Bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II
Chúa Nhật Lễ Lá 28/03/99
và cũng là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14
được cử hành tại từng giáo hội địa phương

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài giảng của ÐTC Gioan Phaolô II Chúa Nhật Lễ Lá 28/03/99 và cũng là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ lần thứ 14, được cử hành tại từng giáo hội địa phương.

"Chúa Giêsu tự hạ và vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá" (Phil 2,8). Việc cử hành Tuần Thánh được bắt đầu với lời tung hô "Hosana!Chúc Tụng Chúa" của Chúa Nhật Lễ Lá và đi đến cao điểm của nó nơi lời lên án "Hãy Ðóng Ðinh nó đi!" của Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Ðây không phải là một điều nghịch lý; nhưng đúng hơn là trung tâm của Mầu Nhiệm mà phụng vụ muốn công bố: Chúa Giêsu tự ý đi vào cuộc thương khó của Người, không bị đè bẹp bởi những quyền lực mạnh hơn Người (x. Gn 10,18). Nhìn vào Thánh Ý Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu đã hiểu là đã đến giờ của Người; và Chúa đã chấp nhận giờ đó với sự tự do vâng phục của Con Thiên Chúa và với tình yêu thương vô cùng đối với con người. Chúa Giêsu đã mang lấy những tội lỗi của chúng ta và những tội lỗi của chúng ta đã đưa Chúa đến Thập Giá: Người đã bị dập nát vì những tội lỗi của chúng ta (x. Is 53,5). Khi vua Ðavid muốn tìm bắt người có trách nhiệm trong hành động xấu mà tiên tri vừa kể cho Vua nghe, thì tiên tri Natan đã nói như sau: "Chính Ngài là người phạm lỗi đó!" (2 Sam 12,7). Cũng vậy, Lời Chúa trả lời cho chúng ta đang thắc mắc ai đã làm cho Chúa phải chết, như sau: "Người đó chính là con!" Vụ xử án và cuộc thương khó của Chúa Giêsu thật vậy vẫn tiếp tục trong thế giới ngày hôm nay, và được lặp lại bởi bất cứ ai chiều theo tội lỗi; người đó không làm gì khác hơn là tiếp tục lời lên án: "Xin đừng tha người nầy. Mà hãy tha Barabas! Còn người nầy, thì hãy đem đi đóng đinh!"

2. Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Người, chúng ta nhìn thấy, như thấy trong tấm gương, những đau khổ của nhân loại cũng như những đau khổ của chính cá nhân mình. Chúa Kitô, dù vô tội, đã nhận mang lấy trên mình điều mà con người không thể chịu được: sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng cái chết. Trong Chúa Kitô, Ðấng là Con Người phải chịu nhục nhả và đau khổ, Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho cuộc sống con người ý nghĩa cuối cùng.

Sáng nay, chúng ta đến đây để lãnh nhận sứ điệp như trên từ Thiên Chúa Cha, Ðấng yêu thương chúng ta. Chúng ta có thể tự hỏi: Thiên Chúa Cha muốn gì nơi chúng ta đây? Ngài muốn rằng khi chiêm ngưỡng Chúa Giêsu, chúng ta chấp nhận theo Chúa trong cuộc khổ nạn của Người, để chia sẻ với Người sự sống lại. Trong giây phút nầy, những lời sau đây của Chúa Giêsu xuất hiện lại trong tâm trí chúng ta: "Chén đắng mà Thầy uống, chúng con cũng sẽ uống; Phép Rửa mà Thầy chịu, chúng con cũng sẽ chịu" (Mc 10,39); "Nếu ai muốn theo Ta, thì hãy vác lấy Thập Giá của mình và theo Ta. Bởi vì ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất nó; nhưng ai chịu mất mạng sống mình vì Ta, thì sẽ gặp lại nó" (Mt 16, 24-25).

Lời tung hô "Hosanna" và lời lên án "hãy đóng đinh nó đi!" như thế trở thành mức đo lường cho một cách thức quan niệm về cuộc sống, về đức tin và về chứng tá Kitô: người ta không nên ngả lòng vì những thất bại cũng không nên huyênh hoang vì những thành công, bởi vì, cũng như đối với Chúa Kitô, chiến thắng duy nhất là sự trung thành với sứ mạng đã lãnh nhận từ Chúa Cha. "Vì thế, Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người và đã ban cho Người một danh tánh rên mọi danh tánh khác" (Phil 2,9).

3. Phần thứ nhất của cuộc cử hành Chúa Nhật Lễ Lá đã cho chúng ta sống lại việc Chúa Giêsu khởi hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Trong ngày đó, thử hỏi ai có trực giác rằng Chúa Giêsu thành Nazareth, vị Thầy đã giảng dạy với uy quyền (x. Lc 4,32), là Ðấng Thiên Sai, con vua Ðavid, Ðấng cứu thế được mong đợi và đã được hứa trước, hay không? Thưa là chính dân chúng; và những kẻ hăng say nhất và tích cực nhất trong dân chúng lúc đó, lại là những người trẻ; và những người trẻ nầy, có thể nói được là đã trở thành cách nào đó, như là những "anh hùng" của Ðấng Thiên Sai. Những người trẻ đó hiểu rằng thời giờ của Thiên Chúa đã đến, thời giờ được mong ước và được chúc phúc, được dân Israel chờ đợi từ bao thế kỷ; và với những nhành lá cầm trên tay phất qua phất lại, những người trẻ đó nói lên cuộc khải hoàn của Chúa Giêsu. Trong sự tiếp nối tinh thần với biến cố ngày xưa, chúng ta cử hành Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, từ 14 năm nay. Trong ngày nầy, các bạn trẻ tụ họp nhau lại với những vị chủ chăn của họ, tuyên xung và vui mừng công bố đức tin của mình vào Chúa Kitô; trong ngày Quốc Tế Giới Trẻ nầy, các bạn trẻ tự hỏi về những khát vọng sâu xa nhất của mình; họ cảm nghiệm được sự hiệp thông giáo hội, xác nhận và canh tân sự dấn thân cá nhân trong trách vụ khẩn thiết của việc rao giảng Phúc Âm mới.

Các bạn trẻ tìm kiếm Chúa nơi trung tâm của Mầu Nhiệm Vượt Qua. Mầu Nhiệm Thập Giá hiển vinh trở thành hồng ân cao cả cho họ vừa đồng thời là dấu chỉ cho sự trưởng thành đức tin. Với Thập Giá của Người, biểu hiệu phổ quát cho tình yêu thương, Chúa Kitô hướng dẫn các bạn trẻ trên thế giới tiến vào "đại cộng đoàn" của Nước Thiên Chúa, Ðấng biến đổi các tâm hồn và những xã hội con người.

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã được bắt đầu tổ chức vào năm 1985 tại Quảng Trường thánh Phêrô; và cùng với "Thập Giá Năm Thánh," những Ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã đi khắp thế giới, như là một cuộc hành trình dài tiến đến ngàn năm mới; thử hỏi làm sao chúng ta không cảm tạ Thiên Chúa vì những ngày Quốc Tế Giới Trẻ nầy? Làm sao không chúc tụng Thiên Chúa, Ðấng mạc khải cho các bạn trẻ những bí mật của Nước Ngài (x. Mt 11,25), vì tất cả những hoa trái tốt của sự thiện và của chứng tá Kitô, mà sáng kiến tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ đã khơi dậy?

Ngày Quốc Tế Giới Trẻ Năm nay là Ngày Quốc Tế Giới Trẻ cuối cùng trước Năm Ðại Toàn Xá, Ngày Giới Trẻ cuối cùng của thế kỷ 20 nầy và của ngàn năm nầy: tuy nhiên Ngày Quốc Tế Giới Trẻ nầy có tầm quan trọng đặc biệt. Nhờ sự đóng góp của tất cả, ước chi Ngày Quốc Tế Giới Trẻ nầy là một kinh nghiệm mạnh mẽ về đức tin và sự hiệp thông giáo hội.

4. Các bạn trẻ tại Giêrusalem đã lên tiếng tung hô: "Chúc tụng Con Vua Ðavid" (Mt 21,9). Hỡi những người trẻ, những người bạn của Cha, chúng con có muốn, như những người trẻ đồng lứa tuổi chúng con của ngày xa xưa kia tại Giêrusalem, chúng con có muốn nhìn nhận Chúa Giêsu như là Ðấng Thiên Sai, Ðấng Cứu Thế, Vị Thầy, người Hướng Ðạo, người Bạn thân của cuộc đời chúng con, hay không? Chúng con hãy nhớ rằng: Chỉ mình Chúa mới biết một cách thâm sâu những gì có trong con người (x. Gn 2,25). Chỉ mình ngài mới dạy cho con người biết mở rộng tâm hồn chấp nhận Mầu Nhiệm và gọi Thiên Chúa đưới danh hiệu là Abba, Cha; chỉ mình Ngài mới làm cho con người biết yêu thương một cách nhưng không người đồng loại, một người đồng loại được tiếp rước và được nhìn nhận như là người anh chị em của mình.

Các bạn trẻ thân mến, chúng con hãy vui mừng đến gặp Chúa Kitô, Ðấng làm cho tuổi thanh xuân chúng con được tươi vui. Chúng con hãy đi tìm Người và gặp Người trong việc gắn bó với Lời Chúa và gắn bó với sự hiện diện nhiệm mầu của Chúa trong giáo hội và trong bí tích. Chúng con hãy sống với Chúa trong sự trung thành với Phúc Âm của Người; Phúc Âm Chúa quả thật đòi hỏi, cho đến mức độ phải hy sinh, nhưng đồng thời Phúc Âm đó là nguồn mạch duy nhất cho niềm hy vọng và cho hạnh phúc thật. Chúng con hãy yêu mến Chúa Kitô trong dung mạo của người anh chị em đang cần sự công bằng, cần được trợ giúp, cần đến tình bạn và tình yêu thương. Vào lúc ngàn năm mới sắp đến, đây là giờ của chúng con. Thế giới hiện nay mở ra cho chúng con những con đường mới và mời gọi chúng con hãy là những kẻ mang đến đức tin, niềm an vui, như được diễn tả bởi những cành lá và cành cây oliu mà chúng con cầm nơi tay trong buổi rước kiệu; đó là biểu tượng cho một mùa xuân mới của ân sũng, của cái đẹp, của lòng tốt và hòa bình. Chúa Giêsu hiện diện với chúng con và đồng hành với chúng con.

Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, vừa tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa. Giáo Hội được khai sinh từ Mầu Nhiệm Vượt Qua. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới, bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái giáo hội, rằng: Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển" (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa. Ngài là Chúa của thời gian và của lịch sử; ngài là Ðấng Cứu Chuộc con người; Ngài là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna! Amen.


Back to Radio Veritas Asia Home Page