Các giáo hội Á Châu
phải giúp người nghèo
trở thành tác nhân của thay đổi

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Các giáo hội Á Châu phải giúp người nghèo trở thành tác nhân của thay đổi.

(UCAN AS3416.1040 12/08/99) - Ấn Ðộ (Bangalore) - Các giáo hội Á Châu phải hiệp sức với những tôn giáo khác để giúp người nghèo trở thành tác nhân của thay đổi, thay vì coi họ như là những đối tượng của bác ái.

Ðó là quan điểm của một Linh Mục người Indonesia thuộc dòng Tên, tại một Hội Nghị của các Thần Học Gia Á Châu. Hội nghị này diễn ra tại thành phố Bangalore của Ấn Ðộ, qui tụ khoảng 125 nhà thần học đến từ 14 nước Á Châu và một số nước khác. Hội nghị do Hội Ðồng Kitô Á Châu (Christian Conference of Asia) đứng ra tổ chức từ ngày 9 đến ngày 15 tháng 8/1999. Trong bài chia sẻ của mình, Linh Mục Gioan Baotixita Banawiratma, người Indonesia cho rằng, các giáo hội Á Châu phải luôn luôn đặt ra một con đường khác cho người nghèo để cởi bỏ hình ảnh đã có sẵn về người nghèo, bởi vì truyền giáo có nghĩa là trở thành chứng nhân của công lý, lòng thương xót và đoàn kết mỗi ngày, trong bối cảnh của những bất công phức tạp và đa dạng. Cha Banawiratma nói như sau: "Cùng với anh chị em thuộc các tín ngưỡng và tôn giáo khác, các giáo hội Á Châu phải tranh đấu để duy trì tình yêu thương của Thiên Chúa Cha và các giá trị hoàn vũ của ngài."

Cha Banawiratma là thần học gia tại Ðại Học Công Giáo Sanatha Dharma ở thành phố Yogyakarta. Trưng dẫn thí dụ của Indonesia, một quốc gia nơi mà các cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội và văn hóa đã khiến cho các công nhân, nông dân, phụ nữ, trẻ em và người sắc tộc, trở thành nạn nhân của sự bất công. Theo cha, thường khi, thay vì bảo vệ người nghèo, tôn giáo trở thành một phần của thế lực bá quyền. Giáo hội cần phải giáo dục các thành phần giàu có, để họ biết đảm nhận trách nhiệm làm giảm bớt sự đau khổ của người nghèo. Nếu điều này không hiện thực, thì con người không thể nào đạt tới được một thế giới an sinh toàn diện. Cha Banawiratma mô tả sự kiện người dân đòi hỏi dân chủ, công lý và một hệ thống kinh tế công bằng, là những dấu cho thấy sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống của húng ta ở Á Châu. Giáo hội nên hoan hỉ vì những dấu hiệu này để đặt ra những đường hướng phục vụ người nghèo của giáo hội trở nên có ý nghĩa hơn. Nếu không có tinh thần hoan hỉ, tạ ơn và ca ngợi, không có đức tin và hy vọng là Thiên Chúa luôn ở với chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta dễ dàng trở thành tuyệt vọng.


Back to Radio Veritas Asia Home Page