ÐTC tiếp tân đại sứ Nam Hàn
trình thư ủy nhiệm

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp tân đại sứ Nam Hàn trình thư ủy nhiệm.

Vatican - 27.03.99 - Lúc 11 giờ trưa thứ Bảy, 27.03.99, ÐTC tiếp ông Bae-Yang-il, Tân Ðại Sứ Nam Hàn cạnh Tòa Thánh trình thư ủy nhiệm.

Trong diễn văn trao cho Tân Ðại Sứ, ÐTC nói đến những mối giây liên lạc thiết nghĩa giữa hai nước Bắc và Nam Hàn, để khuyến khích chính phủ Nam Hàn giải quyết các khó khăn hiện nay, qua việc tín nhiệm lẫn nhau, qua việc giúp dỡ cụ thể và qua việc đối thoại. Nhắc đến những khổ cực và những hy vọng của tất cả các dân tộc của Bán Ðảo Ðại Hàn, mà ngài đã có dịp gặp gỡ năm 1984 và 1989, ÐTC bảo đảm lời cầu nguyện, để một ngày nào đó tất cả được đoàn tụ trong một gia đình duy nhất . ÐTC nói thêm: Nhưng công việc tiến đến hòa bình đòi một nỗ lực kiên nhẫn: hòa bình thực ra không phải là một vấn đề của quyền bính và của sức mạnh, nhưng là một hòa giải chân thành giữa các dân tộc. Chính việc giải quyết các vụ tranh chấp giữa các nước và các nhóm chủng tộc là một trong các thách đố mà cộng đồng quốc tế hiện nay phải đối phó, trong lúc chuẩn bị bước vào ngàn năm mới.

ÐTC ghi nhận rằng: Chính phủ Nam Hàn chia sẻ với Tòa Thánh mối quan tâm cổ võ và bảo đảm một nền văn hóa của các quyền con người, nền văn hóa dựa trên việc thăng tiến phẩm giá con người và hướng về việc tìm kiếm công ích. Thực sự cần phải nhớ rằng: các quyền con người không được cấp phát bởi một quyền bính bên ngoài, nhưng phát xuất bởi phẩm giá bên trong và bởi giá trị của mỗi một con nguời: các quyền này chỉ là hệ quả của con người, vì là con người, và các quyền này chung cho mọi người. Vì thế, ÐTC quả quyết: việc bênh vực tính cách phổ cập và tính cách bất khả phân li của các quyền này, cả ngoài biên giới quốc gia của mình, là điều thiết yếu, bằng việc xây dựng một cơ cấu mới về các mối liên hệ trên mọi cấp bậc, dựa trên việc bảo đảm sự tôn trọng các quyền và tự do của con người. ÐTC nói thêm: Vì sứ mệnh thiêng liêng không thể thay thế được của mình, Tòa Thánh, tìm cách trở nên người bạn hữu ích và tích cực trong bổn phận lớn lao và mấu chốt này.

ÐTC kết thúc diễn văn bằng hai lời cầu chúc: Lời cầu chúc thứ nhất cho thế giới, để Ngàn Năm mới chứng kiến một mùa Xuân mới của tinh thần nhân đạo. Lời cầu chúc thứ hai cho toàn thể dân tộc Ðại Hàn (Bắc cũng như Nam), để trong khi hoạt động cách khôn ngoan nhằm vuợt qua các khó khăn do thế kỷ để lại, một thế kỷ thường bị đánh dấu bởi những biến cố bi đát, (toàn thể dân tộc Ðại Hàn) được cảm nghiệm một thời đại mới về hòa bình, hòa hợp và phát triển.

Kitô Giáo tại Ðại Hàn không có một truyền thống lâu đời như Phậït Giáo và Khổng Giáo, nhưng trong 215 năm (1784- 1999) hiện diện tại miền này, Giáo Hội Công Giáo đã góp phần cách rất đáng kể vào công ích Ðất Nước. Dĩ nhiên, đây là công nghiệp của các nhà truyền giáo, nhưng cũng là của một Quốc Gia luôn luôn biết tôn trọng tôn giáo, nhờ vào xác tín này là "ở trung tâm mỗi nền văn hóa" vẫn có một sự qui hướng của con người đến mầu nhiệm vĩ đại hơn; đó là mầu nhiệm Thiên Chúa. Ðây là bài học mà tất cả thế giới cần học hỏi, bởi vì xã hội dân chủ đích thực và những mối liên hệ giữa các quốc gia tùy thuộc vào thái độ chấp nhận đối với chiều kích tôn giáo trong cuộc sống của con người. Một điểm đáng lưu ý về những tiến bộ của Giáo Hội tại Nam Hàn: năm 1784 đạo Công Giáo được đem vào Ðại Hàn, không do các nhà truyền giáo ngoại quốc, nhưng do chính người giáo dân Ðại Hàn, đã học đạo tại Trung Quốc và truyền bá lại cho người đồng hương. Tháng 5 năm 1984, nhân dịp kỷ niệm 200 năm Tin Mừng được truyền bá tại Ðại Hàn, ÐTC Gioan Phaolô II đã viếng thăm Nam Hàn và tôn phong 104 Vị Chân Phước Tử Ðạo lên bậc Hiển Thánh. Lúc đó số người Công Giáo chỉ có một triệu bẩy trăm ngàn. Sau 5 năm, tức năm 1989, lúc ÐTC trở lại viếng thăm để chủ tọa các lễ nghi bế mạc Ðại Hội Thánh Thể quốc tế tại Seoul, số người Công Giáo tăng lên gần gâp đôi, tức 3 triệu. Giáo Hội Ðại Hàn rất sống động và phát triển mạnh mẽ, phần lớn nhờ vào tinh thần nhiệt thành truyền giáo và tông đồ của người giáo dân, rất ý thức về ơn gọi và sứ mệnh của mình, trong Giáo Hội và xã hội. Sáng kiến hòa giải và việc cổ võ thống nhất giữa hai miền Bắc-Nam, trước hết do các Giám Mục, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ðức Hồng Y Kim, Tổng Giám Mục giáo phận Seoul, (ngài mới được ÐTC chấp nhận về hưu vì hạn tuổi) và do người giáo dân. Hội Caritas của Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn là một trong các tổ chức cứu trợ và cổ võ việc cứu trợ anh chị em miền Bắc bị nạn lụt và nạn đói. Giáo Hội Công Giáo Nam Hàn đang xúc tiến việc truyền giáo cho anh chị em bên ngoài (Ad Gentes). Nhiều Linh Mục, Nữ Tu và người Giáo Dân đang hoạt động truyền giáo tại nhiều nước khác nhau của Châu Á (Trung Quốc), Châu Phi và Châu Mỹ Latinh.


Back to Radio Veritas Asia Home Page