Bản tuyên ngôn 2000 cho một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.
(Zenit 26/07/99) - Roma - Một nhóm những nhân vật đoạt giải Nobel hòa bình đã viết ra một bản tuyên ngôn, gọi là "Bản Tuyên Ngôn 2000" cho một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động.
Các nhân vật nói trên gồm có: Ðức Cha Carlos Ximenes Belo, bà Rigoberta Menchu, ông Adolfo Perez Esquivel, Ðức Cha Desmond Tutu, ông Mikhail Gorbachiov, ông Nelson Mandela và ông Shimon Perez. Mục đích của bản tuyên ngôn cũng chính là lời mời gọi của riêng từng cá nhân vừa nói hãy đảm nhận trách nhiệm của riêng mỗi người trong việc dấn thân xây dựng hòa bình. Ban tổ chức hy vọng sẽ thu thập được 100 triệu chữ ký và sau đó sẽ trình lên khóa họp đại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 năm 2000. Như vừa nói, bản tuyên ngôn này nhấn mạnh tới trách nhiệm cá nhân của những nhân vật đã từng được trao tặng giải Nobel Hòa Bình. Phần giới thiệu bản tuyên ngôn xác định trách nhiệm của mỗi một con người phải mang lại những giá trị, quan điểm và cách cư xử, nhắm nuôi dưỡng một nền văn hóa hòa bình. Ngày qua ngày, mỗi người đều có thể dấn thân thực thi trách nhiệm này trong bối cảnh đời sống gia đình, tại địa phương, thành phố, vùng hay quốc gia mình đang sống, nhắm thăng tiến tinh thần bất bạo động, khoan nhượng, đối thoại, hòa giải, công lý và đoàn kết.
Các nhà đoạt giải Nobel Hòa Bình đã viết như sau: "Năm 2000 phải là một khởi đầu mới cho tất cả chúng ta. Cùng nhau, chúng ta có thể biến đổi văn hóa chiến tranh và bạo động, trở thành một nền văn hóa hòa bình và bất bạo động. Công tác này đòi hỏi sự tham gia của mỗi một người. Ðiều này sẽ cho giới trẻ và các thế hệ tương lai những giá trị có thể khích lệ họ kiến tạo một thế giới có phẩm giá và hòa hợp, một thế giới của công lý, đoàn kết, tự do và thịnh vượng. Nền văn hóa hòa bình này sẽ giúp cho chúng ta đạt tới sự phát triển mà vẫn có thể bảo vệ được môi trường và giúp cho mỗi người đạt tới ý nguyện của riêng cá nhân mình. Ðể thu thập chữ ký, Tổ chức Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNESCO cũng đã đưa bản tuyên ngôn này lên mạng Internet, để những ai xử dụng mạng lưới này cũng có thể gửi chữ ký của mình ủng hộ bản tuyên ngôn.