ÐTC gặp các Hiệp Sĩ Malta nhân dịp mừng kỷ niệm 900 năm thành lập.
Vatican - 24.06.99 - Hơn hai ngàn Hiệp sĩ Malta, với cũng hơn hai ngàn thiện nguyện viên của Hiệp Hội, đến từ khắp thế giới, tụ họp nhau trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để cử hành Thánh Lễ kính Thánh Gioan Tẩy Giả, Quan Thầy và để mừng kỷ niệm 900 năm thành lập Hiệp Hội. Lễ mừng kỷ niệm đã chính thức khai mạc tháng 12 năm ngoái (1998) tại đảo Malta với sự tham dự của các đại biểu đến từ khắp nơi, dưới quyền chủ tọa của Thầy Andrew Bertie, chủ tịch Hội Hiệp Sĩ.
Thánh Lễ trọng thể trong Ðền Thờ Thánh Phêrô kính Thánh Quan Thầy và mừng kỷ niệm 900 năm thành lập, do Ðức Hồng Y Pio Laghi, Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Công Giáo, vị bảo trợ Hiệp Hội, chủ sự. Cùng đồng tế với Ðức Hồng Y có nhiều vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Linh Mục tuyên úy của Hiệp Hội. Ngoài ra còn có sự hiện diện của nhiều Vị Quốc Trưởng, Thủ Tướng, 11 Bộ Trưởng Ngoại Giao cùng với 83 phái đoàn ngoại giao cạnh Hiệp Hội và đại diện của các Hoàng Gia Châu Âu. Tổng Thống Pháp, ông Chirac và Tổng Thống Ý, ông Carlo Arzeglio Ciampi, và 14 Vị Quốc Trưởng khác cũng cử đại diện riêng của mình tham dự Thánh Lễ mừng kỷ niệm 900 năm thành lập Hiệp Hội.
Sau Thánh Lễ, ÐTC xuất hiện nơi cửa sổ phòng làm việc của ngài để chào mừng và ban Phép Lành cho tất cả các người tham dự biến cố quan trọng của Hội Hiệp Sĩ Malta. ÐTC nói: "Từ hơn 900 năm nay, Hiệp Hội đầy công nghiệp của Anh Chị Em đem đến cho thế giới một chứng tá, trung thành với khẩu hiệu của mình "Bênh Vực Ðức Tin, Phục Vụ người nghèo" (Tuitio fidei, obsequium pauperum). Khẩu hiệu này được liên kết với giới răn Phúc Âm của Chúa: kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Tình yêu đối với những người yếu hèn đã được minh chứng cách hùng hồn bởi sự hiện diện của anh chị em bên cạnh các bệnh nhân, các người đau khổ, các nạn nhân động đất, các người tị nạn. Tình yêu này là đặc điểm ghi dấu Hiệp Hội của anh chị em, hiệp hội có tính cách tôn giáo và hoàn toàn có chủ quyền như một cơ cấu vững chắc và có giá trị, một cơ cấu gánh nhận trên mình sự đau khổ của con người.
Kết thúc bài nói chuyện ngắn, ÐTC khuyến khích các Hiệp Sĩ Malta luôn luôn trung thành với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với người nghèo khổ, theo lời Chúa Giêsu: Ðây là giới răn của Thầy là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con... Ðiều mà các con đã làm cho người bé nhỏ nhất trong các anh em của Thầy, tức là đã làm cho chính Thầy vậy.
Trong sứ điệp gửi cho toàn Hiệp Hội trong dịp long trọng này, Thầy Andrew Bertie, chủ tịch Hiệp Hội, nhắc lại con đường dài mà Hiệp Hội đã trải qua trong 9 thế kỷ, đồng thời vạch ra những con đường của các dấn thân cho Ngàn Năm thứ ba. Thầy viết: "Trong các thế kỷ qua đi, chúng ta đã bênh vực đức tin và cứu trợ biết bao người cần đến chúng ta: bệnh nhân, người nghèo khổ, bị đàn áp, mà không có một kỳ thị nào về quốc gia và về tư tưởng. Ngày nay, trong những hoàn cảnh và điều kiện xã hội đã thay đổi, sự dấn thân vẫn là một để bênh vực sự sống con người, cứu vớt các người bi thương tích và các người tị nạn, như chúng ta đang làm trong thời gian này tại miền Balcan. Nhưng ngoài việc hô lên: "tranh đấu chống chiến tranh", bổn phận chúng ta còn phải hô lớn hơn nữa "chiến đấu chống sự chết". Ðối với chúng ta không có sự khác biệt giữa những vụ tàn sát trong chiến trường, nhân danh những thù ghét chủng tộc, và biết bao cái chết khác, cùng với án tử hình chưa được bãi bỏ, hiện vẫn còn thi hành cả trong các nước rất văn mính, vì lý do tôn trọng luật lệ quốc gia. Cũng vậy, trong việc tuân theo những lề luật này, người ta tiếp tục phạm những tội ác ghê tởm về phá thai. Hiệp Hội Malta, trong khi tiến vào thế kỷ thứ 10 của cuộc đời, có bổn phận chống lại những cái không văn minh này, bởi vì đối với chúng ta, việc chữa lành các người bị thương vì chiến cuộc, các bệnh nhân trong các nhà thương và cứu trợ các người tị nạn trong các trại tạm trú, là không đủ; sự sống phải được bảo vệ luôn luôn và bất cứ nơi nào.
Với đức tin, chúng ta chống lại những vụ tấn công của các giáo phái, đang làm sai lạc chân lý của Chúa Kitô, gây hại nặng nề cho các môn đệ của Chúa, và vi phạm trong nhiều cơ hội những luật lệ luân lý.
Hội Hiệp Sĩ Malta hiện nay gồm có 11 ngàn hội viên với 80 ngàn thiện nguyện viên thường xuyên, điều khiển 350 tổ chức cứu trợ xã hội và bệnh viện tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, với tổng số 8 ngàn giường cho bệnh nhân và 150 ngàn người được điều trị tại các cơ cấu này.