ÐTC chủ sự Thánh Lễ Phong Chân Phước tại Roma, Chúa Nhật 7.03.99.
Lúc 9:30 sáng Chúa Nhật mùng 7/03/99, Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay, trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, ÐTC đã chủ sự thánh lễ trọng thể Phong Chân Phước cho 10 Vị Ðầy Tớ Chúa: 8 vị Tử Ðạo thời nội chiến Tây Ban Nha, bị xử bắn năm 1936, tại Motril gần thành phố Granada - một Linh Mục Dòng Anh Em hèn mọn, người Pháp, Cha Nicolas Barré, sống vào thế kỷ 17, sinh tại Amiens, hoạt động tông đồ trong giáo phận Rouen - và một nữ giáo dân, người Ðức, miền Bavière, Anna Schaeffer, qua đời năm 1925, vị Tông Ðồ của đau khổ.
Ba vị Hồng Y: Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Ðức Tin, người Ðức, trước đây làm Tổng Giám Mục Muenchen, miền Bavière - Jean Marie Lustiger, Tổng Giám Mục Paris, vị đứng ra xin phong Chân Phước cho Cha Barré - Friedrich Wtetter, Tổng Giám Mục Muenchen, miền Bavière - Sáu Tổng Giám Mục - Ba Giám Mục và bốn Linh Mục thuộc Dòng Thánh Augustino ... là những vị có liên hệ với các tân Chân Phước, đã đồng tế thánh lễ với ÐTC.
Trong Giáo Hội Công Giáo, việc tôn phong lên bậc Chân Phước là chặng cuối cùng và cần thiết, để sau đó được cất nhắc lên bậc Hiển Thánh. Ðể được tôn phong lên Bậc Chân Phước, không cần một phép lạ, nếu là các Vị Tử Ðạo, miễn là việc tử đạo được minh chứng và xác nhận chắc chắn. Nếu không phải là vị Tử Ðạo, thì cần có một phép lạ được chứng nhận bởi một Ủy Ban Bác Sĩ. Nhưng để được tôn phong lên bậc Hiển Thánh, luôn luôn đòi một phép lạ. Về phép lạ này, vì những lý do đặc biệt, ÐTC có thể miễn trừ, nhưng là một việc họa hiếm.
Trong 20 năm Triều Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã tôn phong lên bậc Chân Phước 819 vị, trong số này có 603 vị tử đạo và 216 vị Hiển Tu. Như vậy ngài là vị Giáo Hoàng duy nhất đã tôn phong nhiều vị Chân Phước hơn cả trong lịch sử Giáo Hội, kể từ năm 1605, năm việc phong Chân Phước được ấn định theo luật lệ của Giáo Hội.
Giảng trong thánh lễ, trước hết ÐTC nói về các Vị Tử Ðạo Tây Ban Nha như sau: "Vì đức tin, khi đến giờ phút tử đạo, các ngài đã lãnh nhận cái chết với tâm hồn bình thản, vừa an ủi các người bị lên án khác và tha thứ cho các người sát hại mình. Chúng ta tự hỏi: Làm sao lại có thể như vậy được? Thánh Augustino trả lời: Bởi vì Ðấng ngự trên trời hướng dẫn tâm trí và miệng lưỡi các vị tử đạo và qua các vị này Ngài là kẻ chiến thắng. Hỡi các vị tử đạo của Chúa Kitô, các ngài có phước! Ước gì mọi người vui mừng vì danh dự trao tặng cho các chứng nhân can đảm này của đức tin. Thiên Chúa đã giúp đỡ các ngài trong cơn thử thách và ban cho các ngài triều thiên chiến thắng. Xin các ngài giúp đỡ tất cả những ai hoạt động tại Tây Ban Nha và trên thế giới cho việc hòa giải và hòa bình".
Cha Nicolas Barré thuộc Dòng Hèn Mọn, sinh tại Amiens, mạn bắc nước Pháp, qua đời ngày 31 tháng 5 năm 1868, thọ 65 tuổi. Ngài để lại một dấu vết sâu đặm trong đời sống Công Giáo Pháp vào thời đại của ngài, cách riêng tại Rouen, nơi ngài làm cố vấn thiêng liêng cho Quốc Hội và trợ giúp cho các thiếu nữ "sống bê bối" trong thành phố. Ngài là vị sáng lập Dòng Nữ "Chúa Hài Ðồng", để dạy chữ cho những ai, vì điều kiện xãõ hội, không thể đến trường học được. Ngài khuyên các Nữ Tu hãy trở nên những nhà giáo dục đầy tình thương, giầu bác ái, hãy bằng lòng về cái cần thiết mà thôi, sống khiêm tốn và đơn sơ. Ngài căn dặn các Nữ Tu và đoàn chiên của mình như sau: "Hãy kiếm giờ nghỉ ngơi, không phải cho thể xác mà thôi, nhưng cũng để cho linh hồn được mạnh mẽ hơn".
ÐTC nói về Chân Phước Linh Mục Nicolas Barré như sau: "Tân Chân Phước đã không biết mỏi mệt làm cho sứ mệnh của ngài ăn rễ sâu vào trong việc chiêm niệm Mầu Nhiệm Nhập Thể, bởi vì Thiên Chúa làm no nê những ai đói khát sống kết hiệp với Ngài. Tân Chân Phước cho chúng ta thấy rằng một hoạt động làm cho Chúa không thể không hiệp nhất với Chúa và rằng nhờ việc tông đồ mà thánh hóa bản thân. Chân Phước Linh Mục Nicola Barré mời gọi tất cả chúng ta tín nhiệm vào Chúa Thánh Thần, Ðấng hướng dẫn dân Người trên con đường phú thác cho Thiên Chúa, con đường của vô vị lợi, của khiêm tốn, của kiên tâm cả trong những thử thách gay go nhất. Một thái độ như vậy làm tâm hồn nếm được niềm an vui trên con đường tiến đến kinh nghiệm về tác động mạnh mẽ của Thiên Chúa".
Nữ giáo dân Anna Schaeffer, người Ðức, (1882-1925), bị đau khổ hầu như suốt cả cuộc đời. Lúc 19 tuổi, Anna bị tại nạn và từ đó đến lúc qua đời năm 1925, Anna trở thành vị tông đồ của đau khổ, đau khổ đến độ được Chúa in dấu thánh trên thân thể. Những đau khổ này, ÐTC nhắc lại trong bài giảng thánh lễ phong Chân Phước. ÐTC đã nói như sau: "Nếu chúng ta nhìn vào Chân Phước Anna Schaeffer, chúng ta nhớ lại ngay rằng cuộc đời của ngài như bài chú giải sống động điều Thánh Phaolô viết: "Hy vọng không làm thất vọng, bởi vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Chúa Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta" (Rm 5,5). Con đường sống của Chân Phước càng trở nên con đường đau khổ bao nhiêu, thì càng trở nên mạnh mẽ bấy nhiêu việc ý thức rằng bệnh tật và đau yếu có thể là những hàng kẻ trên đó Thiên Chúa viết Phúc Âm của Người. Căn phòng Chân Phước sống trong lúc bệnh tật, được Chân Phước gọi là "nơi làm việc của sự đau khổ", để trở nên giống Chúa Kitô mỗi ngày một hơn. Ngài nói đến ba chìa khóa mở cửa Thiên Ðàng mà Chúa ban cho ngài: Chìa khóa lớn hơn cả bằng sắt thô và cũng nặng hơn cả, tức là sự đau khổ của tôi. Chìa khóa thứ hai là chiếc kim và chìa khóa thứ ba là cây bút viết. Với ba chìa khóa này tôi muốn làm việc cách trung thành mọi ngày, để có thể mở cửa Thiên Ðàng".
ÐTC nói tiếp: "Chính trong sự đau khổ, Chân Phước Anna Schaeffer trở nên ý thức về những trách nhiệm mà mỗi người tín hữu Kitô có, để cứu rỗi các người khác. Giường bệnh của ngài trở nên nơi của việc tông đồ rộng rãi qua các thư từ. Nếu còn sức, ngài thêu thùa (chiếc kim) để đem lại an vui cho người khác. Cả trong các thư từ, cả trong việc thêu thùa, mẫu hình ngài ưa thích hơn cả là Trái Tim Chúa Giêsu, như biểu hiệu của Tình Yêu Thương. Cái đánh động tâm hồn hơn cả là những ngọn lửa bốc cháy từ Trái Tim Chúa: Chân Phước không trình bày như ngọn lửa, nhưng như những bông lúa mì. Mối liên quan với Thánh Thể, mà Anna Schaeffer lãnh nhận hằng ngày, là độc nhất và không thể lầm lẫn được. Trái Tim Chúa được trình bày theo kiểu cách này, là biểu hiệu mà tân Chân Phước mang trên người".
Trong lễ nghi dâng lễ vật, đại diện của 8 vị Chân Phước Tử Ðạo Tây Ban Nha dâng cho ÐTC một chén thánh bằng bạc -- của Chân Phước Nicolas Barré, thì dâng Một Chén Thánh bằng bạc - một áo alba - và hai bức điêu khắc bằng mun và một tấm thảm -- của Chân Phước Anna Schaeffer thì dâng Một Thánh Giá - một số tiền - và bình chứa Dầu Thánh.
Thánh lễ kết thúc vào lúc 11:45. ÐTC trở về Phòng, và xuất hiện nơi cửa sổ đọc Kinh Truyền Tin với dân chúng tụ họp tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Trong bài suy tư vắn tắt, ÐTC chào thăm và chúc mừng cách riêng các đoàn hành hương Tây Ban Nha, Pháp, và Ðức đến Roma dự Lễ Phong Chân Phước. Sau Phép lành, ÐTC nhắc đến Ngày Phụ Nữ được cử hành vào ngày mồng 8 tháng ba, với những lời như sau: Tôi uớc mong rằng đây là lý do để suy tư lại về phẩm giá và vai trò liên hệ đến các người phụ nữ trong gia đình, trong xã hội dân sự và trong cộng đồng Giáo Hội".