Các nhà hoạt động chính trị Công Giáo thận trọng về việc tu chính hiến pháp.
Tin JAKARTA (UCAN 23-07-99) -- Các nhà hoạt động chính trị Công Giáo trên khắp Inđônêxia đã ủng hộ lời kêu gọi tu chính Hiến Pháp năm 1945 của nước này, nhưng họ yêu cầu giữ lại phần mở đầu của hiến pháp nói về ý thức hệ của nhà nước. Tại một cuộc họp báo sau cuộc hội thảo hai ngày 19-20 tháng 7/1999 tại Jakarta, đại diện của 100 nhà hoạt động Công Giáo cho biết có thể tu chính các điều khoản trong phần chính của Hiến Pháp năm 1945, nhưng phần mở đầu của Hiến pháp không cần phải tu chính. Hiệp hội các Ðại Học Công Giáo Inđônêxia và Diễn Ðàn Xã Hội Công Giáo Inđônêxia là hai đơn vị đồng tổ chức khóa hội thảo. Một thuyết trình viên của cuộc hội thảo là nhà khoa học chính trị Agustinus Ramlan Surbakti nói rằng phần mở đầu của Hiến Pháp 1945 gồm có lời tuyên bố Inđônêxia là một nhà nước và lấy Pancasila (năm nguyên tắc) làm ý thức hệ của đất nước. Ý thức hệ nhà nước Pancasila gồm năm nguyên tắc là độc thần, nhân bản, dân tộc, dân chủ và công bằng xã hội. Ông Surbakti nói: "Việc tu chính phần mở đầu của hiến pháp có thể làm thay đổi ý thức hệ và có thể chấm dứt quy chế thống nhất của Inđônêxia." Các đại biểu đồng ý việc thay đổi các điều khoản trong phần chính của Hiến Pháp, nhưng họ cho biết họ muốn việc tu chính được tiến hành từng bước một. Surbakti nói rằng trước tiên các khoản tu chính có thể được đưa ra thông qua các nghị định của Ðại Hội Hiệp Thương Nhân Dân (Majelis Permusyawaratan Rakyat). Có thể hình thành một bản hiến pháp dân chủ bằng cách sửa lại các điều khoản trong phần chính của Hiến Pháp 1945. Tuy nhiên, ông nói thêm, chỉ có thể tu chính hiến pháp sau khi đã xem xét thành phần và lập trường của các cơ quan lập pháp và một cuộc bầu cử nữa được tổ chức tốt. Các đại biểu cũng đã đề nghị phương thức bầu cử tổng thống trực tiếp, sau khi Ðại Hội Hiệp Thương Nhân Dân, Hạ Nghị Viện và các đại biểu tỉnh đã hoạt động tốt. Theo Hiến pháp 1945, Ðại Hội Hiệp Thương Nhân Dân bầu ra tổng thống, cơ quan này gồm các dân biểu được bầu và một số thành viên được chỉ định. Theo cuộc tổng tuyển cử năm 1999, Ðại Hội Hiệp Thương Nhân Dân có 700 thành viên trong đó có 446 dân biểu được bầu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6, 38 đại biểu được chỉ định của quân đội, 135 đại biểu các tỉnh và 65 đại biểu của các tổ chức nghề nghiệp, tôn giáo và người thiểu số. Các đại biểu dự cuộc hội thảo đề nghị trong tương lai chỉ có những đại biểu được bầu trong cuộc tổng tuyển cử mới được làm thành viên của Ðại Hội Hiệp Thương Nhân Dân. Về chức vụ tổng thống, các đại biểu dự hội thảo đề nghị sửa đổi điều khoản hiện nay quy định tổng thống phải là một người sinh ra tại Inđônêxia thành điều khoản bao gồm cả những người là công dân Inđônêxia do đã nhập quốc tịch.