Không có chiến thắng
trong chiến tranh
chỉ có bom đạn và bạo động

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Không có chiến thắng trong chiến tranh, chỉ có bom đạn và bạo động.

(Zenit 26/07/99) - Eritrea (Asmara)-Không có chiến thắng trong những cuộc chiến thời này, chỉ có bom đạn và bạo động.

Ðó là khẳng định của Ðức Cha Berhane Yesus Suraphiel, giám quản tông tòa thủ đô Addis Ababa của Ethiopia và cũng là chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục của cả hai nước Ethiopia và Eritrea nhân khóa họp thượng đỉnh của các nước trong Tổ Chức Ðoàn Kết Phi Châu, diễn ra tại thủ đô Algiers của Algeria mới đây. Mục đích của cuộc họp này là nhắm giải quyết tranh chấp giữa hai nước Ethiopia và Eritrea. Bản cương lĩnh 11 điểm công bố sau khóa họp bao gồm việc rút quân đội ra khỏi khu vực bị chiếm đóng giữa hai quốc gia, và khởi đầu thương thuyết để tìm ra một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên xem ra Eritrea và Ethiopia vẫn chưa đạt tới được thỏa thuận trong lúc này, bởi vì đại diện của hai quốc gia đều bác bỏ những đề nghị trong cương lĩnh nói trên, và cáo buộc lẫn nhau về những vụ vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Tổng thống Bill Clinton của Hoa Kỳ đã gửi đặc sứ tới Asmara, thủ đô Eritrea, để xem xét tình hình.

Theo các nhà quan sát, thật khó để kiểm nhận số nạn nhân trong cuộc tranh chấp này, trong khi các cơ quan có thẩm quyền ghi nhận là trong vòng vài tháng qua, có ít nhất 60 ngàn người đã bị thiệt mạng trong những trận giao chiến giữa quân đội hai nước. Hãng thông tấn Fides đã phỏng vấn Ðức Cha Berhane Yesus Suraphiel về quan điểm của ngài, và Ðức Cha Suraphiel đã trả lời như sau: "Không có kẻ chiến thắng trong chiến tranh thời nay, chỉ có bom đạn và bạo động giữa hai bên lâm chiến. Những bom đạn này đến từ đâu? Từ nước ngoài. Không có điều gì tốt đến từ chiến tranh. Ðây là lý do tại sao, kể từ tháng 4/1999 vừa qua, các Giám Mục Ethiopia cũng như của giáo hội Eritrea, lên tiếng kêu gọi hòa giải và hòa bình. Liên Hội Ðồng Giám Mục hai nước là thể chế duy nhất duy trì sự đoàn kết giữa hai quốc gia. Ðó là sự đoàn kết lịch sử và văn hóa, nhưng trong giai đoạn hiện tại, thì sự đoàn kết này xem ra không có giá trị. Với riêng các Giám Mục, chúng tôi không đứng về phía nào, nhưng quan trọng là nhận định những yếu tố cản trở hai nước đi tới hòa giải. Trả lời câu hỏi liệu có quốc gia nào ở Phi Châu sẵn sàng đứng ra làm trung gian cho hai nước, Ðức Cha Suraphiel cho đây là một điều khó khăn. Bởi vì cả lục địa Phi Châu đang lâm vào nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nơi nào ở Phi Châu người ta cũng chứng kiến cảnh giới trẻ không có công ăn việc làm, không tương lai. Mỗi quốc gia đều đang phải đương đầu với những vấn nạn riêng, và mỗi ngày đều có những lý do mới để tranh chấp bùng nổ.


Back to Radio Veritas Asia Home Page