bjarne Bladbjerg, sinh năm 1943, có gia đình và hai người con gái. Trước khi được bổ nhiệm làm Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh, Tiền Sĩ Bladbjerg đã giữ nhiều chức vụ trong và ngoài nước. Từ năm 1995 đến 1999, Ông giữ chức Ðại Sứ tại Philippines. Hiện nay Ông vừa làm Ðại Sứ cạnh Cộng Hòa Áo Quốc, vừa làm Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh.

 Tân Ðại Sứ Burundi, Tiến Sĩ Aloys Mbonayo, sinh năm 1953, có gia đình và 5 người con. Ông được thăng Ðại Sứ tháng 8 năm 1998, rồi từ tháng 2 năm 1999, được bổ nhiệm làm Ðại Sứ tại Áo Quốc và hiện nay kiêm Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh.

 Tân Ðại Sứ Singapor, Tiến Sĩ Selverajah, sinh năm 1953, tại Malyasia, hiện cư ngụ tại Burxelles, có gia đình và hai người con. Ông vào ngạch Ngoại Giao năm 1979 và từ năm 1997 đến 1999, ông được thăng Tổng Giám Ðốc tại Bộ Ngoại Giao. Ông là Ðại Sứ Singapor cạnh Bỉ Quốc và kiêm Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh.

 Tân Ðại Sứ Rwanda, Tiến Sĩ Jacques Bihozagara, sinh năm 1945, có gia đình và 5 người con. Từ năm 1994 đến 1995, ông là Bộ trưởng Xã Hội và từ năm 1995 đến 1999, Bộ Trưởng Thanh Niên, Thể Thao, Văn Hóa và Huấn Luyện hướng nghiệp. Ông là Ðại Sứ Rwanda cạnh Bỉ Quốc, kiêm Ðại Sứ cạnh Tòa Thánh.

 Tân Ðại Sứ Pakistan, Tiến Sĩ Tayyab Siddiqui, sinh năm 1942, có gia đình. Ông vào ngành Ngoại Giao năm 1967 và phục vụ tại nhiều Sứ Quán của Pakistan tại Jordanie, Liban, Sri Lanka, Ðức, Hy Lạp, Bengladesh, New York và Washington. Năm 1997, ông được bổ nhiệm làm Ðại Sứ tại Ai Cập. Năm 1999 Ðại Sứ tại Thụy Sĩ. Hiện nay ông Kiêm Ðại Sứ Pakistan cạnh Tòa Thánh.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page